TP.HCM dự báo cần khoảng 140.000 chỗ việc làm mới trong năm 2021

Nhàđầutư
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực thành phố năm 2021 cần khoảng từ 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới, nhân lực qua đào tạo chiếm 85,8% (sơ cấp 25,21%, trung cấp 21,3%, cao đẳng 18%, đại học trở lên 21,29%).
NGUYÊN VŨ
25, Tháng 01, 2021 | 15:09

Nhàđầutư
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực thành phố năm 2021 cần khoảng từ 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 140.000 chỗ làm việc mới, nhân lực qua đào tạo chiếm 85,8% (sơ cấp 25,21%, trung cấp 21,3%, cao đẳng 18%, đại học trở lên 21,29%).

Xu hướng dịch chuyển sang lao động có trình độ đào tạo

Báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho thấy, nhu cầu nhân lực thành phố năm 2021 cần khoảng từ 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 140.000 chỗ việc làm mới.

Theo đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở ngành kinh doanh - thương mại chiếm 20,16% tổng nhu cầu, điện tử - công nghệ thông tin chiếm 10,96%; dịch vụ - phục vụ chiếm 7,25%; cơ khí - tự động hóa chiếm 5,6%; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng chiếm 5,41%; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế chiếm 5,37%; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng chiếm 4,13%; dệt may - giày da chiếm 3,61%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 3,24%; tài chính - tín dụng - ngân hàng chiếm 3,75%; kế toán - kiểm toán chiếm 3,15%; du lịch - nhà hàng - khách sạn chiếm 2,86%.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,8%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 25,21%, trung cấp chiếm 21,3%, cao đẳng chiếm 18%, đại học trở lên chiếm 21,29%. So với năm 2020, nhu cầu nhân lực qua đào tạo năm 2021 có tăng nhưng không đáng kể, giảm trình độ sơ cấp và tăng dần trình độ đại học. (Năm 2020, nhu cầu tuyển dụng ở lao động qua đào tạo chiếm 85,6%. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,9%, cao đẳng chiếm 17,62%, trung cấp chiếm 21,56%, sơ cấp chiếm 25,52%).

thi-truong-lao-dong-tphcm

Công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 lắp ráp máy may bằng thiết bị, công nghệ hiện đại. Ảnh: Nhân dân

Theo FALMI, trong quý I/2021, thành phố cần khoảng từ 70.000 - 75.000 chỗ làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp đã và đang hoạt động ổn định sau thời điểm dịch bệnh bùng phát và có nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực ở các ngành kinh doanh, thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may, giày da; chế biến thực phẩm; hóa chất, nhựa, cao su; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Đến quý II và III, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, nhu cầu nhân lực chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề, tập trung ở các ngành: Công nghệ thông tin - điện tử; cơ khí; hóa chất - nhựa - cao su; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế; kế toán - kiểm toán; tài chính - tín dụng - ngân hàng; kinh doanh tài sản - bất động sản; du lịch - nhà hàng - khách sạn. Theo đó, nhu cầu nhân lực quý II cần khoảng 68.600 - 73.500 chỗ làm việc, quý III cần khoảng 69.450 - 74.400 chỗ làm việc.

Riêng quý IV, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực với tổng cầu khoảng từ 71.950 - 77.100 chỗ làm việc, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ Tết Nguyên đán và hoàn thành kế hoạch năm.

Mặt khác, báo cáo của FALMI cũng cho thấy, năm 2021, thị trường lao động thành phố phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến lao động làm việc là 4.839.408 người. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,74%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,45%, dịch vụ chiếm 65,81%.

Dự báo lao động làm việc trong các doanh nghiệp năm 2021 là 3.120.217 người, trong đó, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,09%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 72,89%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23,02%.

Nhu cầu thị trường lao động tăng nhẹ so với năm 2020

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế. Một số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh và tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất, người lao động đang làm việc cũng có nguy cơ mất thu nhập, thiếu việc làm, tạm hoãn hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, các tác động này không chỉ diễn ra đối với người lao động làm việc trong khu vực chính thức, mà ảnh hưởng đến các hoạt động tạo ra thu nhập đối với người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, nhu cầu nhân lực năm 2020 giảm so với năm 2019, nhu cầu nhân lực giảm mạnh ở một số ngành như: du lịch, dệt may, giày da, giáo dục đào tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động thể thao, nghệ thuật, vui chơi và giải trí...

Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế. Thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2020 có những chuyển biến tích cực, đặc biệt nhu cầu nhân lực các ngành dệt may, giày da; chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động thể thao, nghệ thuật, vui chơi và giải trí đã dần khởi sắc, nhiều doanh nghiệp tiến hành tuyển dụng lao động phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm Tết và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021.

Theo kết quả khảo sát của FALMI, trong năm 2020, nhu cầu tuyển dụng ở lao động qua đào tạo chiếm 85,6% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,9%, cao đẳng chiếm 17,62%, trung cấp chiếm 21,56%, sơ cấp chiếm 25,52%. Tập trung ở một số nhóm nghề như: Quản lý điều hành, công nghệ thông tin, tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm, marketing, kế toán - kiểm toán, cơ khí - tự động hoá, kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử, y dược, an toàn lao động - quản lý kiểm định chất lượng, hành chính - văn phòng - biên phiên dịch, kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, nhân sự, công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm…

Nhu cầu nhân lực ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng 14,4% tập trung ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như: Dệt may - giày da; nhựa - bao bì, chế biến thực phẩm và các nghề kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ, in ấn, kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản…

Dịch bệnh không chỉ tác động đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến người lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, có 52,66% doanh nghiệp có lao động không thay đổi so với năm 2019, 13,19% doanh nghiệp có lao động tăng và 34,15% doanh nghiệp có lao động giảm. Trong đó, doanh nghiệp áp dụng các hình thức cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 31,77%, lao động bị giãn lương chiếm 31,43%, lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 7,94% và 28,86% lao động thôi việc, mất việc.

Năm 2021 - năm chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, TP.HCM tiếp tục đặt ra mục tiêu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới.

Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, trọng yếu và có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế thành phố, như: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, nhựa, cao su... 

Ngoài ra, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hình thành trung tâm sản xuất và cung ứng giống cây, giống con chất lượng cao cho khu vực và cả nước.

Trong trạng thái bình thường mới cùng với những điều kiện khách quan về hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là điều kiện phát triển thị trường lao động TP.HCM trong năm 2021 tiếp tục có xu hướng phát triển, thu hút nhân lực.

Năm 2020, tổng số lao động đang làm việc là 4.724.798 người, lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 3.035.201 người. Sang năm 2021, dự kiến lao động làm việc là 4.839.408 người, lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 3.120.217 người.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ