Phó Thống đốc: ‘NHNN sẵn sàng can thiệp tỷ giá ngay hôm nay’

Nhàđầutư
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu cần thiết, ngay từ hôm nay NHNN bật chế độ sẵn sàng can thiệp tỷ giá ngoại tệ khi có biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
ĐÌNH VŨ
19, Tháng 04, 2024 | 12:47

Nhàđầutư
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu cần thiết, ngay từ hôm nay NHNN bật chế độ sẵn sàng can thiệp tỷ giá ngoại tệ khi có biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

BMT_0852

Phó Thống đốc: 'NHNN sẵn sàng can thiệp tỷ giá ngay hôm nay'. Ảnh: SBV

Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024.

Phát biểu tại họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách tiền tệ đã gặp khó khăn, vướng mắc ngay từ quý I do chịu tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, cũng như các vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Theo đó, những vấn đề nhìn thấy rõ nhất là 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chậm, có thời điểm cuối tháng tăng trưởng tín dụng âm. Cùng với đó, thị trường vàng, ngoại tệ cũng có những biến động mang tính đột xuất.

Riêng về vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, mức độ mất giá VND so với USD tính đến thời điểm hiện tại đã là 4,9% so với đầu năm. Đây là mức rất đang được quan tâm. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, VND mất giá không quá lớn. Các đồng nội tệ của các nước trong khu vực so với USD  đến thời điểm hiện tại: Đô la Đài loan mất giá là 5,96%; Đồng Bạt Thái mất giá 7,13%; Yen Nhật mất giá 9,69%; Đồng Won Hàn Quốc mất giá 7,71%; Đồng Ringgit Malaysia mất giá 4,36%. Kể cả những đồng tiền mạnh như: EURO mất giá 3,88%; Franc Thuỵ Sỹ mất giá 8,2%.

"Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam là linh hoạt, ổn định nhưng không cố định, lên xuống phù hợp, tránh tác động mạnh của thế giới, giảm chấn tác động lên xuất nhập khẩu, tạo cân đối hài hoà. Chúng tối sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá tiếp tục có tác động bất lợi, kể cả ngay từ hôm nay. Với dự trữ ngoại hối hiện nay và nguồn lực được bổ sung từ năm 2023, chúng tôi đảm bảo vai trò quản lý nhà nước với tỷ giá, đảm mục tiêu ổn định với tỷ giá thời gian tới", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn nguyên nhân tỷ giá tăng mạnh thời gian gần đây, Phó Thống đốc cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do kỳ vọng FED giảm lãi suất chưa thực hiện được, thậm chí lạm phát Mỹ tiếp tục cao, dữ liệu việc làm tích cực. Điều này làm tâm lý thị trường đảo chiều, cộng với căng thẳng địa chính trị làm đồng USD quốc tế đã tăng giá 5% so với đầu năm.

"Đồng USD tăng giá 5% là mức rất lớn đối với các đồng ngoại tệ mạnh. Với VND, mức mất giá 4,9% khi đưa vào các đại lượng để tính toán là mức mất giá rất thấp so với mức tăng 5% của USD so với các đồng tiền chủ chốt", Phó Thống đốc chia sẻ.

Nguyên nhân tiếp theo, là do việc lãi suất VND duy trì ở mức thấp. Điều này cũng có mối quan hệ với lãi suất ngoại tệ. Hiện nay trên thị trường liên ngân hàng lãi suất VND âm so với USD nên ảnh hưởng tới tâm lý của các NHTM, thị trường, điều này cũng đẩy tỷ giá lên. 

Nguyên nhân nữa là nhu cầu ngoại tệ đảm bảo phục vụ xuất nhập khẩu trong bối cảnh xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt cũng gây áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, tỷ giá còn chịu tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư, kỳ vọng của thị trường vào việc tỷ giá tiếp tục tăng.

"Nếu cần thiết, ngay từ hôm nay NHNN đã bật chế độ sẵn sàng can thiệp tỷ giá ngoại tệ khi có biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Còn biến động vẫn phù hợp với biến động thế giới thì vẫn duy trì điều hành thông qua tỷ giá trung tâm, giám sát chặt hoạt động ngoại tệ của NHTM, trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Giải pháp cụ thể về tỷ giá?

Chia sẻ cụ thể hơn về các biện pháp của NHNN với tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, chỉ số USD đã tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm gây áp lực lớn với các đồng tiền trên thế giới.

Với mức độ biến động mạnh của USD, nhiều nước chọn thả nổi đồng tiền. Một số nước quản lý chặt chẽ như Trung Quốc, Malaysia đã can thiệp mạnh mẽ để tránh tỷ giá tăng quá nóng.

Với Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, NHNN theo sát tỷ giá USD và đã có biện pháp giải toả áp lực với tỷ giá trên thị trường tiền tệ.

Theo đó, từ tháng 3 khi đồng USD tăng nhanh, NHNN đã nhanh chóng trung hoà lượng VND trên thị trường, giảm bớt áp lực tỷ giá thông qua phát hành tín phiếu, để USD biến động trong ngưỡng cho phép.

Gần đây, khi tỷ giá tăng nhanh do ảnh hưởng từ nhu cầu ngoại tệ do nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, sắt thép, tạo áp lực trên thị trường ngoại tệ. Doanh nghiệp đảm bảo phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã tăng mua ngoại tệ kỳ hạn nên cầu ngoại tệ tương lai chuyển về hiện tại, cũng gây áp lực với tỷ giá. NHNN đã khơi thông thị trường bằng nhiều biện pháp.

"Song song với phát hành tín phiếu, NHNN đã có biện pháp mạnh mẽ hơn, trong ngày hôm nay website chính thưc của NHNN đã công bố công khai phương án can thiệp ngoại tệ thông qua bán ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để cân bằng ngoại tệ về bằng 0. Ngay sau khi thông tin được công bố, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường đã về dưới mức bán ra của NHNN", ông Quang nói.

Về định hướng thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo sát để có giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo ổn định lạm phát.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ