Thị trường hàng hóa 2021 - Bài 1: Ngành thép 'rộng cửa' hậu COVID-19

Nhàđầutư
Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.
THANH TRẦN
22, Tháng 03, 2021 | 06:57

Nhàđầutư
Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.

2021-03-20 03_00_53-Window

Ngành thép 'rộng cửa' hậu COVID-19.  Ảnh: Báo Quốc tế.

Lời tòa soạn: Đại dịch COVID-19 đã khiến toàn thế giới lao đao, tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng, các hoạt động kinh tế, đầu tư, kinh doanh đều bị gián đoạn, các chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy và không thể hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều chính phủ, một số nước và khu vực đã dần lấy lại được nhịp hoạt động của mình, dù không thể trở lại mạnh mẽ như thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra, nhưng cũng đã có những dấu hiệu lạc quan, tích cực.

Trong loạt bài khởi đăng từ thứ Hai, 22/3/2021, tạp chí điện tử nhadautu.vn mong muốn mang đến cho độc giả, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý và những người quan tâm đến thị trường hàng hóa những thông tin cập nhật nhất trong một số ngành, lĩnh vực chính, có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam để có thể có cái nhìn toàn cảnh, đúng đắn nhất góp phần giúp quí độc giả đưa ra những quyết định chính xác và tốt nhất trong bối cảnh thương trường đang dần phục hồi thời kỳ hậu đại dịch.

******

Có tới 30% công suất sản xuất thép toàn cầu (không bao gồm Trung Quốc) bị ngừng hoạt động cũng như việc sản lượng tại các nhà máy thép giảm đáng kể do đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng vẫn ít bị ảnh hưởng hơn do được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích của chính phủ ở nhiều quốc gia. Việc khởi động lại các nhà máy thép là không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, trong khi mức tồn kho giảm xuống mức thấp trong lịch sử. Do đó, giá thép đã tăng ở tất cả các khu vực vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, Fitch Ratings không kỳ vọng đà tăng giá này sẽ bền vững. Các nhà máy thép tiếp tục nhanh chóng khởi động lại với công suất khoảng 30 triệu tấn kim loại nóng kể từ tháng 10 năm ngoái. Nhiều nhà máy chạy không tải ở Mỹ và EU đã đi vào hoạt động, mặc dù có một khoảng thời gian trễ để sản xuất tăng lên hoàn toàn.

Fitch Ratings dự đoán giá thép sẽ giảm vào một thời điểm nào đó trong 2 quý đầu năm 2021. Trong tháng 1/2021, các nhà sản xuất thép đã đạt mức tỷ suất lợi nhuận cao, với tỷ suất lợi nhuận vượt quá 30% ở EU và 45% ở Mỹ, mặc dù chi phí đầu vào đang tăng lên. Chi phí nguyên liệu thô cao có thể tạm thời thúc đẩy giá thép với điều kiện nhu cầu thép tăng mạnh.

Công ty này cho rằng giá thép ở Trung Quốc đã đạt đỉnh vào tháng 12/2020, khi nước này bước vào thời kỳ nhu cầu thấp hơn theo mùa, lượng tồn kho tăng và tỷ suất lợi nhuận giảm. Fitch Ratings kỳ vọng rằng nhu cầu thép của Trung Quốc vào năm 2021 sẽ thấp hơn một chút do quy mô các chương trình kích thích được lên kế hoạch nhỏ hơn và khả năng lượng xuất khẩu hàng hóa làm từ thép sẽ giảm.

Ngành thép vẫn chịu nhiều rủi ro khác nhau và ảnh hưởng đến nhu cầu, giá cả và biên lợi nhuận, bao gồm cả những rủi ro liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như virus lây lan rộng hơn, tiêm phòng chậm và các đợt phong tỏa nghiêm ngặt mới.

Chi phí đầu vào sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận và dòng tiền của các nhà sản xuất thép. Nhu cầu thép ngày càng tăng phần lớn là do sự phục hồi trong lĩnh vực ô tô, nhưng sự thiếu hụt chất bán dẫn lại là một nguy cơ cho sự phục hồi này. Các diễn biến chính trị và địa chính trị, chẳng hạn như cắt giảm các chương trình kích thích của chính phủ, các chính sách cắt giảm khí thải và chiến tranh thương mại, cũng có thể làm tăng áp lực lên lĩnh vực này.

Hiệp hội Thép Thế giới cho rằng tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu vào năm 2021 sẽ lên tới 4,1% (từ 1725 triệu tấn thành phẩm vào năm 2020, lên 1795 triệu tấn vào năm 2021). Điều này tương đương với mức tăng tiêu thụ thép năm 2021 là xấp xỉ 70 triệu tấn.

Trong khi đó, OECD cho rằng trong giai đoạn từ năm 2020-2022, tổng công suất thép thô toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,5-3,3% từ mức 2,36 tỷ tấn vào cuối năm 2019. Điều này tương đương với việc tăng công suất thép lên khoảng 23 triệu tấn mỗi năm.

Thị trường thép Trung Quốc

Theo S&P Global Platts Analytics, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm loại bỏ sức nóng của thị trường bất động sản vào năm 2021 có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu thép cho lĩnh vực này trong dài hạn.

Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp kích thích tiền tệ và hạn chế tài chính cho lĩnh vực bất động sản kể từ giữa năm 2020. Bắc Kinh khẳng định không nên sử dụng nhà ở cho mục đích đầu cơ. Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc cũng đã nêu rõ việc cung cấp nhiều tiền hơn cho người tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, và một cách để đạt được điều này là hạn chế lĩnh vực bất động sản.

Lần cuối cùng nhu cầu thép từ lĩnh vực bất động sản tại nước này giảm là vào năm 2015. Bất động sản chiếm 30% -35% tổng tiêu thụ thép của Trung Quốc.

Dựa trên dự báo của S&P Global Ratings rằng GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 7% trong năm nay, số lượng bất động sản mới bắt đầu và doanh số bán trong năm 2021 sẽ lần lượt giảm 6,4% và 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Platts Analytics, nếu Trung Quốc theo đuổi mức tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, bất động sản mới bắt đầu phát triển và doanh số bán hàng sẽ tăng 0,4% và 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được mức tăng trưởng 8% sẽ đòi hỏi các điều kiện tín dụng nới lỏng hơn và thậm chí nới lỏng một số ràng buộc đối với lĩnh vực bất động sản. Lĩnh vực bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất thép thô của Trung Quốc vào năm 2020, đồng thời giữ cho tỷ suất lợi nhuận thép ổn định.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 52 triệu tấn, lên 1,053 triệu tấn vào năm 2020, lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ tấn. Điều này xảy ra bất chấp thực tế việc xây dựng tại Trung Quốc đã bị đình trệ trong phần lớn quý đầu tiên.

Biên lợi nhuận bán thép nội địa của Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn đạt mức trung bình ở mức 46 USD/tấn, theo Platts Analytics.

Tổ chức này cho rằng năng lực sản xuất thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vào năm 2021 lên 1,285 triệu tấn/năm. Cung và cầu thép sẽ gần như cân bằng vào năm 2021 nếu nhu cầu thép cho bất động sản đạt được mức cao nhất so với dự đoán của Platts.

Đáng lo ngại chính là việc nhu cầu thép cho bất động sản tại Trung Quốc xuống mức thấp hơn. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện trở lại của tình trạng dư thừa thép trên thị trường, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021, qua đó dẫn đến giảm sản lượng thép hoặc tăng xuất khẩu thép.

Thị trường thép Việt Nam

Theo báo cáo của SSI Research, tăng trưởng nhu cầu thép trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng (cao tốc bắc - nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành) và dòng vốn FDI, và điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

Ðặc biệt, thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm 2021 cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, với một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, sẽ mang đến kỳ vọng cho ngành thép có thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao.

Dù vậy, SSI dự kiến sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển.

Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021. Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021. Do đó, SSI Research ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.

SSI cho rằng giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn. Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường.

Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Ngoài ra, các công ty như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có thể tận dụng tối đa nguồn cung HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.

HPG được kỳ vọng đạt lợi nhuận ròng tăng 22% so với cùng kỳ trong năm 2021, nhờ vào việc khởi động lò cao BOF cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất vào tháng 1/2021; sản lượng tiêu thụ thép xây dựng ước tính đạt 4,1 triệu tấn (+20% so với cùng kỳ), nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và HPG mở rộng thị phần; sản lượng tiêu thụ HRC ước tính tăng gấp 4 lần lên 2,8 triệu tấn trong năm 2021, do Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động gần cả năm; việc thoái vốn khỏi mảng nội thất có thể mang lại khoản lợi nhuận khác trong năm 2021.

Đón đọc kỳ 2 dự kiến đăng sáng thứ Ba, 23/3/2021: Thị trường hàng hóa 2021 - Bài 2: Tín hiệu khả quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ