Xử lý Ngân hàng 0 đồng: “Trở đi mắc núi, trở về mắc sông”

Nhàđầutư
Dự thảo luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu mới đây dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc này là làm sao để xử lý 3 ngân hàng yếu kém đã mua lại 0 đồng?
NGUYỄN THOAN
04, Tháng 05, 2017 | 08:00

Nhàđầutư
Dự thảo luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu mới đây dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lúc này là làm sao để xử lý 3 ngân hàng yếu kém đã mua lại 0 đồng?

DSC_8838_GMTT

 Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, PV Nhà đầu tư đã có cuộc phỏng vấn riêng với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Thưa ông, gần đây NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, ông đánh giá như thế nào về dự thảo luật này?

Theo tôi tìm hiểu thì dự thảo này gồm 57 điều với mục đích chính là nhằm giải quyết các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, tôi nhận thấy chưa có điều nào trong dự thảo thực sự đưa ra được giải pháp khả thi, đặc biệt là vấn đề xử lý ra sao với 3 ngân hàng yếu kém mà NHNN đã mua lại 0 đồng.

Cùng với đó, một trong những điểm “đáng trách” nhất của dự thảo là yêu cầu Chính phủ dùng ngân sách hỗ trợ phục hồi các ngân hàng yếu kém mà con số nợ xấu đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Điều này là "vô lý", bởi đây không phải là chuyện của ngân sách mà là chuyện của các ngân hàng. 

Tuy nhiên, trong các phương án xử lý NH yếu kém mà NHNN đưa vào dự thảo luật có một điểm mới mà tôi cho là cần được làm rõ và khuyến khích để áp dụng. Đó là phương án phá sản, giải thể các NH yếu kém, không đủ điều kiện hoạt động. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ, chấp nhận cho các NHTM không đáp ứng được yêu cầu có thể áp dụng phá sản, thanh lý và chúng ta đã có sẵn Luật Phá sản để áp dụng cho những trường hợp này.

Nếu để các ngân hàng phá sản, quyền lợi của người gửi tiền thì sao thưa ông?

Khi NH bị phá sản, quyền lợi của các chủ tài khoản, người gửi tiền được bảo vệ tới đâu là một vấn đề quan trọng hàng đầu để tránh đổ vỡ ngân hàng, tránh khách hàng ùn ùn kéo tới rút tiền ảnh hưởng tới an toàn hệ thống. Tôi nhớ không nhầm thì hiện nay, chúng ta đã có Luật Bảo hiểm tiền gửi ngân hàng cho khác hàng. Theo đó, mỗi chủ tài khoản sẽ được bồi thường tối đa 50 triệu đồng khi ngân hàng đó đổ vỡ hoặc phá sản, giải thể. Dù khách hàng có gửi 5 tỷ thì khi ngân hàng đó phá sản anh cũng chỉ nhận lại được 50 triệu tiền bảo hiểm mà thôi.

Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều khách hàng ngân hàng biết được quy định này. Vì thế, chúng ta cần phổ biến vấn đề này đầy đủ và rõ ràng hơn cho khách hàng, để họ nắm được quyền lợi và trách nhiệm của bản thân khi lựa chọn một ngân hàng nào đó để gửi tiền.

Cùng với đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bên tới đâu, không thể để như hiện tại, ngân sách không phải là nguồn để chi trả cho người gửi tiền khi ngân hàng sụp đổ.

Theo ông còn những điểm "vướng" nào trong xử lý các NH yếu kém, đặc biệt là các NH 0 đồng?

Chúng ta vướng ngay ở lối tư duy không cho ngân hàng được phá sản theo quy luật của thị trường. Cũng vì tư duy này mà NHNN đã mua lại những ngân hàng yếu kém (thực chất đã âm vốn chủ sở hữu rất lớn) với giá 0 đồng. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu NHNN đủ năng lực để xử lý các NH 0 đồng này không? Họ có ý thức được trách nhiệm của mình khi đứng ra làm chủ sở hữu một NH âm vốn? Tại sao NHNN không để những ngân hàng này phá sản theo quy luật của thị trường mà lại mua bắt buộc?

Theo tôi, việc NHNN mua lại các ngân hàng 0 đồng là anh đã gánh trên vai hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nếu dùng ngân sách để xử lý đống nợ xấu đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm về việc thất thoát của ngân sách? Còn nếu nói là ông chủ trước đó của ngân hàng phải chịu thì trách nhiệm của ông ta tới đâu? Trước khi ông ta rời khỏi chức vụ đó, ông ta đã làm ra bao nhiêu nợ xấu, liệu NHNN có đánh giá cụ thể? Vậy là NHNN đang ở thế "trở đi mắc núi, trở về mắc sông", làm sao giải quyết được những ngân hàng ấy?

 
Nếu ngân hàng nào đã bị liệt vào yếu kém, không còn đủ điều kiện để hoạt động thì NHNN nên xem xét cho ngân hàng đó phá sản, giải thể

Ông Bùi Kiến Thành

Vấn đề có lẽ đã đơn giản hơn nếu như NHNN để các ngân hàng trên giải thể, phá sản. Trong dự thảo Luật NHNN đưa quy định sau 3 tháng sẽ trình Chính phủ để Chính phủ có phương án xử lý các NH yếu kém. Như vậy là NHNN đang đùn đẩy trách nhiệm cho Chính phủ. Bởi thứ nhất trong Luật đã quy định rõ ràng, nên NHNN cứ chiểu theo các quy định mà xử lý. Đây là việc của NHNN không phải là việc của Chính phủ. Thứ 2, ngân sách cũng không đủ giàu để gánh những trách nhiệm trên. Đúng hơn là anh không thể bắt một bà bán hàng chăm chỉ hàng năm nộp thuế cho ngân sách chịu khoản lỗ hàng trăm nghìn tỷ mà các ông ngân hàng gây ra được.

Vậy theo ông, làm thể nào để có thể xử lý các NH yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng mà NHNN đã “trót” mua lại 0 đồng?

Quả thực đây là một trường hợp vô cùng nan giải nếu không muốn nói là bó tay. Vì vậy, muốn xử lý những vấn đề này NHNN cần dựa vào thượng tôn pháp luật. Cụ thể, đối tượng nào làm sai, làm thất thoát tài sản của ngân hàng thì đối tượng đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có nhiều ông chủ ngân hàng khi về hưu có rất nhiều nhà cửa, đất cát, tài sản, nên nếu ông làm ra nợ xấu, ông phải bán hết tài sản đang có đi để đền bù lại. Nếu ông giám đốc ấy ký cho họ hàng, công ty sân sau vay gây ra nợ xấu, thất thoát tài sản ngân hàng thì phải truy cho ra số tiền đó đã đi đâu về đâu để lấy lại.

Về phía Chính phủ, bản thân Chính phủ không thể đứng ra giải quyết vấn đề lỗ lãi hay nợ xấu của ngân hàng, nhưng Chính phủ có quyền tịch thu giấy phép hoạt động, giải thể ngân hàng đó. Riêng ở Mỹ, có quy định các công ty bảo hiểm tiền gửi có quyền tới siết ngân hàng nếu ngân hàng đó không còn đủ điều kiện hoạt động. Sau khi xem kỹ giấy tờ sổ sách của ngân hàng, hãng bảo hiểm sẽ quyết định xem ngân hàng đó giải thể hoặc chuyển cho một chủ mới. Bảo hiểm tiền gửi sẽ chịu trách nhiệm về số nợ xấu ngân hàng đó gây ra và đền bù cho khách hàng một số tiền nhất định theo quy định của luật pháp. Tất cả những khâu trên có thể được quyết định chỉ trong một ngày.

Theo tôi, muốn làm được những việc tương tự như trên, ở ta cần một quyết tâm cao từ Chính phủ. Nếu ngân hàng nào đã bị liệt vào yếu kém, không còn đủ điều kiện để hoạt động thì NHNN nên xem xét cho ngân hàng đó phá sản, giải thể, chứ không nên để như tình trạng hiện nay, cố giữ để cho ngân hàng không phá sản.

Xin cảm ơn ông!       

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ