Vốn đầu tư từ Trung Quốc: Nếu có năng lực lựa chọn thì không đáng lo

Nhàđầutư
“Trong quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc, không quan trọng Trung Quốc muốn gì mà quan trọng là ta cần gì ở Trung Quốc, lựa chọn dự án nào, phương thức nào để đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có lợi nhất”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói.
HỒ MAI
05, Tháng 05, 2017 | 07:30

Nhàđầutư
“Trong quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc, không quan trọng Trung Quốc muốn gì mà quan trọng là ta cần gì ở Trung Quốc, lựa chọn dự án nào, phương thức nào để đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam có lợi nhất”, GS. TSKH Nguyễn Mại nói.

Vốn Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 4 tháng đầu năm 2017, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nhà đầu tư Trung Quốc đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng vốn đạt trên 140%.

dai phuco

 Dự án Khu đô thị Đại Phước Lotus nằm trên đảo Đại Phước, giáp ranh Sài Gòn – Đồng Nai được tập đoàn bất động sản Trung Quốc mua lại

Số lượt góp vốn mua cổ phần, thâu tóm (M&A) doanh nghiệp Việt của Trung Quốc cũng tăng mạnh, nhiều hơn bất cứ đối tác nào và cũng chỉ đứng sau Hàn Quốc. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2016, có 21 dự án nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra mua cổ phần doanh nghiệp; đến thời điểm 20/4/2017, con số này đã lên hơn 256 dự án.

Về số vốn mua cổ phần, trong 3 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 với khoảng 123 triệu USD, chỉ kém 5 triệu USD so với các nhà đầu tư Hàn Quốc (đối tác đứng đầu). So với các đối tác đầu tư khác, Trung Quốc vượt khá xa như Nhật Bản (chỉ 80 triệu USD), Mỹ (hơn 30 triệu USD). Tính đến hết tháng 4/2017, Trung Quốc chỉ xếp sau một số nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore.

nguyen mai

 

Trong quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc, không quan trọng Trung Quốc muốn gì mà quan trọng là ta cần gì ở Trung Quốc, lựa chọn dự án nào của Trung Quốc, lựa chọn phương thức nào để đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là có lợi cho Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Các thương vụ M&A nổi bật do nhà đầu tư Trung Quốc từng thực hiện tại Việt Nam có thể kể đến như thương vụ Tập đoàn kinh doanh bất động sản và xây dựng Trung Quốc - China Fortune Land Development (CFLD) thâu tóm dự án Đại Phước Lotus Đồng Nai do VinaCapital quản lý (với diện tích 350ha nằm ở Long An, ngay cạnh lối mở đầu tiên của tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương); Vinacafe bán 6,2 triệu cổ phiếu cho Gaoling Fund (một quỹ đầu tư Trung Quốc); Công ty thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam có tới 71% cổ phần của Pokphand (Trung Quốc). Ngoài ra, nhà đầu tư Trung Quốc còn mạnh tay rót vốn vào các ngành công nghiệp nặng tại KCN Vũng Ánh Fomosa (thép), Nhà máy kẽm Lăng Cô – Chân Mây, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Vĩnh Tân, Bình Thuận), Nhà máy giấy Lee&Man…

Gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, hiện Trung Quốc đang muốn mua lại các nhà sản xuất thép thua lỗ của Việt Nam.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), hiện Chính phủ Trung Quốc đang có chiến dịch đầu tư ra nước ngoài ồ ạt, trong đó ASEAN là thị trường mà Trung Quốc hướng tới.

Trong thương mại, chúng ra rất muốn tăng thương mại chính thức thông qua thanh toán, mở LC, giao dịch qua ngân hàng nhưng Trung Quốc vẫn giữ thương mại tiểu ngạch. Do vậy, số liệu thống kê không thể chính xác được.

Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hầu hết các dự án mà nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang thực hiện tại Việt Nam đều gây ra hệ lụy thi công chậm tiến độ, đội vốn, công nghệ lạc hậu, kém chất lượng, thậm chí gây ô nhiễm mô trường trầm trọng.

Trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu ngành Công Thương, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, đội vốn lên 10.000 tỷ đồng. Vốn vay chủ yếu từ ngân hàng Trung Quốc, nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc). Tính đến hết năm 2016, thua lỗ của Nhà máy đạm Ninh Bình đã lên đến 3.314 tỷ đồng. Dù đã có 16 lần đàm phán với nhà thầu Trung Quốc nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất giải quyết.

ninh binh

Nhà máy Đạm Ninh Bình vốn vay chủ yếu từ ngân hàng Trung Quốc, nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc)

Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc do Vinachem làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, đội vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng, lỗ 1.700 tỷ đồng. Dự án chưa quyết toán với nhà thầu EPC do chưa xác định được giá trị quyết toán hợp đồng (Liên danh nhà thầu gồm Công ty hữu hạn cổ phần Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu máy Trung Quốc và Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất Việt Nam).

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, nhà thầu EPC là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Từ đó đến nay nhà thầu này không thực hiện thi công.

Cảnh giác với nguồn vốn từ Trung Quốc là cần thiết vì Trung Quốc hiện đang phải giảm thiểu các nhà máy nhiệt điện, gang thép gây ô nhiễm môi trường bằng cách đưa sang các nước khác. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nơi Trung Quốc dễ đưa vào nhất vì hiện nay Việt Nam đang cần các nhà máy nhiệt điện, xi măng, dệt nhuộm,...

Quan trọng là năng lực chọn lựa

Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại cho rằng nếu như chỉ nhìn Trung Quốc ở mặt thách thức như vậy thì “không phù hợp lắm”. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nền kinh tế này đang trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, cần mở rộng hợp tác với các nước để giải quyết vấn đề nội tại. Trong hợp tác với các nước, Trung Quốc rất coi trọng việc hợp tác với ASEAN, trong đó Việt Nam là cửa ngõ của Trung Quốc để vào ASEAN.

“Trong quan hệ thương mại, đầu tư với Trung Quốc, không quan trọng Trung Quốc muốn gì mà quan trọng là ta cần gì ở Trung Quốc, lựa chọn dự án nào của Trung Quốc, lựa chọn phương thức nào để đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là có lợi cho Việt Nam”, GS Nguyễn Mại nói.

Chủ tịch VAFIE cũng khẳng định: “Năng lực lựa chọn là đứng thứ nhất chứ không phải là việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang Việt Nam. Chúng ta cũng nên tranh thủ thời cơ khi Trung Quốc đang khó khăn và phải đầu tư ra nước ngoài".

Chủ tịch VAFIE  lấy một số dẫn chứng cho thấy vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp không phải là không mang lại lợi ích.

Ví dụ như thương vụ đại gia thương mại điện tử số 1 Trung Quốc - Alibaba mua lại trang mua sắm trực tuyến Lazada được đánh giá đóng góp một phần kích hoạt thương mại điện tử Việt Nam.

tq 1

Văn phòng Huawei tại Hà Nội - Ảnh: VnReview 

Huawei - nhà sản xuất smartphone Trung Quốc lớn thứ ba thế giới sau Apple và Samsung và là một trong những hãng viễn thông lớn nhất toàn cầu, sản xuất các thiết bị điện thoại mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, hiện điện đã có một văn phòng khá lớn, hiện đại, thông minh và xanh tại Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Vân Trung tỉnh Bắc Giang do Công ty TNHH Trina Solar Trung Quốc kiểm soát cổ phần đã chính thức đi vào sản xuất vào tháng 1/2017. Dự án có tổng công suất thiết kế là 1.000 MW, là nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo GS Mại, chúng ta có thể lựa chọn đầu tư theo hướng hiện đại như vậy. GS cũng khẳng định lại một lần nữa rằng, quan trọng nhất không phải để Trung Quốc muốn đầu tư vào đâu cũng được. “Nếu có năng lực lựa chọn thì chẳng có gì đáng lo ngại. Câu chuyện chính là khó khăn, thách thức ở bản thân mình chứ không phải vì hội nhập, mở cửa với thế giới, kể cả với Trung Quốc. Cách tiếp cận phải toàn diện", GS nói.

“Chúng ta không thể đòi hỏi mọi thứ đều an toàn hết. Thỉnh thoảng có sự cố người ta lại lấy sự cố ấy để nói đủ mọi thứ. Đầu tư nước ngoài 30 năm khi xảy ra sự cố như Formosa là không nên có nhưng không phải vì thế đánh giá đầu tư nước ngoài là bỏ đi hết, đánh giá như vậy là không công bằng”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ