Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có tính nhân đạo

Nhàđầutư
Trong cuộc trao đổi với Nhadautu.vn, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, trong quy trình chăn nuôi đều đạt quy chuẩn hữu cơ, nhưng khi giết mổ không làm đúng quy trình hữu cơ, nói cách khác là tính nhân đạo trong khi giết mổ thì sẽ không được chứng nhận hữu cơ.
NGUYỄN TRANG
05, Tháng 02, 2018 | 07:13

Nhàđầutư
Trong cuộc trao đổi với Nhadautu.vn, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, trong quy trình chăn nuôi đều đạt quy chuẩn hữu cơ, nhưng khi giết mổ không làm đúng quy trình hữu cơ, nói cách khác là tính nhân đạo trong khi giết mổ thì sẽ không được chứng nhận hữu cơ.

TH_Mich

 Ông Hà Phúc Mịch cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ là sản phẩm sạch mà cần phải có tính nhân đạo

Gỡ bỏ khó khăn cho nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn đang gặp phải những vấn đề thách thức như đất đai, tín dụng, chính sách hỗ trợ. Theo ông, Nhà nước cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Hà Phúc Mịch: Đất đai là vấn đề rất quan trọng, là bước mở đầu cho sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ (NNHC) nói riêng. Bởi việc chuyển đổi sang đất sản xuất NNHC từ đất sản xuất thông thường hiện nay theo tiêu tuẩn của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế cần có thời gian chuyển đổi là 2-3 năm. Thường phải kiểm tra đất thổ nhưỡng, nếu đất có kim loại nặng thì sẽ không được chuyển sang đất NNHC.

Từ trước đến nay, khái niệm quy hoạch quy hoạch canh tác đất hữu cơ chưa có. Do vậy, các địa phương cần có chính sách quy hoạch dành quỹ đất cho sản xuất NNHC, phải liền vùng. Vùng quy hoạch phải có vành đai, tức là khoảng cách giữa đất sản xuất thông thường và đất sản xuất NNHC phải đạt 5-10m và trồng những loại cây che chắn. Những vùng nào gần khu đô thị, khu CN không khí ô nhiễm độc hại cũng không đạt tiêu chuẩn sản xuất NNHC.

Thứ hai là tín dụng, năm 2010 trở về trước, Bộ NN&PTNT có nói đến NNHC nhưng trong chính sách được xây dựng và ban hành về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì khái niệm NNHC không được đưa vào bất cứ quy định, chính sách nào. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, các HTX sản xuất NNHC đều không nhận được sự hỗ trợ nào từ nguồn vốn tín dụng. Bởi những người làm công tác quản lý tín dụng họ nói rằng, NNHC không phải là đối tượng thuộc danh sách hỗ trợ.

Có những doanh nghiệp bỏ vốn hàng triệu USD như công ty Viên Phú ở Cà Mau, sản xuất cả lúa, tôm, cá. Bỏ ra rất nhiều tiền nhưng đến lúc tiếp cận nguồn vốn thì không thể vay được nên phải tái cơ cấu sản xuất. Hiện tại, nhờ vốn của Coopmart mới giữ được diện tích sản xuất hơn 300 ha. Đây là ví dụ điển hình của một doanh nghiệp hoạt động hơn chục năm trong lĩnh vực NNHC, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể tiếp cận vốn tín dụng.

Từ thực trạng trên, tháng 5/2017 vừa qua theo đề xuất của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng một nghị định ban hành tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất NNHC, đồng thời xây dựng đề án sản xuất NNHC giai đoạn 2018-2025.

Trong năm 2017, đã thành lập những ban biên soạn, tổ tư vấn chính sách để sắp tới ban hành vào năm 2018. Trong chính sách được sự đồng thuận của các bộ ngành, tất cả những chính sách ưu đãi cho phát triển NNHC là đối tượng trong chính sách phát triển nông nghiệp.

Chẳng hạn nghị định 55 hỗ trợ vay vốn trong nông nghiệp. Trong quy hoạch đất đai cũng đề nghị các địa phương chủ động quy hoạch, dành quỹ đất cho sản xuất NNHC.

Ông đánh giá thế nào về sức cạnh tranh của thị trường sản phẩm hữu cơ hiện nay. Quá trình áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đang được triển khai đến đâu?

Ông Hà Phúc Mịch: Hiện nay, diện tích NNHC của Việt Nam theo thống kê của tổ chức phi chính phủ, và tổ chức IFOAM công bố năm 2016, nước ta có 76.666 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong 10 năm qua diện tích sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 3,6 lần. Chứng tỏ sự quan tâm của xã hội và các doanh nghiệp đến sự phát triển của nông nghiệp ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, cũng cần phải quan tâm đến tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn tiêu chuẩn năm 2016 của Bộ NN&PTNT, sau đó là tiêu chuẩn TCVN 11041 của Bộ KH&CN ban hành, đó là những tiêu chuẩn ban đầu trong nước. Tiếp đến là tiêu chuẩn PGS của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, được xây dựng và trình tổ chức IFOAM chấp thuận.

Các doanh nghiệp vừa và lớn thường sản xuất áp dụng theo các tiêu chuẩn của nước ngoài, như tiêu chuẩn châu Âu, Nhật, USA. Thường những doanh nghiệp này họ lấy chứng nhận của các tổ chức tương ứng và các sản phẩm của họ được xuất khẩu hết. Những đơn vị sản xuất như vậy thì thường liên kết ngay trong lúc sản xuất, thành chuỗi cung ứng để xuất khẩu ra nước ngoài.

Một tình trạng đang xảy ra hiện nay đó là chúng ta đang trong thời kỳ giao thoa, trong cộng đồng xuất hiện một số cửa hàng chưa thực chất. Vì lợi nhuận mà một số của hàng, doanh nghiệp giả danh và làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm NNHC. Tôi nghĩ rằng, vào đầu năm 2018 tới đây khi các nghị định và tiêu chuẩn ra đời, các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc khi đó sản phẩm NNHC sẽ được minh bạch hơn.

Theo ông, các sản phẩm hữu cơ hiện nay đang phục vụ cho phân khúc người tiêu dùng nào?

Ông Hà Phúc Mịch: Sản phẩm NNHC hiện nay không chỉ phục vụ cho người khá giả, những người có thu nhập trung bình cũng có thể sử dụng được. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Diễn đàn quốc tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, chúng ta sản xuất NNHC là để phục vụ cho hơn 90 triệu dân chứ không phải chỉ dành cho người giàu.

Tôi thấy rằng, đất nước chúng ta có hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Phải chăng những người dân cũng cần có quyền hưởng lợi từ sản phẩm hữu cơ họ sản xuất ra, chứ không phải người giàu mới được hưởng. Chúng ta nên nhìn toàn cục, NNHC không những cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi môi trường...

Chúng ta không nên nghĩ rằng những sản phẩm hữu cơ hiện nay chỉ phục vụ những người có tiền, thậm chí nhiều người có tiền còn không biết địa chỉ tin cậy để mua sản phẩm hữu cơ.

Mới đây, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cùng với các cơ quan chức năng đã có nhiều cuộc đi khảo sát tại các cửa hàng rau hữu cơ được chứng nhận PGS và thấy rằng khách hàng ở đó đều là những người có thu nhập bình thường.

Chỉ có những người làm thương mại lợi dụng thời cơ giao thoa để bán sản phẩm với giá gấp đôi. Những sản phẩm hữu cơ nếu bán ra lợi nhuận từ 30-50% đã là có lãi nhiều rồi, bởi giá thành của các sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường không chênh lệch nhau quá nhiều. Thậm chí, năng suất của các sản phẩm hữu cơ khi sản xuất theo hệ thống còn cao hơn là các sản phẩm thông thường.

Việc giá thành sản phẩm cao hơn là do thời kỳ đầu chúng ta sản xuất ra ít và đưa giá không đúng thực tế và gây hình ảnh không tốt với người tiêu dùng. Bình thường các nước sản xuất NNHC chỉ lấy lợi nhuận khoảng 15%.

Sản xuất NNHC cũng cần có tính nhân đạo

Thực trạng hiện nay cho thấy thị trường sản phẩm organic trong nước còn rất khan hiếm, trong khi các doanh nghiệp sản xuất NNHC lại xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Hà Phúc Mịch: Đúng vậy, có những thời điểm tại Hà Nội và TP HCM khi thấy hiện tượng thực phẩm bẩn lan tràn nhiều thì cũng bắt đầu chú ý đến các sản phẩm hữu cơ và dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn nước ngoài thì họ đều xuất khẩu theo hợp đồng. Thị trường có khan hiếm hàng organic thì họ cũng không thể phá vỡ hợp đồng để cung cấp cho thị trường trong nước được.  Chính vì thế, mặt hàng NNHC thị trường trong nước còn rất thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng Việt Nam?

Ông Hà Phúc Mịch: Đây là thị trường còn rất rộng mở đối với những doanh nghiệp đang có dự định sản xuất NNHC, bởi một lượng lớn người trong cộng đồng đang mong muốn sử dụng những sản phẩm đích thực và có chứng nhận rõ ràng.

Hiện nay, chúng tôi đang liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng xích lại gần nhau, như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng đang triển khai rất tốt. Nhưng với các doanh nghiệp trong vùng như Thủ đô Hà Nội, nên mở những đợt mời người tiêu dùng đến trang trại thăm, thậm chí là mua ngay tại nơi sản xuất. Phương thức như vậy một số nơi trên thế giới họ vẫn đang làm, trừ vùng chuyên xuất khẩu. Như vậy, người sản xuất và người tiêu dùng càng tiếp cận gần nhau thì lòng tin càng được củng cố.

Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng cần phải làm nghiêm minh trong vấn đề an toàn thực phẩm. Từ trước tới nay, mức độ xử phạt của nước ta đối với vi phạm tiêu chuẩn VietGAP hay an toàn thực phẩm không nghiêm, đôi khi xuất phát từ những tổ chức chứng nhận tự quy định.

Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng đã đề nghị cần xã hội hóa các tổ chức chứng nhận, bởi đây là “thanh bảo kiếm” để thay mặt người tiêu dùng để chứng nhận cho một sản phẩm.

Do đó, trong lĩnh vực NNHC cần thành lập một chuỗi khép kín từ người sản xuất, người làm công tác  thương mại và người tiêu dùng. Khi giá thành sản phẩm tăng giảm để những người ngoài “nhảy” vào chuỗi này thường để lại hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như tiêu chuẩn PGS của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ có sự tham gia của cộng đồng, định kỳ đến thăm hoặc đột xuất.

Có thể nói, trong mọi quá trình cần phải có sự công khai, minh bạch. Cũng giống như việc chúng tôi triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc để trong bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng đều truy xuất được.

Ngoài ra, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ cũng khuyến cáo tất cả các hội viên không nên phát triển một cách nóng vội khi điều kiện chưa đảm bảo. Ví dụ như đất  đai, nước, vật tư đầu vào,... phân bón hữu cơ hay thuốc sinh học phải có địa chỉ rõ ràng.

Đồng thời, sản xuất NNHC phải được hiểu theo nghĩa diện rộng hơn, chẳng hạn như động vật nuôi. Nếu trong suốt quy trình từ con giống đến chăn nuôi đều đảm bảo quy chuẩn hữu cơ, nhưng đến khi giết mổ không làm theo đúng quy trình hữu cơ, nói cách khác là tính nhân đạo trong khi giết mổ thì sẽ không được chứng nhận hữu cơ. Đó là nguyên tắc chung của luật bảo vệ động vật của quốc tế, gắn với tính nhân văn của con người.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ