TP.HCM thành trung tâm tài chính: Không nhất thiết 'giống' London hay New York

Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM không đủ điều kiện và cũng không nhất thiết phải trở thành các trung tâm tài chính đã tồn tại trên thế giới như Thụy Sĩ, London, Tokyo, New York, Seoul… mà hướng tới mô hình tương lai, với hướng đi riêng.
TRẦN VŨ NGHI - TRẦN MẠNH
21, Tháng 10, 2019 | 10:10

Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM không đủ điều kiện và cũng không nhất thiết phải trở thành các trung tâm tài chính đã tồn tại trên thế giới như Thụy Sĩ, London, Tokyo, New York, Seoul… mà hướng tới mô hình tương lai, với hướng đi riêng.

Đặc biệt, cần tận dụng tốt cơ hội từ làn sóng công nghệ tài chính mang lại.

Trung tâm tài chính của tương lai

Ông Andrew Vallis, thành viên sáng lập Công ty đầu tư Blue HK Investments (Anh), cho biết các trung tâm tài chính là một mảng kinh tế khổng lồ, nên nhiều thành phố và nhiều quốc gia theo đuổi chiến lược phát triển này.

Ví dụ tại London, ngành tài chính và các ngành liên quan tuyển dụng tới 720.000 lao động. So với các trung tâm tài chính đã hiện hữu trên thế giới như Thụy Sĩ, New York, Hong Kong, Thượng Hải, Seoul, Singapore... thì TP.HCM có nhiều điểm yếu hơn, nhưng không phải quá trễ để nắm bắt cơ hội.

Ngành tài chính đang thay đổi nhanh chóng bởi làn sóng số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain. TP.HCM cần định vị bản thân mình nhắm tới dịch vụ tài chính cho tương lai chứ không phải hiện tại và Singapore là hình mẫu mà TP.HCM nên học hỏi, chứ không phải các trung tâm tài chính của châu Âu.

Cách mà Singapore phát triển ngành tài chính (năm 1993 mới bắt đầu phôi thai) cũng có những sai lầm, nhưng họ đã xây dựng được trung tâm tài chính đẳng cấp thế giới. Do dân số chỉ có 6 triệu người, nên Singapore không thống trị được thị trường chứng khoán châu Á. Vì vậy, họ tập trung vào các ngành có thể đi đầu được như quản lý ngoại hối, quản lý tài khoản và các năm gần đây là fintech (công nghệ mới trong ngành tài chính).

Trong khi đó, lĩnh vực tài chính của Việt Nam vẫn chủ yếu là khối ngân hàng, cần phát triển mạnh hơn các công cụ tài chính khác, giúp tăng trưởng kinh tế nội địa của Việt Nam và thu hút vốn quốc tế.

Công nghệ đóng vai trò ngày một quan trọng hơn đối với lĩnh vực tài chính. Việt Nam có thể đi đầu ở một số mảng công nghệ, nhưng điều này liên quan đến giáo dục. So với Singapore, TP.HCM có lợi thế chi phí lao động thấp hơn 15 lần.

Ở giai đoạn này, TP.HCM không nhất thiết phải cạnh tranh với Singapore, mà phải dựa vào thế mạnh của mình. Ông Andrew Vallis cho rằng những mục tiêu ngắn hạn là phải tăng số lượng công ty cổ phần hóa lên sàn, tăng giá trị vốn hóa thị trường. Phát triển thị trường chứng khoán địa phương sẽ là điểm khởi đầu tốt cho phát triển ra quốc tế.

qdvpbank36-11read-only-15716212880341553481048

Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM cần phát triển mạnh các công cụ tài chính để trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam, tạo nền tảng để mở rộng phát triển. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.P

Cần chính sách cấp quốc gia

Theo TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính thế giới nên TP.HCM sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, trong khi những trung tâm tài chính cũ đã khẳng định được vị thế trong thời gian dài.

Do đó, TP.HCM cần bắt đầu từ trung tâm tài chính của quốc gia rồi mở rộng ra. Trung tâm tài chính TP.HCM không thể là sự lặp lại của các mô hình đã có, mà phải tìm ra một thị trường ngách có sự khác biệt để phát triển. TP.HCM chỉ có thể thực hiện được khát vọng trở thành trung tâm tài chính nếu có sự ủng hộ và hậu thuẫn tối đa của Chính phủ. Đó phải là chính sách quốc gia.

Thành phố phải đối mặt với các vấn đề cần giải quyết liên quan đến chính sách vĩ mô và khung khổ pháp lý, trong đó các luật liên quan như Luật ngân hàng nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, từ đó mới giúp thị trường tiền tệ và thị trường vốn hoạt động hiệu quả, theo đúng chuẩn mực của các thị trường tài chính quốc tế.

Thành phố cũng cần tính đến việc quy hoạch ngành tài chính theo hướng phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), cũng nhấn mạnh để TP.HCM thành trung tâm tài chính, điều quan trọng đầu tiên là Thành phố phải có được lộ trình để tất cả hệ thống quy định cũng như tổng hợp hệ thống tài chính, từ giám sát ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm... đều phải được thực hiện theo đúng chuẩn mực quy định quốc tế.

Lãnh đạo Thành phố cần đứng vai trò chủ tịch cho từng đề án phát triển "nhánh", thúc lộ trình chuyển đổi các định chế tài chính đang áp dụng tại Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung đi vào quỹ đạo chuẩn quốc tế.

* Ông Patrick Tay (Giám đốc tư vấn kinh tế và chính sách PwC tại Malaysia):

Tập trung vào những nhu cầu cụ thể

Dù còn khoảng cách khá xa so với các trung tâm tài chính đã định hình, nhưng TP.HCM không nên quá bi quan để đặt mục tiêu phát triển quá thấp. Tuy nhiên, cũng đừng cố gắng làm những việc bất hợp lý bởi thị trường tài chính rất phức tạp và đa dạng. Tại sao các bạn cần làm những việc như tạo ra thị trường vốn làm phim ở Việt Nam?

Thay vào đó hãy tập trung vào các nhu cầu cụ thể trong nước như vốn cho nông nghiệp, cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất phát triển và có nhu cầu thực sự. Tập trung vào mảng quan trọng nhất với người dân và doanh nghiệp địa phương trước để xây dựng các dịch vụ hỗ trợ, rồi dần phát triển lên thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

* Ông Phạm Xuân Hòe (Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng):

3 vấn đề lớn cần giải quyết

Với điều kiện Việt Nam và TP.HCM hiện nay, có thể lựa chọn trước hết xây dựng trung tâm tài chính với ý nghĩa là một trung tâm tài chính quốc gia, từ đó vươn lên làm nhiệm vụ trung chuyển luồng tiền trong khu vực với các dịch vụ tài chính đa dạng.

Nhưng có 3 vấn đề lớn cần giải quyết để đạt được mục tiêu này.

Thứ nhất, một thể chế thông thoáng, mở cửa và áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin và tài chính hiện đại. Yêu cầu kết nối hệ thống tài chính ngân hàng khi trở thành trung tâm tài chính sẽ đòi hỏi Thành phố phải phát triển cơ sở hạ tầng tài chính theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Thứ ba, nếu thiếu nhân tố con người thì trung tâm tài chính không thể hình thành và phát triển.

Để trở thành một trung tâm tài chính có tầm quốc tế, Thành phố cần đào tạo và thu hút được những nhân lực có kỹ năng và trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ... Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc trong chính sách nhập cư, chính sách giáo dục và các chính sách khác trên thị trường lao động.

(Theo Tuổi Trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ