Thuế tối thiểu toàn cầu: 'Bài toán mới' cho kinh tế Việt Nam

Nhàđầutư
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
THANH TRẦN
12, Tháng 06, 2022 | 07:34

Nhàđầutư
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Global-Minimum-Tax-for-Businesses-Why-It-Is-Prevented-770x513

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.  Ảnh: Getty Images.

Cuộc đấu tranh chống trốn thuế, rửa tiền thông qua "thiên đường thuế" đã được Chính phủ các quốc gia coi là vấn đề toàn cầu, gần đây đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi bằng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Về nguyên tắc, các nước G7 đã đồng ý áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% nhằm ngăn chặn cạnh tranh về thuế giữa các nước.

Ngày 1/7/2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí với quy định áp mức thuế tối thiếu trên phạm vi toàn cầu; các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng đã thông qua thỏa thuận này vào trung tuần tháng 7/2021.

Tuy nhiên, một vài điều khoản của thỏa thuận vẫn cần hoàn thiện trước khi cuộc họp Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 10/2021 cũng như tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các nước tham gia  Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của OECD/G20 (Inclusive Framework). Tháng 10/2021, mức thuế 15% đã được 139 quốc gia đồng ý.

Theo thỏa thuận này, kể từ năm 2023, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên (Trụ cột 2). Thỏa thuận trên đã có một số điều chỉnh so với văn bản gốc, trong đó, tỷ lệ đánh thuế 15% sẽ không tăng ngay lập tức và các doanh nghiệp nhỏ cũng không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ này.

Trụ cột 2 được hy vọng sẽ tạo ra đột phá và mang lại sự công bằng vì phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất cho các nước, góp phần tránh tình trạng nhiều nước đua nhau giảm thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hạn chế tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Xét về mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, Trụ cột 2 là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty đa quốc gia đã trốn thuế hay lập kế hoạch giảm thiểu thuế thông qua chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không có hiện diện vật lý. 

Theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần thiết phải tôn trọng và đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách này, đồng thời qua đó học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và trong khu vực để hạn chế các tác động tiêu cực của chính sách đến nền kinh tế Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật nôi địa, hiện đại hóa việc quản lý thuế, nâng cao hiệu quả của các chính sách thuế cùng với đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư theo xu thế chung của các nước nhưng vẫn không trái với các cam kết quốc tế liên quan.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam nói riêng và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực...

Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Hiện nay, theo các chuyên gia, mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay ở mức 20%, song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án với: mức thuế suất ưu đãi (thay đổi giữa các lĩnh vực, hạng mục) và  thời gian ưu đãi (thời gian miễn thuế và thời gian được giảm thuế suất) khiến thuế suất thực tế có thể thấp đến 5%.

Các ưu đãi bao gồm: ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh. Ở các khu kinh tế đặc biệt, cơ chế ưu đãi có thể còn nhiều hơn, dài hạn hơn.

Các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất... đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất sản xuất, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của các nhà đầu tư, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam. Do đó, khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi khung thuế ưu đãi thay đổi.

Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính nếu được hưởng mức thuế suất tại Việt Nam thấp hơn 15%. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này đến Việt Nam còn phụ thuộc vào phạm vi và đối tượng mà Thỏa thuận thuế toàn cầu điều chỉnh. Đối với những đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, nội luật vẫn sẽ được áp dụng.

'Bài toán mới' cho kinh tế Việt Nam

Đối với tình hình của quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng cần chấp thuận chủ trương áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu (15%) theo quyết định của OECD để đảm bảo tuân thủ cam kết và quyền đánh thuế của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, trình cấp có thẩm quyền nội luật hóa các quy định theo hướng dẫn của trụ cột 2.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư (phần ưu đãi đầu tư có liên quan) để đảm bảo môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư.

Đặc biệt, để đảm bảo đánh giá tổng thể vấn đề này cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, do vậy Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành của Chính phủ (bao gồm: Lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, các bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ làm thành viên) để nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ về thuế, tài chính và các giải pháp khác phù hợp với tiêu chuẩn của trụ cột 2.

Các giải pháp mới này nhằm đảm bảo quyền thu thuế của Việt nam đồng thời tăng tính cạnh tranh thu hút đầu tư bằng cách đa dạng hóa các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư khác ngoài chính sách ưu đãi về thuế.

Về phần mình, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng Việt Nam cần phải chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại  Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc "cùng có lợi", để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp những nước chọn đơn phương giải quyết mà không đàm phán với doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến việc tranh chấp bằng trọng tài với các công ty, gây tốn kém, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng đề xuất Chính phủ nên đàm phán với một số nước có doanh nghiệp FDI chịu tác động cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu một số nôi dung hạn chế của Hiệp định đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng để phù hợp với luật pháp đã được điều chỉnh.

Sáng 14/6, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn sẽ tổ chức hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam".

Dự kiến, hội thảo có sự tham dự của gần 50 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan của Đảng và Quốc hội, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các công ty tư vấn đầu tư quốc tế và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ