Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, hư hỏng hơn 50%?

Nhàđầutư
"Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn", đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân bày tỏ.
13, Tháng 11, 2019 | 15:46

Nhàđầutư
"Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn", đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân bày tỏ.

Cả ngày hôm nay (13/11), Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Ông cho biết trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra hơn 13 nghìn vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6 nghìn 500 tỷ đồng và 6.000 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631 tỷ đồng và 1.600 ha rừng. Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60%.

Bao nhiêu cán bộ bị mất chức khi để xảy ra cháy nổ?

Góp ý cho báo cáo, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) nhận định mùa hè năm 2019 thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ở nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền Trung kéo dài và đạt mức kỷ lục. Nhưng nếu như những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.

Theo nữ đại biểu, nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật.

cao-thi-xuan

Đại biểu Cao Thị Xuân.

"Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì lại phải vào tù, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân", đại biểu Xuân nói.

Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng phân tích về nguyên nhân chủ quan thì không chỉ vấn đề tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, yếu kém mà một vấn đề rất quan trọng là đảm bảo thực thi pháp luật phòng cháy, chữa cháy hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh.

Báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ rõ, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy cơ cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018 cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

"Vậy, tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này. Đặc biệt, với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định", bà Cao Thị Xuân nói.

Cũng theo đại biểu Xuân, hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều hecta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi.

"Nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy", đại biểu Xuân đặt câu hỏi và cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra.

"Đi đêm" trong phòng cháy chữa cháy là tội ác

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng nếu thảm kịch 39 người chết trong xe container làm cả thế giới rung động, bàng hoàng thì thưa Quốc hội, thảm cảnh chết do cháy còn gấp đôi số đó, chưa kể số người bị thương gấp 5 lần. Hơn 1 năm kể từ sau thảm kịch Carina dù nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng trong tâm trí những người lính cứu hỏa và người dân nơi đây mọi thứ như mới hôm qua.

Nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa, điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp, vậy nhưng phòng, cháy chữa cháy đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót.

Từ báo cáo giám sát cho thấy nhân lực và vật lực phòng, cháy chữa cháy đều không đạt cả về chất lẫn về lượng. Đội văn phòng cho công tác này chỉ đạt 23%, lực lượng ở cơ sở và chuyên ngành cũng chỉ hơn 60%.

Nhân lực ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, khó bố trí nhân sự trong lực lượng chuyên ngành. Phương châm 4 tại chỗ không ngoài mục đích "nước xa không cứu được lửa gần". Tuy nhiên, thực trạng trên có phải phần nào lý giải cho nguyên nhân vì sao chỉ có khoảng 26% số vụ hỏa hoạn được dập tắt bởi lực lượng tại chỗ.

"Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn", vị đại biểu Bình Dương bày tỏ.

pham-trong-nhan

Đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Ông dẫn chứng, Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại có 522 trụ không sử dụng được. Khánh Hòa thiếu 3.559 trụ, Hải Phòng 3.500 trụ. Đáng ngại hơn, hệ thống thiết bị phòng, cháy chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến không hoạt động mà vụ cháy chung cư Carina là một điển hình. Công tác kiểm tra chung cư được tiến hành 21 lần trong 5 năm, tuy nhiên khi cháy xảy ra thì hệ thống chuông báo cháy không hoạt động.

Đại biểu Nhân cho rằng thực trạng trên có xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm và nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm thì khác gì sự khinh nhờn luật pháp.

"Có hay không sự du di, thỏa hiệp, "đi đêm" giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình. Nếu có thì đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nó khác gì tội ác, cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp. Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao?", đại biểu Bình Dương nhấn mạnh.

Vị đại biểu cũng nhìn nhận cái cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức phòng cháy hơn chữa cháy để không còn tái diễn những thảm kịch, không còn nỗi ám ảnh bởi tiếng còi cứu hỏa và những cái chết oan ức, thương tâm như trong thời gian qua.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ