Thị trường hàng hóa 2021 - Bài 2: Tín hiệu khả quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

Nhàđầutư
Năm 2021, dịch COVID-19 có diễn biến phức tập trên toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực lên hoạt động giao thương thủy sản của Việt Nam. Những khó khăn này được dự đoán vẫn kéo dài trong cả năm 2021, dù vậy, cơ hội cho thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được nhận định rất khả quan.
THANH TRẦN
23, Tháng 03, 2021 | 06:59

Nhàđầutư
Năm 2021, dịch COVID-19 có diễn biến phức tập trên toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực lên hoạt động giao thương thủy sản của Việt Nam. Những khó khăn này được dự đoán vẫn kéo dài trong cả năm 2021, dù vậy, cơ hội cho thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được nhận định rất khả quan.

2021-03-21 16_31_55-Window

Cơ hội cho thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới được nhận định rất khả quan.  Ảnh: TTXVN

Lời tòa soạn: Đại dịch COVID-19 đã khiến toàn thế giới lao đao, tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng, các hoạt động kinh tế, đầu tư, kinh doanh đều bị gián đoạn, các chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy và không thể hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều chính phủ, một số nước và khu vực đã dần lấy lại được nhịp hoạt động của mình, dù không thể trở lại mạnh mẽ như thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra, nhưng cũng đã có những dấu hiệu lạc quan, tích cực.

Trong loạt bài khởi đăng từ thứ Hai, 22/3/2021, tạp chí điện tử nhadautu.vn mong muốn mang đến cho độc giả, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý và những người quan tâm đến thị trường hàng hóa những thông tin cập nhật nhất trong một số ngành, lĩnh vực chính, có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam để có thể có cái nhìn toàn cảnh, đúng đắn nhất góp phần giúp quí độc giả đưa ra những quyết định chính xác và tốt nhất trong bối cảnh thương trường đang dần phục hồi thời kỳ hậu đại dịch.

******

Thị trường hàng hóa 2021 - Bài 1: Ngành thép 'rộng cửa' hậu COVID-19

Thị trường thủy sản toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 240,63 tỷ USD vào năm 2020 lên 252,61 tỷ USD vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5%. Sự tăng trưởng chủ yếu là do các công ty đã sắp xếp lại hoạt động của họ và phục hồi sau tác động của COVID-19, trước đó vốn đã bị đình trệ bởi các biện pháp phong tỏa. Thị trường thủy sản toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 335,82 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ CAGR là 7%.

Châu Á Thái Bình Dương là khu vực lớn nhất trong thị trường thủy sản toàn cầu, chiếm 39% thị trường vào năm 2020. Tây Âu là khu vực lớn thứ hai, chiếm 38% thị trường thủy sản toàn cầu. Châu Phi là khu vực nhỏ nhất trên thị trường thủy sản toàn cầu.

Sự bùng phát của COVID-19 đã trở thành một hạn chế lớn đối với thị trường sản xuất thủy sản vào năm 2020 khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do các hạn chế thương mại và tiêu thụ giảm do các lệnh cấm của các chính phủ trên toàn cầu.

Do nhiều chính phủ hạn chế việc di chuyển hàng hóa giữa các quốc gia và địa phương, các nhà sản xuất đã phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Ngoài ra, việc hạn chế buôn bán các mặt hàng không thiết yếu và lo ngại ô nhiễm thông qua các cơ sở sản xuất đã góp phần vào sự suy giảm.

Sự bùng phát dự kiến ​​sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp đến năm 2021. Tuy nhiên, thị trường sản xuất thủy sản được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc trong suốt thời gian dự báo.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn trong cả năm 2020. Nhu cầu trên thế giới giảm đáng kể đối với các sản phẩm thủy sản, khiến giá rơi xuống các mức thấp mới.

Theo báo cáo của SSI, giá tôm nguyên liệu trong nước chạm mức đáy 82.500 đồng/kg trong tháng 10 (-12% so với cùng kỳ và -14% so với đầu năm) trong khi giá cá nguyên liệu trong nước giảm xuống còn 17.750 đồng/kg (-14% so với cùng kỳ và -10% so với đầu năm).

Đáng lưu ý là sự sụt giảm này xảy ra ngay cả trên mức nền thấp của năm trước đó. Bất chấp nhu cầu giảm, các công ty xuất khẩu tôm vẫn tìm thấy cơ hội từ sự suy yếu nguồn cung toàn cầu và đẩy mạnh xuất khẩu về sản lượng.

Theo Rabobank, sản lượng tôm của Ấn Độ ước tính giảm từ 10% -15% so với cùng kỳ trong năm 2020, tạo cơ hội cho các quốc gia khác tận dụng gia tăng xuất khẩu. Mặt khác, nhu cầu cá tra xuất khẩu sụt giảm mạnh do các đợt giãn cách xã hội trong khu vực được thực hiện ở tất cả các thị trường xuất khẩu cá tra chính.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu mà còn ảnh hưởng ở cả thị trường Mỹ và EU (thị trường lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam).

Ngành thủy sản có độ nhạy cao với đại dịch do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra cả cơ hội và thách thức trong khi giá bán bình quân giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là nhu cầu ở kênh nhà hàng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021 (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%), trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng (+15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra (+5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác (+6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).

Tuy nhiên, SSI  cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau COVID-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo đó, các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ. SSI ước tính sự cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu có chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn để mở rộng tại thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực xuyên suốt năm.

Giá bán bình quân có thể tăng khi nhu cầu tăng dần lên, hỗ trợ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp. Đối với cá tra, sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vaccine được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.

Tình hình xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản cả nước đạt 1.141,4 ngàn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, gồm sản lượng nuôi trồng đạt 600,5 ngàn tấn, tăng 2,5%; sản lượng khai thác đaht 540,9 ngàn tấn, tăng 0,5%.

Có 853 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản. Trong đó có 6 doanh nghiệp có trị giá đạt trên 10 triệu USD, đứng đầu là CTCP Thủy sản Sóc Trăng, CTCP Vĩnh Hoàn, CTCP Thủy sản Minh Phú – Hậu Giang, CTCT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú…

Có 137 doanh nghiệp có trị giá xuất khẩu trong tháng 1/2021 đạt từ 1 đến 9,9 triệu USD. Còn lại là các doanh nghiệp xuất khẩu đạt trị giá dưới 1 triệu USD, chiếm 25,5% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước.

2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 259,1 ngàn tấn với trị giá 1,011 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới 111 thị trường trong đó Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt là những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Với đà xuất khẩu này, VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sản phẩm xuất sang Mỹ, EU và thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ duy trì tích cực, nhờ nhu cầu cao và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại.

Theo đó, ngành tôm Việt Nam đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) vừa ký kết và đi vào thực thi, như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)giúp thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu giảm từ 12 – 20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Riêng với CPTPP, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã có thể xuất khẩu nhiều đơn hàng với giá trị cao trong tháng 1/2021 như CTCP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang xuất 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; CTCP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) xuất lô hàng đầu tiên gồm 8 container thủy sản trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia...

Với thị trường Anh, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe khẳng định, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường này. Được biết, Anh thuộc top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch tăng liên tục. Bộ Công Thương cũng cho hay, hiệu ứng của UKVFTA đã giúp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, đa số các nước trong khối RCEP đều được đánh giá là có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản tương đối cao. Việt Nam là quốc gia có lợi thế về xuất khẩu thủy sản và trong vòng 10 năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng rất tích cực, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này và đã xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại khu vực RCEP, phần lớn các quốc gia có đặc điểm người tiêu dùng không quá khó tính, ngoại trừ 3 nước Nhật, Australia và New Zealand.

Đối với các ngành thế mạnh của Việt Nam tại Hiệp định RCEP này, thủy sản sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP.

Ngoài ra, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam, sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thế mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.

Đón đọc Bài 3: Thị trường hàng hóa 2021 - Ngành dệt may tiếp tục phát triển, bất chấp COVID-19

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ