Thượng đỉnh G20 từ 28 – 29/6 tại Osaka, Nhật Bản: Thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu

Mục tiêu trung tâm của G20 năm 2019 này là “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”.
TS. ĐINH HOÀNG THẮNG
22, Tháng 06, 2019 | 12:20

Mục tiêu trung tâm của G20 năm 2019 này là “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”.

logo

 

Trong vai trò Chủ tịch diễn đàn này, Nhật Bản đã đưa ra một số đề xuất để cấp cao lần này có thể đóng một vai trò chủ động trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu. Ngoài ra, cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Mỹ bên lề G20 có thể mang lại không ít bất ngờ.

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế hàng đầu gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất (tính theo GDP, PPP) và Liên minh châu Âu (EU).

Thành lập năm 1999 và hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới, G20 gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý, Canada cùng một số thành viên khác như Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia: Hàn Quốc, Argentina, Úc, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, México, Nga, Ả Rập Xê Út, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ nguyên tắc mới cho G20

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde có lúc đã đánh giá “triển vọng toàn cầu hiện nay là mong manh đi đôi với sự phục hồi bấp bênh”. Bà Lagarde đặc biệt quan tâm đến tình trạng căng thẳng thương mại. Mới đây, IMF ước tính rằng thuế quan trả đũa do Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa của nhau có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu tới 0,5% (tương đương khoảng 455 tỷ USD, lớn hơn cả nền kinh tế Nam Phi).

Tuy nhiên, tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 ở tp Fukuoka (Nhật Bản) hồi đầu tháng 6/2019, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bác bỏ nhận định nói trên, với lập luận rằng, không có bằng chứng nào cho thấy tranh chấp với Trung Quốc đang làm chậm nền kinh tế Mỹ.

Trong vai trò Chủ tịch luân phiên G20 năm nay, Nhật Bản đã đưa ra một số đề xuất để G20 có thể đóng một vai trò chủ động trong việc thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu. Trước hết là cơ sở hạ tầng toàn cầu, nơi Nhật Bản có thể đưa ra một bộ nguyên tắc G20 hươnggs tới đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, bao gồm các vấn đề quan trọng như bền vững nợ, bảo vệ xã hội, môi trường và tăng cường quản trị.

Điều đáng khích lệ là các bộ trưởng tài chính G20 - bao gồm cả Trung Quốc - đã tán thành các nguyên tắc tại phiên họp hồi đầu tháng 6. Một đề xuất khác của Nhật Bản là quản trị dữ liệu. Trong một bài phát biểu tại Davos hồi đầu năm 2019, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra khái niệm “luồng dữ liệu tự do” với sự kỳ vọng và mong muốn hội nghị thượng đỉnh Osaka G20 được nhớ đến khi bắt đầu các cuộc đối thoại toàn cầu về chủ đề này.

Do sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận giữa và thậm chí bên trong Mỹ, châu Âu và Trung Quốc về quyền bảo mật dữ liệu, nội địa hóa và các vấn đề liên quan, khó có thể đạt được đồng thuận tại Osaka. Nhưng Nhật Bản đã xác định được một vấn đề quan trọng và G20 có thể đóng góp giá trị bằng cách đưa vào chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu.

Các ưu tiên tiếp theo của Nhật Bản cho hội nghị thượng đỉnh G20 bao gồm hợp tác quốc tế về toàn cầu, vấn đề già hóa dân số, tiền điện tử và tránh thuế. Rất ít các giải pháp cuối cùng cho những vấn đề này có thể sẽ thành tựu tại thượng đỉnh, nhưng một lần nữa lại có giá trị thiết lập chương trình nghị sự cho các nhà lãnh đạo trong các cuộc đối thoại sau này.

Thượng đỉnh Mỹ - Trung

Mỹ - Trung bất ngờ “đổi gió” khi hai nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc và Hoa kỳ đã điện đàm hôm 19/6/2019, hẹn gặp nhau tại G20, tái khởi động đàm phán. Theo tin Reuters, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.

ggg

Ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình. Ảnh Reuters

“Đã có một cuộc điện đàm rất tốt với chủ tịch Tập của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ có cuộc gặp mở rộng vào tuần tới ở hội nghị G20 tại Nhật Bản. Các đội ngũ liên quan của chúng tôi sẽ bắt đầu đối thoại trước cuộc gặp,” ông Trump thông báo trên Twitter, hé lộ vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ được tái khởi động trước thời hạn.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tối 18/6 cũng thông báo xác nhận chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm với tổng thống Trump theo lịch hẹn, không lâu sau thông báo ông Tập nhận lời gặp  thượng đỉnh với ông Trump tại G20 ở Osaka. Theo Tân Hoa Xã, tổng thống Trump kỳ vọng tổ chức gặp mặt chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 để đi sâu trao đổi các vấn đề song phương và những mối quan tâm chung.

Ông Trump cho biết Mỹ coi trọng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc và mong muốn các quan chức đàm phán của hai bên triển khai trao đổi, nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết bất đồng.

Đáp lại, ông Tập nói rằng những khó khăn trong quan hệ song phương vừa qua không phù hợp với lợi ích hai nước. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hai nước phát triển quan hệ trên nền tảng nhận thức chung đã đạt được, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.

Theo ông Tập, “Mỹ - Trung có vai trò là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần phải phát huy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy hội nghị G20 tại Osaka đạt thành quả tích cực, tiếp thêm lòng tin và sức sống cho thị trường toàn cầu,” ông Tập Cận Bình nói trong điện đàm.

“Tôi sẵn sàng tổ chức gặp mặt với Ngài tổng thống trong thời gian hội nghị G20 tại Osaka và trao đổi ý kiến về những vấn đề mang tính căn bản trong phát triển quan hệ Mỹ - Trung,” ông Tập nhấn mạnh mong muốn Mỹ đối xử công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc, được cho là ông Tập đề cập trường hợp hãng viễn thông Huawei bị Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế.

Câu hỏi lớn hiện nay là liệu hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đảo ngược sự xuống cấp mạnh mẽ trong quan hệ song phương kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại bị phá vỡ vào đầu tháng 5/2019.

Mặc dù kỳ vọng được giữ ở mức thấp đối với loại sự kiện liên quan đến các cuộc tiếp xúc song phương, nhưng sự thành công của mỗi sự kiện sẽ được đo lường bằng hai yếu tố. Thứ nhất, có giải quyết được các vấn đề hiện tại hay không và thứ hai, có thiết lập được một chương trình nghị sự đáng tin cậy cho tương lai hay không.

Tổng thống Trump đã tăng mức thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, đưa ra các thủ tục áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại của Trung Quốc. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ và lập danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy. Nước này cũng ngụ ý rằng có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm, các khoáng sản quan trọng của sản xuất toàn cầu mà Trung Quốc hiện đang thống trị./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ