Tranh cãi quanh thời hạn sở hữu chung cư

Nhàđầutư
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) diễn ra tại TP. Đà Nẵng, có nhiều tranh cãi giữa đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư, chính quyền về việc quy định thời hạn sử hữu chung cư.
NGUYỄN TRI
07, Tháng 10, 2022 | 15:12

Nhàđầutư
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) diễn ra tại TP. Đà Nẵng, có nhiều tranh cãi giữa đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư, chính quyền về việc quy định thời hạn sử hữu chung cư.

Nhà đầu tư "kêu" khó

Tại phiên lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các doanh nghiệp đa phần kiến nghị chọn phương án giữ nguyên, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Theo bà Đỗ Thị Thái Phúc, Giám đốc Chi nhánh Vinpearl Quảng Nam - Đà Nẵng, theo pháp luật hiện hành, người mua căn hộ chung cư trong dự án kinh doanh nhà ở sẽ có quyền sử dụng đất lâu dài, đồng thời, có quyền sở hữu nhà ở không xác định thời hạn. Đây là chính sách quan trọng để khuyến khích người dân mua và sử dụng chung cư. 

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã đề ra quan điểm khuyến khích phát triển nhà chung cư. 

sua-luat-nha-o (3)

Một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Tri

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có văn hóa Á Đông, quan niệm nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là một tài sản có giá trị lớn để thừa kế cho con cái. Nhu cầu của người dân luôn là nhà ở sở hữu lâu dài. 

"Do vậy, quy định nhà chung cư sở hữu có thời hạn mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư", bà Phúc cho hay. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng cũng cho rằng, không nên áp thời gian sử dụng chung cư. 

Theo ông Lộc, đơn vị đang là chủ đầu tư dự án gần 4.000 căn hộ chung cư phía đông nam Đà Nẵng. Nếu áp dụng thời hạn sở hữu nhà chung cư chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua.

"Ở Hà Nội, TP. HCM có thể bị ảnh hưởng ít, nhưng tại Đà Nẵng - nơi phương thức ở chung cư mới hình thành và chúng tôi đang hy vọng sẽ đưa việc ở chung cư trở thành thói quen, nếp sống lâu dài ở Đà Nẵng. Nếu áp dụng việc này, chủ đầu tư cũng như khách hàng sẽ có ảnh hưởng", ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng kiến nghị, nên có một giai đoạn chuyển tiếp, có thể có một vài dự án chung cư có thời hạn để người dân làm quen với vấn đề này.

Cần hình thành sở hữu chung cư có thời hạn

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đà Nẵng cho rằng, nên lựa chọn phương án áp thời hạn cho nhà ở chung cư, điều này giúp người dân mua chung cư với giá trị sát với thực tế. 

sua-luat-nha-o (2)

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng cho rằng, không nên áp thời gian sử dụng chung cư. Ảnh: Nguyễn Tri

Từ đây, khi điều chỉnh lại giá đất sẽ có thời hạn phù hợp, tương đồng với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đất. Điều này đảm bảo không có hồi tố với khách hàng mua nhà chung cư trước đây. Đây là đột phá trong sửa đổi luật nhà ở lần này. 

Ông Trần Đình Quý, Chủ hiệp Hiệp hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa cho hay, cần đưa niên hạn sử dụng công trình chung cư, bởi một chung cư có nhiều vấn đề chứ không chỉ là kết cấu. Đó là điện nước, chống thấm, môi trường sống xung quanh cần được cải tạo sau thời gian sử dụng. 

"Hiện, tại Khánh Hoà cũng có khu chung cư đã xuống cấp, ai cũng mong mỏi đập đi xây lại nhưng đợi mãi chưa thấy đâu", ông Quý chia sẻ. 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế thông tin, một đô thị văn minh thì khái niệm thời hạn sở hữu nhà chung cư cần được hình thành, và người dân phải chấp nhận với việc sở hữu chung cư có thời hạn.

"Như xe ô tô cũng phải đến lúc hết thời hạn, nhà chung cư là của một tập thể cộng đồng, tập thể xã hội, nếu sở hữu riêng cho một người, việc cải tạo chung cư thì hoàn toàn bế tắc", ông Hùng cho hay.

sua-luat-nha-o (1)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tri

Ông Hùng còn cho rằng, khi áp dụng chung cư sở hữu có thời hạn sẽ có ảnh hưởng đến nhà đầu tư, nhưng vì cục diện chung, phải chấp nhận và làm quen với việc này.

Kết luận tại phiên lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, đối với nhóm vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư, hầu hết các đại biểu quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau.

"Việc này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục lấy ý kiến và cũng hết sức thận trọng khi báo cáo lên Chính phủ để trình Quốc hội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để khi trình báo cáo đạt mức rõ nhất, đặc biệt, là các quy định khi hết niên hạn sẽ như thế nào", ông Sinh thông tin.

Đối với nhóm vấn đề phát triển nhà ở xã hội, cơ bản các ý kiến các đại biểu đều quan tâm đến việc dành đất để phát triển nhà ở xã hội, vấn đề lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong dự thảo, Bộ Xây dựng cũng để xuất 2 phương án. Theo đó, một là thực hiện đấu thầu, hai là chỉ định luôn (giao cho địa phương chỉ định).

"Theo pháp luật về đất đai, nhà ở xã hội không thể thuộc diện đấu giá, các trường hợp đấu giá chỉ có thể là nhà ở thương mại. Hiện, chúng tôi đang đề xuất hai phương án", ông Sinh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ này được Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì dự thảo đề xuất Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. 

Trong thời gian qua, Bộ đã tiến hành tổng kết, đánh giá đề xuất nhóm chính sách và được Quốc hội thông qua. Trong đó, Luật Nhà ở có 8 nhóm chính sách và Luật Kinh doanh bất động sản có 4 nhóm chính sách.

Cả 2 dự thảo Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các Bộ, ngành trong vòng 2 tháng. 

Theo chương trình kế hoạch của các dự án Luật này, dự kiến 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi sẽ được báo cáo tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ