Phó Thủ tướng: Cần 2 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông đến 2030

Nhàđầutư
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho giai đoạn 2021-2030 sẽ vào khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng (khoảng 70-90 tỷ USD).
THẮNG QUANG
06, Tháng 06, 2019 | 00:05

Nhàđầutư
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho giai đoạn 2021-2030 sẽ vào khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng (khoảng 70-90 tỷ USD).

Chiều 5/6, phát biểu làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu Quốc hội chất vấn về lĩnh vực giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay ngành giao thông nổi lên một số vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, như: đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém...

Không để xảy ra như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Phó Thủ tướng nhận định còn nhiều hạn chế, bất cập, được nhiều vị đại biểu Quốc hội chất vấn và có ý kiến trong các phiên thảo luận kinh tế - xã hội. Theo đó, hệ thống hạ tầng giao thông chất lượng còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần phải giải quyết. Về đường bộ, có 295.000 km nhưng mới chỉ có 977 km đường cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Hệ thống đường sắt Việt Nam được xây dựng cách đây cả trăm năm rất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu an toàn. Hệ thống sân bay cảng biển đã có bước phát triển, nhưng tình trạng quá tải tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang gia tăng. Giao thông đường thuỷ nội địa chưa được khai thác hiệu quả...

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình ngành giao thông chỉ rõ như như tình trạng tăng vốn, đội vốn ở những công trình trọng điểm. Nhiều công trình chậm tiến độ; chất lượng công trình thấp.

trinh-dinh-dung

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Việc quản lý đầu tư vận hành khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Nhiều lo ngại về lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực, công tác quản lý xe vận tải còn nhiều lúng túng. Đặc biệt, với xe hợp đồng điện tử hay tình trạng trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp cả trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hay hàng không.

Để khắc phục tình trạng này, ông Trịnh Đình Dũng cho rằng phải đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, cũng như các dự án đang dở dang, các dự án đối tác công - tư. Trong đó, đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam và sân bay Tân Sơn Nhất.

"Quan điểm của Thủ tướng là phải lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, có uy tín được kiểm chứng. Không để xảy ra tình trạng đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời cần tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, sớm đưa vào vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. "Đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp các tuyến vận tải thuỷ nội địa đã có vốn (như tuyến kênh Chợ Gạo). Đây là nút thắt của đồng bằng sông Cửu Long, đã được Thủ tướng đề nghị Quốc hội bố trí vốn, trước mắt là 500 tỷ đồng", ông Trịnh Đình Dũng nói.

Ông cũng cho rằng cần tập trung giải quyết những tồn tại bất cập trong các dự án BOT giao thông bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Kiên quyết không đầu tư các dự án mới tại các tuyến độc đạo.

Cần 2 triệu tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông đến 2030

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu rà soát lại các quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông, xác định nút thắt lớn để có kế hoạch đầu tư xây dựng. Cùng với đó, Chính phủ sớm hoàn thiện chiến lược, kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, 2030.

Theo ông, tất cả các dự án chưa được bố trí vốn trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 thậm chí 2030 trừ trường hợp huy động được vốn xã hội hóa.

Trong bối cảnh hạn chế nguồn lực, sẽ tập trung lựa chọn những dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020 (ngoài những dự án mà Quốc hội đề nghị đầu tư để phát triển các vùng kinh tế như ý kiến một số vị đại biểu Quốc hội nêu như: QL62, đường tránh TP. Cà Mau, TP. An Giang…).

Đối với lĩnh vực đường bộ, phải xây dựng được khoảng 3.000 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc Việt Nam đến 2020 là 2.000 km và 2030 là 5.000 km (trên quy hoạch là 6.500 km).

khai-mac-qh-01

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 còn một buổi vào sáng mai (6/6).

Cùng với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, sẽ ưu tiên đầu tư một số đoạn của tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Nha Trang, TP. HCM - Cần Thơ nếu có đủ điều kiện.

Ngành GTVT cần được bố trí vốn để nâng cấp cải tạo các tuyến giao thông hiện có, tập trung đầu tư các đoạn kết nối đồng bộ các loại hình giao thông với các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển.  

Về nguồn lực, Phó Thủ tướng thông tin, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2030 sẽ khoảng 1,5-2, triệu tỷ đồng (khoảng 70-90 tỷ USD). Ông nói thêm: "Trên cơ nguồn lực cụ thể sẽ cân đối các nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động xã hội. Phải xác định rõ các công trình dùng vốn ngân sách, các công trình dùng vốn ODA, các công trình dùng vốn xã hội, hoặc vốn hỗn hợp".

Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã đề nghị tách kinh phí làm công tác chuẩn bị đầu tư thành một gói riêng, không chung trong dự án. Muốn thực hiện được, nội dung này cần phải được đưa vào Luật Đầu tư công sửa đổi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ