Viglacera tự tin cạnh tranh với các ‘ông lớn’ khu công nghiệp

Nhàđầutư
Ban lãnh đạo Viglacera khẳng định đã tạo dựng được thương hiệu tốt, đội ngũ cán bộ có trình độ cao và cách làm hiệu quả, do vậy hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh với các nhà đầu tư hạ tầng KCN trong nước, thậm chí với các nhà đầu tư KCN nước ngoài.
KHÁNH AN
19, Tháng 06, 2020 | 15:14

Nhàđầutư
Ban lãnh đạo Viglacera khẳng định đã tạo dựng được thương hiệu tốt, đội ngũ cán bộ có trình độ cao và cách làm hiệu quả, do vậy hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh với các nhà đầu tư hạ tầng KCN trong nước, thậm chí với các nhà đầu tư KCN nước ngoài.

IMG_8796

ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Viglacera sáng 19/6. Ảnh: XT

Sáng 19/6, Tổng công ty Viglacera (mã VGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020 với sự tham gia của 132 cổ đông sở hữu 405 triệu cổ phiếu, tương ứng với 90,34% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại Đại hội, lãnh đạo VGC đã thông tin về kết quả kinh doanh năm 2019 với doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty là 10.145 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 970 tỷ đồng, hoàn thành 102% chỉ tiêu đề ra.

Năm 2020, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.300 tỷ đồng và lãi trước thuế hợp nhất 750 tỷ đồng. Viglacera cho biết các chỉ tiêu suy giảm bởi được xem xét đến các yếu tố bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2020, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư theo chiều sâu về giải pháp công nghệ, thiết bị, nâng cao mức độ tự động hóa, tiết giảm chi phí; đồng thời phát triển các dự án phát triển sản phẩm mới (kính siêu trắng, pin năng lượng mặt trời); đầu tư mới các sản phẩm giá trị cao (sứ vệ sinh cao cấp, gạch ốp lát kích thước lớn, bồn tắm và phụ kiện sứ vệ sinh, sản phẩm panel và gạch bê tông khí...) trên cơ sở hình thức đầu tư mới hoặc mua lại và đầu tư nâng cấp nhà máy có tiềm năng, lợi thế về thiết bị, công nghệ, thị trường từ các đối thủ cạnh tranh.

Với lĩnh vực bất động sản, Viglacera sẽ tập trung phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) cho thuê nhằm đi trước đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sẵn sàng quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư. Cụ thể, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các dự án KCN đang triển khai như Hải Yên và Đông Mai - Quảng Ninh, Phú Hà – Phú Thọ, Yên Phong II-C và Yên Phong mở rộng - Bắc Ninh, Đồng Văn 4 - Hà Nam, Tiền Hải - Thái Bình, Phong Điền- Huế; KCN Yên Mỹ - Hưng Yên.

Ngoài ra sẽ tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các KCN mới như: Thuận Thành - Bắc Ninh (250ha), Huế (1.000 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha), Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (270 ha), Đông Mai mở rộng - Quảng Ninh (140 ha), Phú Thọ (500 ha). Cùng với đó, Viglacera cũng xúc tiến các bước khảo sát và mở rộng quỹ đất mới, phát triển các KCN mới tại các tỉnh thành có tiềm năng; hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại Long Sơn - Vũng Tàu.

Năm 2020, Viglacera sẽ tiếp tục công tác tái cơ cấu toàn diện, trong đó, Bộ Xây dựng sẽ thoái hết vốn trong năm nay.

Thông tin tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đánh giá trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cũng như không còn vốn nhà nước chi phối, song Viglacera vẫn đạt được những kết quả tích cực dựa trên sự đồng thuận của các cổ đông, gồm cổ đông nhà nước, cổ đông lớn trong nước, quỹ đầu tư nước ngoài. 

“Bộ Xây dựng luôn mong muốn Tổng công ty sẽ phát triển và tiếp tục tái cơ cấu để trở thành doanh nghiệp tỷ USD. Viglacera nằm trong đối tượng thoái vốn có phương án cụ thể, do vậy Bộ sẽ báo lại Thủ tướng chi tiết chương trình. Vào tuần sau, chúng tôi sẽ tiến hành bàn giao vốn nhà nước sang CTCP, từ đó việc tái cơ cấu tổng công ty được toàn diện hơn. Hiện tại quá trình thoái vốn này đã đi đến giai đoạn cuối và sẽ hoàn tất trong năm 2020. Tôi khẳng định việc thoái vốn sẽ được định giá đúng, công khai minh bạch để tránh thất thoát vốn nhà nước”, ông Bùi Phạm Khánh phát biểu. 

IMG_8800

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 Viglacera. Ảnh: XT

Hợp tác với Gelex phát triển khu công nghiệp

Viglacera cho biết trong 5 tháng đầu năm, tổng công ty ước đạt 343 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 46% kế hoạch năm. Tuy nhiên, cổ đông cho rằng với con số thực hiện 5 tháng như vậy thì kế hoạch 750 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2020 là khá thấp và đề nghị tăng kế hoạch lên 850 tỷ đồng.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Viglacera cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty tương đối ổn, tuy vậy, nếu không xảy ra dịch bệnh thì con số này có thể còn cao hơn và đề xuất của cổ đông hoàn toàn khả thi. Trong quý I tổng công ty hoạt động tốt nhưng tháng 4 và tháng 5 lại bị ảnh hưởng nặng nề, các nhà máy cắt giảm 40-50% công suất, đến nay đã hoạt động trở lại nhưng nhìn chung chưa ổn định.

“Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, kế hoạch mà Viglacera đưa ra đã tính đến rủi ro dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, dẫu vậy, tổng công ty sẽ phấn đấu đạt cao hơn số này, mong các cổ đông chia sẻ điều này với ban quản trị”, ông Tuấn nói.

Trả lời cổ đông về lợi thế của Viglacera trong lĩnh vực KCN khi ngày càng có nhiều "tay chơi" lớn gia nhập, ông Tuấn cho biết trong suốt 20 năm vừa qua Viglacera đã cạnh tranh được với nhiều tên tuổi trong mảng KCN, tạo dựng được thương hiệu tốt, đội ngũ trình độ cao và cách làm hiệu quả, do vậy hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh với các nhà đầu tư hạ tầng KCN trong nước, thậm chí với các nhà đầu tư KCN nước ngoài.

“Việc các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư KCN gây áp lực cạnh tranh là điều tất yếu và chúng tôi chấp nhận cuộc chơi này’, Tổng giám đốc Viglacera khẳng định.

Trước băn khoăn của cổ đông liên quan đến vấn đề lợi ích của Viglacera khi hợp tác với Tổng công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex), bà Đỗ Thị Phương Lan - Thành viên HĐQT cho biết hiện tại, Gelex có lợi thế khi đã thực hiện xong quá trình tái cấu trúc từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần. Việc hợp tác này thực ra rất đơn giản vì hai công ty đều là những nhà sản xuất hàng đầu và đều hướng đến mục tiêu năng động nhất với thị trường.

“Lĩnh vực khu công nghiệp đang khá “hot” và việc làm thế nào để bắt kịp được xu hướng kinh doanh này là điều chúng tôi quan tâm. Viglacera hiện đang hoạt động mạnh khu vực phía Bắc nhưng lại chưa làm KCN phía Nam, thêm vào đó, hiện nay Viglacera vẫn còn vốn nhà nước nên các quyết định đầu tư có thể sẽ không kịp thời như doanh nghiệp tư nhân. Bởi vậy, Gelex sẽ đi phát triển các KCN ở phía Nam, hỗ trợ về quỹ đất, còn Viglacera sẽ là nhà phát triển và bán, cho thuê sản phẩm. Riêng việc phân chia lợi ích của quá trình hợp tác này thì Gelex sẽ được hưởng lợi nhuận trên quỹ đất đầu tư, còn Viglacera sẽ được thu phí phát triển”, bà Phương Lan thông tin tại đại hội.

Trả lời cổ đông về việc đầu tư các dự án tại Cuba, ban lãnh đạo Viglacera cũng thẳng thắn bày tỏ sự lo lắng trong bối cảnh nước này đang bị cấm vận và khoảng cách đến Việt Nam rất xa.

“Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng Cuba chỉ cách thị trường gần Mỹ tầm 100km, 3 triệu dân trong tổng số dân của Cuba đang ở Miami (Mỹ) có nhiều tiền và tiềm năng tốt. Hiện Viglacera đã có một nhà máy sản xuất gạch ốp lát, gốm sứ tại nước này, song, Viglacera không đầu tư vốn vào đó, chỉ đưa công nghệ, cách vận hành từ Việt Nam sang, nhà máy đã có sẵn của Cuba.

Điều tích cực là nhà máy này đã đi vào hoạt động ổn định, trong 5 tháng đầu năm đã có lãi do thị trường tiêu thụ tốt, không có hàng tồn kho, sản xuất cơ bản ổn định dù gặp khó khăn về điều kiện sản xuất, tính chung, hết 5 tháng, thị trường này đã đem về 215 ngàn USD”, Tổng giám đốc Viglacera nói.

Ngoài ra, Viglacera cũng được nước bạn ưu đãi cho thuê 150ha đất tại đặc khu kinh tế duy nhất với mức giá chỉ 2 USD/m2 trả trong 10 năm, đồng thời được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây sẽ là tài sản rất có giá trị nếu Cuba được dỡ bỏ cấm vận. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ