TP.HCM cần 136.000 - 150.000 chỗ làm việc mới từ giờ đến cuối năm

Nhàđầutư
6 tháng đầu năm khu vực thương mại, dịch vụ có hơn 114.000 chỗ làm việc, chiếm 77,18% tổng nhu cầu nhân lực. Phần còn lại của năm nay, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM (FALMI) cho biết, khu vực này sẽ chiếm 65,41% tổng nhu cầu.
VŨ PHẠM
24, Tháng 07, 2022 | 08:40

Nhàđầutư
6 tháng đầu năm khu vực thương mại, dịch vụ có hơn 114.000 chỗ làm việc, chiếm 77,18% tổng nhu cầu nhân lực. Phần còn lại của năm nay, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM (FALMI) cho biết, khu vực này sẽ chiếm 65,41% tổng nhu cầu.

Tăng trưởng khả quan

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, 6 tháng đầu năm, trong tình hình kinh tế chung của TP.HCM, hoạt động thương mại dịch vụ đến tháng 6 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng rất khả quan so với thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng 5 và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 32,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 3,5% so với tháng trước và bằng 3,3 lần so với cùng kỳ; doanh thu lữ hành tháng 6 ước tăng 30,6% so tháng trước, trong khi tháng cùng kỳ ngưng hoạt động.

Quý II, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cao nhất là hoạt động lữ hành với mức 161,5% (bằng 2,6 lần cùng kỳ), doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 72,4%; doanh thu bán lẻ tăng 18,7%; dịch vụ khác tăng 6,5%.

dich-vu-an-uong

6 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống ở TP.HCM tăng 16,6% phản ánh sự nhộn nhịp trở lại. Ảnh minh họa/PÓC

So với quý I/2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 10,5%, mỗi tháng đều tăng với mức bình quân 2,5% so tháng trước và tăng ở tất cả các hoạt động. Ở quý I, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ vẫn còn giảm so với cùng kỳ với mức giảm chung là 4,2%, trừ doanh thu thương mại có mức tăng khiêm tốn 5,3%; dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch và dịch vụ khác đều còn giảm, tương ứng -18,2%; -13,8% và -16%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 335.595 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 40.152 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú tăng 33,6% với số lượt khách phục vụ tăng 57,9%, số ngày khách tăng 167,9%; doanh thu ăn uống tăng 16,6% phản ánh sự nhộn nhịp trở lại của khách du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí ở TP.HCM.

Doanh thu lữ hành đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ. Hoạt động của các đơn vị lữ hành đang vào mùa cao điểm trong năm, cùng lúc nhu cầu tăng trở lại sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh COVID-19…

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, khu vực thương mại, dịch vụ, TP.HCM cấp phép 17.082 doanh nghiệp, tăng 13,4% so với cùng kỳ với vốn đăng ký đạt 201.727 tỷ đồng, giảm 14,3%. Trong đó, thương nghiệp 8.196 đơn vị với vốn đăng ký đạt 70.265 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,9% về vốn; tài chính ngân hàng có 278 đơn vị với vốn đăng ký đạt 16.489 tỷ đồng, tăng 45,6%; kinh doanh bất động sản có 1.453 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 73.266 tỷ đồng, tăng 8,8%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 2.027 doanh nghiệp với vốn đăng ký 11.787 tỷ đồng, giảm 53,7%.

Nhu cầu nhân lực vẫn đổ dồn về khu vực thương mại, dịch vụ

Báo cáo của FALMI cho thấy, phần còn lại của năm nay, TP.HCM cần từ 136.000 - 150.000 chỗ làm việc. Đặc biệt, nhu cầu nhân lực phần lớn tập trung ở khu vực thương mại, dịch vụ, chiếm 65,41%; công nghiệp, xây dựng chiếm 33,63%. Riêng khu vực nông, lâm, thủy sản nhu cầu nguồn nhân lực rất ít khi chiếm 0,96%.

Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,12%. Còn nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 52,89%.

Ngoài ra, nhu cầu nhân lực TP.HCM ở lao động trình độ đại học, cao đẳng trở lên. FALMI nhận định, với sự thay đổi của nền kinh tế số, hầu hết các công việc đều đòi hỏi sự am hiểu về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ năng. Do đó, người lao động cần chủ động trang bị kiến thức, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Trước đó, FALMI đã thực hiện khảo sát hơn 46.000 lượt doanh nghiệp với gần 148.000 chỗ làm việc trong 6 tháng đầu năm nay. Kết quả cho thấy, nhu cầu nhân lực TP.HCM tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại, dịch vụ với hơn 114.000 chỗ việc làm, chiếm tới 77,18% tổng nhu cầu nhân lực. Kế đến là khu vực công nghiệp, xây dựng với hơn 33.000 chỗ làm việc (chiếm hơn 22,76%). Riêng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ có 89 chỗ làm việc (chiếm 0,06%).

Bên cạnh đó, nửa đầu năm, nhu cầu tuyển dụng tại TP.HCM tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; sản xuất hàng điện tử; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược, nhựa, cao su) và 9 ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh tài sản, bất động sản; thông tin tư vấn khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo; y tế).

Về nhu cầu việc làm, người lao động tập trung ở các nhóm ngành nghề kinh doanh thương mại, hành chính, văn phòng, kế toán, nhân sự, marketing... và chỉ có 136 người có nhu cầu tìm việc ở khu vực nông, lâm, thủy sản.

FALMI nhìn nhận, TP.HCM cần đặt mục tiêu duy trì lực lượng lao động, đặc biệt trong các khu công nghiệp, tiếp tục thu hút lao động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thành phố cũng cần thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống người lao động.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ