Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
08:43 20/07/2021

Sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng.

Nhadautu.vn trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV vào sáng 20/7.

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quý,

Thưa đồng bào, chiến sĩ cả nước,

Trong không khí cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra, tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khoá XV tiến hành kỳ họp đầu tiên, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp của hoạt động Quốc hội.

Trước hết, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng các đồng chí đại biểu, khách quý cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Đặc biệt, tôi xin một lần nữa chúc mừng các vị đại biểu mới được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XV của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thưa các đồng chí và các quý vị,

Như chúng ta đều biết, cách đây hơn 75 năm, chỉ mấy tháng sau khi giành được độc lập, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, nhân dân ta đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, nam nữ, chính kiến, đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc.

nguyen-phu-trong1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan Nhà nước có đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chính sách đại đoàn kết dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền; thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí mãnh liệt và niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua hơn 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội khoá I, ngay sau khi ra đời, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 3/1946) đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến hợp hiến, hợp pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để điều hành đất nước; và tại Kỳ họp thứ hai, ngày 9/11/1946, đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tiếp đó, cho đến năm 1960, Quốc hội đã cùng nhân dân cả nước thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước cải cách dân chủ, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa tiếp tục đấu tranh giành độc lập ở miền Nam và thực hiện thống nhất nước nhà.

Quốc hội các khoá II, III, IV, V (từ năm 1960 đến năm 1976), hoạt động trong thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền BắcĐấu tranh giải phóng miền Nam, đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.

Từ khoá VI trở đi, Quốc hội nước ta là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Sau kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976, Quốc hội đã tích cực xây dựng hệ thống pháp luật, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước. Quốc hội các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả và kinh nghiệm của Quốc hội các khoá trước, ngày càng chủ động, sáng tạo, đổi mới, có bước tiến quan trọng, cả về tổ chức và hoạt động, thúc đẩy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhìn một cách tổng thể, chúng ta nhận thấy, mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Về hoạt động lập hiến, từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã xây dựng và ban hành 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Đây là những đạo luật cơ bản của Nhà nước, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, quy định những vấn đề quan trọng nhất về quyền lực nhà nước; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hoạt động lập pháp ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới; nội dung tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; quy trình, thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm; khắc phục những thiếu sót, hạn chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng thực chất hơn. Các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính - tiền tệ, dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước; quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phê chuẩn điều ước quốc tế,... phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế.

Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cũng không ngừng được đổi mới. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc từng bước được tăng cường. Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, tranh luận, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, thiết thực và trách nhiệm. Những chuyển biến, tiến bộ này xuất phát từ đòi hỏi của thực tế khách quan, đồng thời thể hiện Quốc hội luôn có ý thức tự đổi mới để ngày càng hoàn thiện mình.

Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Quốc hội các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác; sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới.

Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí,

Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần của Cương lĩnh chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo chính trị cùng các văn kiện quan trọng khác mà Đại hội XIII của Đảng vừa quyết định đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới 35 năm qua mang lại, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những tác động không thuận từ bên ngoài và những hạn chế, yếu kém từ trong nước, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Muốn thế, cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc vai trò, vị trí và trách nhiệm của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Cụ thể là, Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước.

Trước mắt, cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới. Muốn thế, một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định tôi muốn nhấn mạnh thêm là, tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, dày dạn kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, trong bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quốc hội nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xin chúc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV thành công tốt đẹp!

Chúc các vị đại biểu, các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi!

Xin trân trọng cảm ơn!

  • Cùng chuyên mục
Thủ tướng: Sân bay Long Thành phải khai thác trước ngày 28/2/2026

Thủ tướng: Sân bay Long Thành phải khai thác trước ngày 28/2/2026

Đối với dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa vào khai thác trước 28/2/2026, không thể chậm trễ hơn.

Sự kiện - 03/12/2024 17:17

Tổng Bí thư: Tôi sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng kỳ vọng của cử tri Hà Nội

Tổng Bí thư: Tôi sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng kỳ vọng của cử tri Hà Nội

Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Sự kiện - 03/12/2024 17:14

 4 bộ vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024

4 bộ vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024

Tính đến hết tháng 11/20240, 4/10 Bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 là Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Y tế.

Sự kiện - 03/12/2024 13:56

VAFIE phối hợp Cục Thuế Hà Nam tổ chức hội thảo về thuế, hải quan

VAFIE phối hợp Cục Thuế Hà Nam tổ chức hội thảo về thuế, hải quan

Ngày 5/12, VAFIE sẽ phối hợp với Cục Thuế tỉnh Hà Nam tổ chức hội thảo thuế với chủ đề "Lưu ý quyết toán thuế năm 2024 và hướng dẫn rà soát hồ sơ, sổ sách phục vụ thanh kiểm tra thuế và hải quan".

Sự kiện - 03/12/2024 13:06

Bộ trưởng Nội vụ: Vui vẻ chấp hành sự phân công khi thực hiện tinh giản bộ máy

Bộ trưởng Nội vụ: Vui vẻ chấp hành sự phân công khi thực hiện tinh giản bộ máy

Trong thực hiện tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý cán bộ, đảng viên của Bộ cần vui vẻ chấp hành sự phân công của tổ chức vì mục tiêu phát triển đất nước.

Sự kiện - 03/12/2024 10:05

Trung tâm Tài chính TP.HCM cơ bản hình thành đầu năm 2025

Trung tâm Tài chính TP.HCM cơ bản hình thành đầu năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ KH&ĐT, TP.HCM khẩn trương hoàn thành các thủ tục triển khai Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM trong tháng 12/2024, cơ bản hình thành Trung tâm trong quý I/2025. Đồng thời, Thủ tướng cũng "chốt" tiến độ nhiều dự án trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ.

Sự kiện - 02/12/2024 21:35

Lan tỏa tác phẩm thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế hiểu, yêu Việt Nam hơn

Lan tỏa tác phẩm thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế hiểu, yêu Việt Nam hơn

Giải thưởng Thông tin đối ngoại không chỉ là một giải thưởng báo chí thông thường mà còn là diễn đàn để những người yêu Việt Nam, ủng hộ Việt Nam sáng tạo và lan tỏa hình ảnh Việt Nam.

Sự kiện - 02/12/2024 18:42

Hà Nội khai mạc hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024

Hà Nội khai mạc hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024

Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 với chủ đề "Đô thị thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững" sẽ diễn ra từ 2-3/12/2024 tại Hà Nội.

Sự kiện - 02/12/2024 18:22

Sông Tô Lịch sắp được hồi sinh nhờ nguồn nước sông Hồng

Sông Tô Lịch sắp được hồi sinh nhờ nguồn nước sông Hồng

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công phải hoàn thành dự án làm sạch sông Tô Lịch.

Sự kiện - 02/12/2024 18:20

Quảng Nam giảm 1 huyện và 8 xã từ đầu năm 2025

Quảng Nam giảm 1 huyện và 8 xã từ đầu năm 2025

Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Quảng Nam có 17 đơn vị cấp huyện, 233 đơn vị cấp xã. Như vậy, địa phương này giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 8 đơn vị hành chính cấp xã.

Sự kiện - 02/12/2024 16:16

Thủ tướng nêu 7 giải pháp đột phá của ngành logistics

Thủ tướng nêu 7 giải pháp đột phá của ngành logistics

3 mục tiêu phát triển ngành logistics Việt Nam thời gian tới bao gồm giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025, nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%. Đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%. Cùng với đó, nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.

Sự kiện - 02/12/2024 13:20

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1/12/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sự kiện - 02/12/2024 10:44

Sớm làm chủ công nghệ điện gió ngoài khơi, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới

Sớm làm chủ công nghệ điện gió ngoài khơi, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới

Tối 1/12, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chuỗi các sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi có quy mô nhiều tỷ USD

Sự kiện - 02/12/2024 06:54

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém

Tổng Bí thư: Không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan nhà nước là 'vùng trú an toàn' cho cán bộ yếu kém.

Sự kiện - 01/12/2024 12:45

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Sự kiện - 01/12/2024 10:42

Sử dụng 100% vốn ngân sách TP. Hà Nội để xây cầu Trần Hưng Đạo

Sử dụng 100% vốn ngân sách TP. Hà Nội để xây cầu Trần Hưng Đạo

Định hướng ban đầu sẽ đầu tư cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng đến nay được xác định lại sẽ sử dụng vốn đầu tư công và sử dụng 100% vốn ngân sách TP. Hà Nội.

Sự kiện - 01/12/2024 07:04