Thừa Thiên Huế tập trung gỡ khó, đầu tư cho du lịch tàu biển

Nhàđầutư
Với phân khúc hướng đến là tầng lớp khách du lịch trung lưu và thượng lưu, nên việc tháo gỡ được những khó khăn về hạ tầng, thủ tục hành chính cũng như các dịch vụ kèm theo sẽ góp phần gia tăng lượng khách quốc tế từ tàu biển đến Huế, theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
ĐÌNH DUY
15, Tháng 03, 2024 | 06:30

Nhàđầutư
Với phân khúc hướng đến là tầng lớp khách du lịch trung lưu và thượng lưu, nên việc tháo gỡ được những khó khăn về hạ tầng, thủ tục hành chính cũng như các dịch vụ kèm theo sẽ góp phần gia tăng lượng khách quốc tế từ tàu biển đến Huế, theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

1

Khách du lịch từ tàu biển đến cảng Chân Mây. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Tận dụng tiềm năng khai thác du lịch tàu biển

Với đặc thù có đường bờ biển kéo dài cùng nhiều thắng cảnh nổi tiếng, từ lâu Thừa Thiên Huế được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch là ngành được ưu tiên hàng đầu.

Nếu như nhiều năm về trước việc phát triển du lịch từ biển của Thừa Thiên Huế chỉ tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng thì khoảng 10 năm trở lại đây, loại hình du lịch tàu biển đang dần được địa phương này chú trọng phát triển. Ngày càng nhiều tàu du lịch hạng sang cập bến, cũng như được các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế đã được hình thành và phát triển mạnh từ sau năm 2015 khi bến số 1 cảng Chân Mây được nâng cấp và đi vào phục vụ tàu du lịch với sự hỗ trợ của Tập đoàn Royal Caribbean.

Ngày 9/4/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 23/2018/QĐ-UBND về quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Với quyết định này, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rằng việc thu hút du lịch tàu biển sẽ là trọng tâm trong việc phát triển du lịch của địa phương này.

Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2018-2019, số lượng tàu du lịch tàu biển đến Huế tăng đều qua các năm, chiếm từ 45-57% trong tổng số lượt khách tàu biển đến Việt Nam.

Từ năm 2018 đến tháng 12/2023, Cảng Chân Mây và các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 128 lượt tàu du lịch mang theo 234.957 khách du lịch và 102.744 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Riêng trong năm 2023 đã có 24 du tàu với  51.307 khách và thuyền viên cập cảng Cảng Chân Mây.

2

Tàu du lịch CELEBRITY SOLSTICE chở theo 2.816 khách cùng 1.188 thuyền viên cập cảng Chân Mây vào ngày mùng 7 Tết Giáp Thìn. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Gỡ khó, tập trung đầu tư cho du lịch tàu biển

Tại buổi làm việc với tập đoàn tàu biển Royal Caribbean, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương này rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển loại hình du lịch tàu biển và đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển đến với Thừa Thiên Huế.

Theo ông Bình, địa phương vẫn đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai quy trình nhập cảnh hiệu quả và nhanh chóng tại cảng biển, giảm cảng phí cho các tàu du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho tàu biển, xây dựng các sản phẩm mới cho khách du lịch tàu biển lên bờ tham quan du lịch.

Trong thời gian qua, Thừa Thiên Huế tiếp tục có các biện pháp và chính sách trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển, bao gồm việc đầu tư thêm cầu cảng mới và đê chắn sóng, ưu tiên cầu cảng chính khi các tàu du lịch cập bến, hoàn thiện môi trường du lịch, tăng cường nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tại các điểm di sản để đưa Huế trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình.

Theo ông Lê Chí Phai, Phó tổng giám đốc CTCP cảng Chân Mây, hiện tại cảng Chân Mây đang sở hữu và khai thác hai cầu cảng với tổng chiều dài 771m với độ sâu -12.5m. Trong đó, Bến số 1 được bố trí chuyên đón tàu khách.

Trong thời gian qua, Cảng Chân Mây đã chủ động liên kết với các đối tác để đầu tư mở rộng cảng, như việc hợp tác với các tàu của hãng Royal Caribbean theo hình thức ứng vốn đầu tư để nâng cấp Bến số 1 đủ điều kiện tiếp nhận khách cỡ 225.282GRT.

Năm 2018, bến cảng số 2 của cảng Chân Mây được khởi công xây dựng và hoàn thành chính thức đưa vào hoạt động khai thác từ tháng 7/2021 giúp tăng năng lực cầu bến, đáp ứng ngày càng tăng của du khách.

Dự kiến, trong năm 2024 Cảng Chân Mây sẽ đón 36 chuyến tàu khách du lịch với lượng khách hơn 62.000 hành khách và gần 30.000 thủy thủ, thuyền viên.

Trong khi đó, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới sở này sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế giới thiệu đến khách du lịch các các hoạt động và trải nghiệm hoàng cung, mua sắm nhằm tạo thêm sự phong phú cho các tour du lịch từ loại hình tàu biển.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24675.00 24695.00 25015.00
EUR 26141.00 26246.00 27411.00
GBP 30532.00 30716.00 31664.00
HKD 3113.00 3126.00 3228.00
CHF 26871.00 26979.00 27815.00
JPY 159.92 160.56 168.00
AUD 15832.00 15896.00 16382.00
SGD 18029.00 18101.00 18636.00
THB 660.00 663.00 690.00
CAD 17973.00 18045.00 18577.00
NZD   14540.00 15029.00
KRW   17.60 19.20
DKK   3510.00 3640.00
SEK   2258.00 2345.00
NOK   2225.00 2313.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ