Sự kiện nổi bật ngành Công Thương: Xuất nhập khẩu kỷ lục, sản xuất công nghiệp mở rộng

Nhàđầutư
Trước khó khăn của đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
ĐÌNH VŨ
02, Tháng 01, 2022 | 08:00

Nhàđầutư
Trước khó khăn của đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

lap-rap-o-to-vinfast-1605

Ảnh: Internet

Sản xuất công nghiệp mở rộng

Năm 2021, nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, sản xuất bị đình trệ trong thời gian dài nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng của năm trước; quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và là động lực chính trong tăng trưởng.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 62,4% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao.

Trong năm 2021, mặc dù liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp trong nước với thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn một thời gian do ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng giá trị xuất khẩu vẫn duy trì mức đóng góp trên 85%, chủ yếu là các mặt hàng công nghệ cao có mức tăng trưởng tốt như: điện thoại và linh kiện tăng 12,4%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14,4%, máy móc thiết bị tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020.

Công nghiệp cũng là ngành có sức hấp dẫn lớn với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới vào Việt Nam đến ngày 20/12/2021 đạt 15,25 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đạt 7,25 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng vốn đăng kýcấp mới, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam những năm tiếp theo.

Thương mại điện tử phát triển "đột phá"

Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về thị phần bán lẻ trực tuyến, thuộc top 3 của khu vực Đông Nam Á. Năm 2021, TMĐT Việt Nam đã ghi dấu mốc “lần đầu tiên” với một chuỗi các sự kiện, hoạt động mở cửa cho doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới như:

Lần đầu tiên, “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” - nơi tập hợp các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam được tổ chức, xây dựng trên sàn thương mại điện tử JD.com. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng là gian hàng quốc gia đầu tiên của Việt Nam được mở trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung.

Lần đầu tiên, hàng chục loại nông sản, trái cây vùng miền được tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và qua các Sàn TMĐT.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, lần đầu tiên tại khu vực các tỉnh/thành phố phía Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM, các tỉnh/thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, mua sắm hàng hoá qua TMĐT đã trở thành một phương thức phân phối chủ yếu.

Theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu thương mại điện tử quốc tế, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

Xuất nhập khẩu vượt kỷ lục đạt gần 670 tỷ USD

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19. Đây là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2021.

Theo đó, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020. Trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc…

Khai thác dầu khí hoàn thành chỉ tiêu 7,99 triệu tấn 

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19, dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi cung cấp vật tư, thiết bị, nhưng ngành dầu khí đã cố gắng vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với việc tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, khai thác dầu khí đã đạt sản lượng tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép, tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn giá dầu tăng, đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước, với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Phê duyệt chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa.

Chiến lược phát triển thương mại trong nước được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế trong thời kỳ mới.

Với những mục tiêu đặt ra, Chính phủ và Bộ Công Thương định hướng phát triển hoạt động thương mại trong nước không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, gắn liền với hiệu quả đầu tư và phát triển sản phẩm, thương hiệu Việt, trên cơ sở phát huy nội lực của thị trường trong nước với tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ