Samsung phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp miền Trung

Nhàđầutư
Samsung Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ, triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của miền Trung được Samsung hỗ trợ.
NGUYỄN TRI
12, Tháng 09, 2023 | 14:48

Nhàđầutư
Samsung Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ, triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của miền Trung được Samsung hỗ trợ.

Đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Sở Công Thương TP. Đà Nẵng và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Theo đó, các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách các doanh nghiệp địa phương tiềm năng cho dự án; thực hiện tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy; lựa chọn doanh nghiệp và nhân lực phù hợp tham gia dự án thông qua việc khảo sát và phỏng vấn; thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh.

Trong đó, chương trình tư vấn thiết lập nhà máy thông minh sẽ kéo dài trong 12 tuần bao gồm đào tạo lý thuyết và tư vấn trực tiếp tại mỗi doanh nghiệp.

Trong thời gian này, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

cong-nghiep-ho-tro (2)

Ký kết biên bản ghi nhớ phát triển nhà máy thông minh tại miền Trung. Ảnh: N.T

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, việc ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và TP. Đà Nẵng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện việc cam kết mở rộng hỗ trợ dự án xây dựng nhà máy thông minh tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

"Trên nền tảng triết lý kinh doanh đồng thịnh vượng, thời gian tới, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Chính phủ và các các cơ quan hữu quan của Việt Nam, mở rộng các hoạt động đào tạo công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam; đồng thời, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình phát triển trở thành các doanh nghiệp vững mạnh với năng lực cạnh tranh tiêu chuẩn toàn cầu", ông Choi Joo Ho nói thêm.

Chương trình ký kết phát triển nhà máy thông minh tại miền Trung là hoạt động tiếp nối dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam do Samsung hỗ trợ thực hiện sau khi triển khai ở miền Bắc và miền Nam.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của miền Trung được hỗ trợ trong dự án này. Dự án sẽ giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng thông qua việc tư vấn thiết lập nhà máy thông minh và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, từ đó, giúp các công ty Việt Nam đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước khi triển khai tại khu vực miền Trung, từ năm 2022, dự án phát triển nhà máy thông minh đã được triển khai tại 5 tỉnh thành khu vực phía Bắc, 4 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Từ đó, góp phần hỗ trợ đào tạo 87 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam, ngoài ra còn tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 38 doanh nghiệp trên cả nước.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam.

Nhờ những chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam thông tin, năm 2022, có khoảng hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành dệt - may, da - giày, doanh thu sản xuất, kinh doanh hơn 1 triệu tỷ đồng (đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo).

cong-nghiep-ho-tro (1)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (giữa) tham quan các gian hàng tại Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo năm 2023 tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: N.T

Các doanh nghiệp tập trung phần lớn tại đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Về lĩnh vực hoạt động, ngành cơ khí và dệt may, da giày có số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn so với các ngành khác. Xét về quy mô, 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có 300 lao động trở xuống). 

"Theo các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ còn ít, trình độ chỉ ở mức trung bình, thậm chí còn thấp và lạc hậu so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới", ông Hào cho hay. 

Ông Hào còn nhìn nhận, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú về chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành cao...

Hiện, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như: điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy... hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ đi kèm, nên phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất còn manh mún, bị động, chi phí cao.

"Nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng xuất khẩu", ông Hào nhấn mạnh.

Cùng với đó, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với tỷ trọng thấp vì vẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước.

Điều này dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam thập, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các ngành này hạn chè...

Ngày 12/9, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo năm 2023.

Diễn ra từ 12 - 14/9, Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng 2023 thu hút sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp trong nước và quốc tế với quy mô hơn 160 gian hàng, trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo thuộc các lĩnh vực: cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, dệt may và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác mở rộng theo chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP. Đà Nẵng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ