Phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có nhiều dư địa để phát triển tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường này đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn, cần được sớm lành mạnh hoá, khơi thông để hiện thực hoá tiềm năng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
VŨ PHẠM
02, Tháng 05, 2023 | 08:05

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có nhiều dư địa để phát triển tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường này đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn, cần được sớm lành mạnh hoá, khơi thông để hiện thực hoá tiềm năng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

tai-chinh-tieu-dung

Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường TCTD giàu tiềm năng. Ảnh: Trọng Hiếu

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành, Khối dịch vụ nghiên cứu và Tư vấn FiinGroup cho biết, thị trường TCTD bao gồm kênh tín dụng chính thức (được cung cấp bởi ngân hàng và công ty tài chính được NHNN cấp phép) và phi chính thức (các hình thức cho vay bất hợp pháp khác).

Hiện nay, các tổ chức TCTD chính thức có cơ chế kiểm soát lãi suất cho vay tiêu dùng và không thu thêm bất kỳ khoản phí nào khác. Nhưng, thị trường đang thiếu cơ chế kiểm soát trần lãi suất cho vay và các loại phí kèm theo đối với tổ chức TCTD phi chính thức.

Các tổ chức TCTD phi chính thức chỉ kiểm soát trần lãi suất cho vay tối đa 20% (quy định trong Bộ luật Dân sự 2015) nhưng lại không hạn chế về các phí dịch vụ. Kéo theo lãi suất thực tế người vay phải trả lên đến vài chục, vài trăm %.

Chính vì vậy, ông Đồng cho rằng, cần ban hành quy định cụ thể về trần lãi suất cho vay và các loại phí dịch vụ kèm theo của tổ chức phi chính thức. Xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại). Đặc biệt, cần công khai các hình thức đòi nợ hợp pháp, các hành vi đòi nợ bị cấm và chế tài xử phạt nặng nếu vi phạm...

Đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và phân biệt được đâu là các kênh tín dụng tiêu dùng chính thức và đâu là các kênh phi chính thức. Từ đó giúp cho người dân tránh xa các kênh vay mượn có độ rủi ro cao.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm CLB TCTD, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đưa ra một số kiến nghị và đề xuất.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp. Tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, kiến nghị NHNN hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với TCTD. Tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ.

Đẩy mạnh truyền thông danh sách các công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động, quản lý, để khách hàng hiểu và không đánh đồng với các công ty cho vay tiền qua app (ứng dụng), tín dụng đen…

Thứ ba, kiến nghị Bộ Công an triển khai các hoạt động kiểm tra, khám xét (nếu có) theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công ty tài chính được NHNN cấp phép. Cần thông tin về tính chất của các cuộc kiểm tra hành chính, tránh gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động tại các công ty tài chính hoạt động theo quy định của pháp luật.

Xem xét, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp việc thẩm định, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình xét cấp tín dụng được đầy đủ, chính xác và tiết kiệm nguồn lực.

Thứ tư, kiến nghị Bộ TT&TT định hướng dư luận, tuyên truyền, phổ biến để người dân yên tâm, tiếp cận TCTD từ các nguồn tín dụng chính thức, qua đó phòng tránh được nạn tín dụng đen.

Thứ năm, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ công ty tài chính trong công tác thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tốt hơn nữa trong việc cung cấp tín dụng cho người dân, đặc biệt là người yếu thế trong xã hội.

Cuối cùng, các công ty tài chính cần nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, đảm bảo nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của pháp luật, tránh để xảy ra những hiểu lầm, đánh đồng về hoạt động của công ty tài chính với các tổ chức cho vay phi pháp, từ đó, xây dựng lòng tin, ý thức trách nhiệm từ phía khách hàng.

Cần có chế tài cho người đi vay

Nói về TCTD, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON đánh giá, TCTD rất quan trọng trong đời sống với người yếu thế. Việc thúc đẩy thị trường TCTD là định hướng đúng đắn của Chính phủ, NHNN để đẩy lùi tín dụng đen.

Tuy nhiên, theo ông Đức, người đi vay cũng cần phải có hành lang pháp lý, có trách nhiệm với khoản nợ của mình.

Hiện nay, ngoài CIC (chỉ số đánh giá độ uy tín của khách hàng trong lịch sử vay vốn ở các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính) hoặc khởi kiện, thì nên có các có chế tài khác. Ví dụ có thông tin CIC tích hợp với CCCD để giảm điểm uy tín của công dân với hành vi vay mà không trả nợ.

Đồng quan điểm, bà Olena Khlon, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) chia sẻ, với người không trả nợ, có thể cấm không được đi du lịch, không được sử dụng dịch vụ công hoặc có thể không được vay thêm, không thể thăng tiến trong công việc… Để làm được điều này, cần phải có nền tảng số hóa, tức là thông tin, dữ liệu người dân có sẵn và cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng.

Về kiến nghị cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu dân cư để lành mạnh hóa cho thị trường TCTD, Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, ngày 24/4, NHNN và Bộ Công an đã ký cam kết để liên kết thông dữ liệu với ngành ngân hàng, tập trung kết nối khai thác dữ liệu dân cư, phục vụ phòng chống rửa tiền, ứng dụng thẻ CCCD gắn chip, định danh điện tử, dữ liệu trực tuyến phục vụ ngân hàng, tích xanh tài khoản khách hàng…

Bên cạnh đó, có thể cung cấp dữ liệu dân cư, khách hàng với một vùng, xã, tỉnh để hoạch định chính sách phát triển; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân phục vụ các tổ chức tín dụng ngân hàng. Bộ Công an cũng đang hoàn thiện hệ thống và khung pháp lý để cung cấp chấm điểm tín dụng, trước tiên là các đối tượng yếu thế trước, sau đó là toàn bộ khách hàng.

Hiện, Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn không cho phép các tổ chức tài chính, ngân hàng kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy chưa phù hợp nên đang đề xuất sửa luật để cung cấp dữ liệu điện tử với ngân hàng, tổ chức tín dụng, kết nối cơ sở dữu liệu dân cư theo hình thức ngoại tuyến (offline).

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ, triển khai thí điểm cập nhật thêm số định danh cho các tổ chức tài chính. Đối với công ty cho vay tiêu dùng đang phối hợp với NHNN triển khai thí điểm các phương án xác minh danh tính khách hàng vay và hoạt động thu hồi nợ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ