Thị trường chứng khoán tăng trong bất ngờ

Đà tăng trưởng của VN-Index trong thời gian gần đây cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào những biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Mặt khác, đây cũng là kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh.
HUY NGỌC
02, Tháng 05, 2020 | 18:50

Đà tăng trưởng của VN-Index trong thời gian gần đây cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào những biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Mặt khác, đây cũng là kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh.

Từ một đốm lửa nhỏ tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc vào tháng 12/2019, dịch virus COVID-19 đã nhanh chóng lan rộng trên quy mô toàn cầu và trở thành đại dịch. Tính đến ngày 16/4, thế giới ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, với 134.375 ca tử vong và 509.853 ca bình phục.

Dịch bệnh COVID-19 lan rộng đã gây tâm lý hoảng loạn trên tất cả các thị trường. Tính riêng tháng 3/2020, các chỉ số MSCI các thị trường phát triển, MSCI khu vực mới nổi, MSCI khu vực biên (theo tỷ giá USD) có mức giảm lần lượt -12,2%, -14,1% và -22,7%, đưa mức giảm quý I của xuống lần lượt -21,4%, -23,9% và -32,3%.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng vận động trong xu thế đó. Cụ thể, VN-Index giảm nhẹ trong tháng 1 và mức giảm tăng dần trong tháng 2 và tháng 3. Chỉ số có mức giảm mạnh 24,9% trong tháng 3, đưa mức giảm quý I/2020 lên mức -31,1%. Nhóm VN30 giảm 23,47%. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 9,87 điểm (tương đương 9,6%)

Tham chiếu với tháng 2, diễn biến rút ròng của dòng tiền thể hiện rõ ràng hơn. Cụ thể, trong tháng 3/2020, sàn HSX có 37 cổ phiếu tăng, 340 cổ phiếu giảm và 4 cổ phiếu không đổi.

Sự tháo chạy mạnh mẽ của dòng tiền nằm ngoài dự báo của nhiều công ty chứng khoán khi VN-Index thậm chí có lúc rớt sâu dưới ngưỡng hỗ trợ 873 điểm. Hiệu ứng giảm điểm lan truyền từ các thị trường chủ chốt, tâm lý suy yếu đã kích hoạt hoạt động báo tháo trên diện rộng, trong đó đáng chú ý nhất là việc khối ngoại bán ròng mạnh.

Dù vậy, gió nhanh chóng đảo chiều khi thị trường bước vào tháng 4/2020. Theo đó, VN-Index tăng trưởng trong 6 phiên liên tục. Đặc biệt, từ phiên 1/4 – 6/4, VN-Index xác lập 3 phiên liên tiếp có biên độ tăng lên đến hàng chục điểm. Như vậy, tính đến hết phiên 17/4, VN-Index đạt 789,60 điểm, tăng gần 19,2% tính từ đầu tháng 4/2020 và thu hẹp đà giảm trong năm 2020 xuống còn 20,77%.

BVSC cho rằng, đây là phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước sự hồi phục chung của thị trường tài chính toàn cầu, và hàng loạt các chính sách hỗ trợ kinh tế mạnh tay của các Chính phủ. Bên cạnh đó những biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 cũng tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư về khả năng Việt Nam sớm khống chế được dịch bệnh.

Tuy nhiên, đáng chú ý, dù chỉ số chuẩn lấy lại đà tăng ấn tượng, nhưng khối ngoại vẫn liên tục bán ròng.

Trong quý I/2020, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX -9.581 tỷ đồng với 236 mã bị bán và 128 mã được mua. Còn trong tháng 4/2020 (tính đến phiên 17/4/2020), nhóm này đã bán ròng hơn 3.219 tỷ đồng.

Nhận định về vấn đề này, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, dù tình hình chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã tiến triển rất tích cực, tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn phức tạp và khó dự đoán. Có thể đây là lý do chính khiến các quỹ đầu tư ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.

Yuanta Việt Nam cũng ước tính, lượng bán ròng từ đầu năm tới nay là 76,1% đến từ các quỹ tương hỗ, 11,5% từ các quỹ ETF, 3,2% đến từ nhà đầu tư cá nhân và 9,1% tới từ các tổ chức khác. CTCK nhận định, dòng tiền từ các quỹ trên sẽ quay trở lại thị trường khi rủi ro từ dịch bệnh giảm.

Năm 2020 rủi ro và khó lường

Trong một lần chia sẻ với báo giới về diễn biến tiêu cực của TTCK, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng nhận định, “Nguyên nhân chính và trực diện nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi số bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh, sau đó tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới ở một số tỉnh thành khác trong những ngày cuối tuần. Đây là yếu tố tiêu cực mang tính bất thường, nên tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, khiến xuất hiện việc bán tháo và giảm điểm mạnh”.  

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh một số yếu tố đáng chú ý như: suy giảm nền kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với quyết định giảm khẩn cấp 0,5% lãi suất,…

Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban chứng khoán cũng cam kết, sẽ tiếp tục điều hành thị trường theo quan điểm “tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”. Cùng với đó, UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường; trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Dù hiện tại, VN-Index đã có sự hồi phục nhất định, nhưng diễn biến TTCK năm 2020 vẫn được đánh giá là rủi ro và khó lường. Giới chuyên gia chứng khoán cũng phần nào tỏ ra không chắc chắn với những dự báo. Trao đổi với PV Nhà Đầu tư, ông Dương Văn Chung – Giám đốc khu vực miền Bắc CTCK MB cho rằng, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, các nhà đầu tư nên hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính và cũng không nên giải ngân hoàn toàn để đề phòng những trường hợp bất trắc.

Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam đánh giá, với những diễn biến khó lường, thay vì cố gắng “trading” ngắn hạn, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi và quan sát cơ hội. Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt và thị trường tạo một vùng giá đáy thấp, việc giải ngân đầu tư trong tầm nhìn trung và dài hạn sẽ an toàn hơn so với việc nhà đầu tư lướt sóng trong giai đoạn thị trường biến động như hiện nay.

Bản thân các công ty chứng khoán cũng dự báo thị trường dựa trên dịch bệnh COVID-19.

Với BSC, CTCK này ở kịch bản tích cực cho rằng thị trường vận động trong vùng 600 – 800 điểm. Cụ thể, VN-Index được dự báo giao dịch giằng co trên 635 điểm trong vài tuần đầu tháng 4 và có xu hướng hồi phục rõ ràng vào nửa cuối tháng 4. Diễn biến dịch bệnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các chính sách hỗ trợ kinh tế quyết định cao độ và trường độ của đợt hồi phục.   

Trường hợp tiêu cực, VN-Index tiếp tục dò đáy trong vùng tích lũy 535 – 635 kéo dài từ 2014 - 2016 nếu diễn biến dịch bệnh tiêu cực và áp lực thoái vốn từ khối ngoại.

Trong khi đó, Yuanta Việt Nam lại nghiêng về kịch bản  thuốc/vắc-xin cho COVID-19 không thể triển khai sớm, nhưng thị trường tài chính và vấn đề thanh khoản được giải quyết bằng chính sách tài khóa và tiền tệ. Nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua 3 quý tăng trưởng âm và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng gập ghềnh sau đại dịch COVID-19. Kịch bản này tương đương với đợt suy thoái năm 2012 tại Đài Loan. Sử dụng định giá trong giai đoạn đó làm chuẩn và dự đoán cho đến hiện tại, giá trị hợp lý của VN-Index nằm trong khoảng 672-692 điểm, cao hơn 2 - 5% so với mức giá đóng cửa ngày 24/3 và sau đó dần dần tiến về giá trị hợp lý dài hạn là 778-810 điểm khi nền kinh tế dần thoát ra khỏi suy thoái.

Ở một góc độ khác, CTCK BVSC nhận định, đợt dịch COVID-19 cũng lúc tác động tới thị trường trong ngắn hạn, nhưng cũng tạo ra sự chuyển dịch trong dài hạn về quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh của nhiều công ty. Thói quen áp dụng công nghệ sẽ được định hình, một mặt giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí vận hành, và mặt khác cũng giúp năng suất lao động cải thiện.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ