Sóc Trăng sẽ là 'cửa ngõ' chính ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nhàđầutư
Sóc Trăng là địa phương thứ hai (sau Long An) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trở thành cửa ngõ chính ra biển của khu vực.
NINH KHANG
06, Tháng 09, 2023 | 15:54

Nhàđầutư
Sóc Trăng là địa phương thứ hai (sau Long An) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trở thành cửa ngõ chính ra biển của khu vực.

soc trang NK

Sóc Trăng được quy hoạch là khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL. Ảnh NK

Khu vực phát triển động lực của vùng

Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL, có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững, hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng.

Tỷ trọng trong GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%, công nghiệp – xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 14.000 tỷ đồng; kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Về xã hội: Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40 - 45%; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 -3% /năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%...

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề, là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

ngoia khoi Tran De

Khu vực ngoài khơi cảng Trần Đề sẽ được quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa cho vùng ĐBSCL và cung cấp dịch vụ logistics cho nước ban Campuchia. Ảnh TQ

Phát triển các ngành kinh tế quan trọng

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã chỉ ra định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Theo đó, ngành nông nghiệp được định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiện đại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng các yêu câu thị trường trong và ngoài nước. Hình thành vùng chuyên canh các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh với quy mô thích hợp.

Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; cải tiến, phát triên giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và năng lượng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triền đa dạng các thị trường tiêu thụ; kết hợp du lịch.

Đối với ngành công nghiệp, Sóc Trăng đề ra định hướng xây dựng phát triển các khu công nghiệp xanh, có sức cạnh tranh cao; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đa dạng hóa ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Đặc biệt, về phát triển dịch vụ, Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng cũng nhấn mạnh vai trò dịch vụ logistics và xem đây là ngành kinh tế đóng góp 30% trong cơ cấu GRDP khi cảng nước sâu Trần Đề đi vào khai thác.

Cùng với các trụ cột phát triển kinh tế trên, Sóc Trăng cũng xem lĩnh vực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực, tâm linh, lễ hội, sinh thái miệt vườn, sinh thái biển, nghỉ dưỡng, kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi giải trí…

Về phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, Sóc Trăng đề ra định hướng phát triển kinh tế dọc theo 2 hành lang và 4 vùng kinh tế.

Hai hành lang là: Hành lang kinh tế Bắc – Nam, gồm các tuyến: TP. HCM – Cần Thơ – Sóc Trăng – Cà Mau; hành lang kinh tế Đông – Tây, gồm các tuyến: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ  - Sóc Trăng , kết nối cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây ĐBSCL và Vương quốc Campuchia; các tuyến hành lang kinh tế sẽ là trục giao thông chính thu gom nguyên liệu phục vụ cho chế biến và vận chuyển xuất khẩu hàng hóa của vùng.

4 vùng kinh tế xã hội là: Vùng ven biển, gồm TP. Sóc Trăng và 2 huyện Vĩnh Châu, Trần Đề. Đây là vùng động lực phát triển kinh tế biển;

Vùng ven sông Hậu, gồm các huyện: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú. Đây là vùng phát triển kinh tế ven sông theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ;

Vùng nội địa, gồm các huyện: Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú. Đây là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp chủ lực phục vụ cho chế biến.

Vùng Cù Lao Dung, gồm toàn bộ diện tích huyện Cù Lao Dung. Đây là vùng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Dự kiến địa phương sẽ mời gọi nhà đầu tư xây dựng tuyến cáp treo kết nối từ thị trấn Trần Đề sang huyện Cù Lao Dung để khai thác dịch vụ du lịch.    

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ