Quảng Nam đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới

Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 đã định hướng đến năm 2045 sẽ phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
THÀNH VÂN
01, Tháng 09, 2023 | 17:38

Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 đã định hướng đến năm 2045 sẽ phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Thu hút doanh nghiệp tham gia

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, trên địa bàn Tỉnh diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định khoảng 15.567ha. Tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích bảo tồn phát triển cây Sâm Ngọc Linh, đặc biệt có nhiều chương trình, dự án đã và đang thực hiện đã góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển và tiêu thụ sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh.

Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất cây dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng. Thời gian qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, đáng chú ý đã thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Bà Hồ Thị Thúy Ngân, Giám đốc Công ty CP Lâm Dược Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện đơn vị đang trồng khoảng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Đồng thời, công ty cũng nghiên cứu phát triển các sản phẩm sâu từ sâm Ngọc Linh như rượu, mật ong...

"Các sản phẩm của công ty được huyện và tỉnh hỗ trợ rất tốt trong việc xúc tiến thương mại, tuy nhiên do sản phẩm vẫn còn hạn chế nên gặp khó khăn khi ra thị trường. Chúng tôi dự kiến mở nhà máy sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, và nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm từ sâm như trà, bánh gạo lứt… Dự án đã được huyền Nam Trà My cấp chủ trương đầu tư, đang thực hiện các thủ tục tiếp theo", bà Ngân chia sẻ.

nong-san-2

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng huyện Nam Trà My. Ảnh: T.V.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, để thúc đẩy hơn nữa giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh mang lại cho địa phương, huyện Nam Trà My chủ trương thu hút các doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng đang hấp dẫn ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới khảo sát và tìm kiếm cơ hội làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh. Hiện trên địa bàn huyện có 18 doanh nghiệp đã tham gia trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh và 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu.

"Huyện rất mong muốn có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu như một giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho cây sâm Ngọc Linh, giúp lan tỏa giá trị của cây sâm Việt Nam không chỉ ở thị trường trong nước mà ra thế giới. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung", ông Dũng nói và cho biết thêm, hiện nay đã có một số sản phẩm được chế biến từ cây sâm Ngọc Linh nhưng chưa nhiều, khâu phân phối chưa đa dạng hình thức nên giá trị của cây sâm Ngọc Linh bản địa Nam Trà My vẫn chưa được biết tới nhiều.

Đưa quốc bảo vươn khơi

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/ năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Chương trình định hướng đến năm 2045 sẽ phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp có năng lực (về tài chính, khoa học, nhân lực…) để đầu tư thu mua chế biến qua nhiều loại sản phẩm. Hiện các sản phẩm từ sâm cũng khá đa dạng và đã đưa vào chế biến sâu.

"Thời gian tới, về lĩnh vực chế biến, tỉnh tham mưu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng đề án hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, cây dẫn dắt. Việc này sẽ tạo ra cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các loại sản phẩm và các sản phẩm phù hợp với thị trường, nhu cầu cũng như năng lực tiếp cận của các thành phần xã hội. Từ đó, tạo ra cơ sở để hình thành nên chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giúp sâm Ngọc Linh sẽ phát triển tốt hơn, từng bước vươn ra thế giới", ông Út thông tin.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, thời gian qua, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000ha tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My, và có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.

"Trong thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm. Phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các các sản phẩm sâm Ngọc Linh; tuyên truyền, hướng dẫn, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh. Quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My thật sự trở thành "Thủ phủ sâm Ngọc Linh", trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia", Bí thư Quảng Nam khẳng định. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ