Thấy gì với việc tăng trưởng tín dụng vẫn quanh 10%?

Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11/2019 đạt 10%, thấp hơn so với mọi năm. Dư nợ toàn hệ thống thấp, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tăng, cho thấy tăng trưởng tín dụng đã bền vững, đi vào thực chất.
NHUỆ MẪN
10, Tháng 12, 2019 | 06:57

Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11/2019 đạt 10%, thấp hơn so với mọi năm. Dư nợ toàn hệ thống thấp, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tăng, cho thấy tăng trưởng tín dụng đã bền vững, đi vào thực chất.

x_wtvd

 

Dư nợ tín dụng: Quan trọng là chất lượng

Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11/2019 đạt 10%, thấp hơn so với mọi năm. Giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại cổ phần cổ phần cho rằng, có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản giảm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng cho vay bất động sản, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Do vậy, dù tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 11 mới chỉ bằng tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 9 của năm 2018, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn ổn định.

Thứ hai, các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, nhưng không ít ngân hàng gặp khó khăn khi tăng vốn, đặc biệt đối với các ngân hàng có vốn nhà nước.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng này chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng của toàn hệ thống, nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đánh giá “sức khỏe” của các ngân hàng mới phân hạn mức tín dụng và vấn đề này được tiến hành rất chặt chẽ.

Do đó, những ngân hàng có các chỉ số an toàn tài chính chưa tốt sẽ được phân một hạn mức tín dụng thấp hơn so với nhu cầu.

“Ðây cũng là một yếu tố tác động đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không cao như mọi năm tính đến thời điểm hiện nay”, giám đốc tài chính ngân hàng trên nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc TMCP Sài Gòn (SCB) nêu quan điểm: “Dư nợ toàn hệ thống thấp, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tăng, cho thấy tăng trưởng tín dụng đã bền vững, đi vào thực chất”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, tăng trưởng tín dụng chậm lại vì tốc độ phát triển của thị trường bất động sản chậm lại và nguồn vốn chuyển sang nhóm sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của TS. Hiếu, dư nợ của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% trong tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, cần nhiều động thái hơn để nguồn vốn từ ngân hàng có thể “chảy” đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây cũng là một trong phương thức để nâng cao chất lượng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Cần có sự phối hợp nhịp nhàng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ðồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua các loại hình quỹ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Hùng, để triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp.

Trước hết, các bộ, ngành sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương; phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng để làm cầu nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các tổ chức tín dụng; làm đầu mối trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thành viên.

Ngoài ra, các tổ chức xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.

Ðược biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, Thủ tướng đã yêu cầu ngành ngân hàng đáp ứng các nhu cầu tín dụng cho thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh bố trí vốn cho sản xuất - kinh doanh những ngành hàng có lợi thế, có triển vọng và tiềm năng lớn; bảo đảm lưu thông tiền tệ thông suốt và nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm và đầu năm mới.

Ðồng thời, bảo đảm an ninh tiền tệ trong nền kinh tế số; các bộ, ngành chức năng triển khai hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tín dụng đen, cho vay nặng lãi.   

(Theo Tin nhanh chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ