Vì sao doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất trắng 4 lô hàng trị giá hơn 500.000 USD?

Nhàđầutư
Vụ việc lô hàng trị giá hơn 516.000 USD xuất khẩu vào Dubai của đã rời khỏi cảng nhưng chưa được thanh toán đủ tiền và mất toàn bộ chứng từ gốc mới đây gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi xuất khẩu hàng hoá đi thị trường Trung Đông nói chung và UAE nói riêng của doanh nghiệp Việt.
THIÊN KỲ - LIÊN THƯỢNG
25, Tháng 07, 2023 | 07:23

Nhàđầutư
Vụ việc lô hàng trị giá hơn 516.000 USD xuất khẩu vào Dubai của đã rời khỏi cảng nhưng chưa được thanh toán đủ tiền và mất toàn bộ chứng từ gốc mới đây gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi xuất khẩu hàng hoá đi thị trường Trung Đông nói chung và UAE nói riêng của doanh nghiệp Việt.

doanh-nghiep-viet-dang-gap-nhieu-rui-ro-trong-xuat-khau-23023052

Doanh nghiệp Việt xuất khẩu liên tục gặp rủi ro. Ảnh: VTC

Trong thông cáo gửi đến báo chí mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPA), vừa có 4 doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa vào thị trường UAE bị mất chứng từ gốc, chưa được thanh toán tiền dù hàng đã rời khỏi cảng.

Liên tục gặp vấn đề về thanh toán

Theo VPA, trong lô hàng này có 2 container hồ tiêu, 1 contaiter quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều với tổng giá trị 516.761 USD.

"Trong 5 container được các doanh nghiệp Việt Nam gửi, đã có 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng Jebel Ali Dubai - UAE mà chưa thanh toán. Một lô hàng hoa hồi, dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023, trị giá 126,3 ngàn USD cũng có nguy cơ bị mất do bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất", VPA thông tin. 

Cũng theo VPA, từ tháng 6/2023 một số doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng xuất khẩu nông sản như hồ tiêu, quế, điều… sang Dubai đã gặp khó khăn về thanh toán, có dấu hiệu bị người mua và ngân hàng cấu kết lừa đảo.

Việc liên tục gặp khó về thanh toán là do hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu ký với khách hàng theo hình thức nhờ thu hộ (D/P), tức là bộ chứng từ xuất khẩu sẽ được ngân hàng người bán giao tới ngân hàng người mua, sau đó người mua tới ngân hàng người mua thanh toán tiền.

Chính vì vậy mà cách đây ít ngày, một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu hạt điều là Công ty Tín Mai cũng kiến nghị lên Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nhờ giúp đỡ về tình trạng tương tự.

"Cụ thể, người mua đã ứng 15% tiền hàng, công ty đã giao hàng và ngày 24/6 đã đến cảng Jebel Ali (UAE). Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6, trong khi Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá còn lại; mặc dù ngân hàng phía Việt Nam đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ nhưng không được thực hiện", thông tin từ VINACAS. 

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. 

"Đáng lưu ý, hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất", Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo.

Trước đó, vào tháng 4/2023, một doanh nghiệp thuộc VINACAS đã bị Hải quan Cảng Mostaganem, Algeria bán đấu giá 5 container hạt điều công ty xuất khẩu mà không được thông báo. Tổng giá trị lô hàng khoảng 466.900 USD (gần 11 tỷ đồng). Nguyên nhân, khách hàng của công ty Việt Nam là Công ty Eurl ATS Food (Algeria) không thể làm thủ tục thông quan do công ty này đã bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022.

Trên thực tế, không chỉ có khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra dấu hiệu lừa đảo về thanh toán đơn hàng mà trong năm 2022, cũng có tới 75 container hạt điều nhân có giá trị rất lớn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ý cũng gặp tình trạng bị đối tác lừa đảo, bộ chứng từ gốc của lô hàng bị mất.

Rủi ro khi ký hợp đồng

Theo chia sẻ từ VPA, hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất.

Các giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua - nơi các doanh nghiệp này gửi bộ chứng từ nhờ thu. Điều này cho thấy có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Do đó, người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp phía Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất.

Riêng vụ việc gần nhất, hôm nay (24/7/2023), VPA đã yêu cầu cảng vụ Jebel Ali Port Authority tại UAE giữ lại lô hàng hoa hồi trị giá 126.300 USD và không cho lấy hàng ra khỏi cảng. Yêu cầu cảnh sát Dubai - Local Police Office In Jebel mở chuyên án điều tra để bắt giữ người mua, điều tra và trả lại 4 lô hàng đã bị lấy trước đó cho các doanh nghiệp và giúp thu hồi số tiền hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác VPA cũng tiếp tục đề nghị Đại sứ quán UAE tại Hà Nội, xem xét, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Dubai nói riêng có biện pháp xử lý sự việc, yêu cầu ngân hàng Ajman Bank PJSC chịu trách nhiệm liên đới cho hành vi lừa đảo có tổ chức, có tính toán của người mua là công ty BARFT nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa khi xuất khẩu sang Dubai, Bộ Công thương cho biết, ngày 21/7 đơn vị này đã có Công hàm số 1465/AP-TACP gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.

Thương vụ Việt Nam tại Dubai cũng có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan nhờ phối hợp điều tra xử lý. 

"Đầu tiên các doanh nghiệp phải tìm được đối tác đáng tin cậy trong việc xuất khẩu hàng. Lựa chọn hình thức thanh toán ít rủi ro. Bên cạnh đó nếu xảy ra nghi ngờ về lừa đảo trong thanh toán hàng hóa phải nhanh chóng trình báo cho hiệp hội, qua đó nhờ các bộ ban ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ nhằm tránh thiệt hại cho doanh nghiệp", VPA khuyến cáo.

Tuy nhiên, hiện nay khi các doanh nghiệp khi bị dính vào lừa đảo thanh toán muốn nhận lại hàng hóa hoặc tiền thì phải mất nhiều thời gian, tiền bạc cho các khâu hỗ trợ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ