Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022

Tăng mức lương tối thiểu vùng, quy định mới về hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy, cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp, dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí,... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022.
NGUYỄN HƯƠNG
01, Tháng 07, 2022 | 05:39

Tăng mức lương tối thiểu vùng, quy định mới về hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy, cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp, dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí,... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2022.

Tăng mức lương tối thiểu vùng

ath-0654

Mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ tăng từ ngày 1/7/2022 theo quy định của Nghị định 38/2022. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo Nghị định 38/2022 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

- Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (Hiện nay là 4.420.000 đồng/tháng)

- Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.920.000 đồng/tháng)

- Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.430.000 đồng/tháng)

- Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (Hiện nay là 3.070.000 đồng/tháng)

Ngoài ra, còn bổ sung quy định về lương tối thiểu vùng theo giờ, cụ thể:

+ Vùng I: 22.500 đồng/giờ;

+ Vùng II: 20.000 đồng/giờ;

+ Vùng III: 17.500 đồng/giờ;

+ Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Nhà thầu xây dựng phải mua bảo hiểm cho bên thứ ba

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2022 sửa đổi Nghị định 119/2015 về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng là trách nhiệm mua bảo hiểm của nhà thầu xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Theo đó, từ ngày 1/7, nhà thầu thi công xây dựng ngoài việc phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường như trước đây, còn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là 100 triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:

- Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 tỉ đồng, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

- Đối với công trình có giá trị từ 1.000 tỉ đồng trở lên, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) là 100 tỉ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.

Hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy 

Trước ngày 1/7/2022: Chỉ bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).

Đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (Khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).

vcb-1513

Từ 1/7/2022 bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp. Ảnh: Vietcombank.

Từ 1/7/2022: Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...

Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biệt nêu trên thì từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không được sử dụng hóa đơn giấy mà bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Dừng hỗ trợ mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 

Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Đến ngày 1/7/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ.

Cụ thể, theo Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2022 được xác định như sau:

Doanh nghiệp đủ điều kiện được đóng với mức thấp: Đóng 0,3%.

Doanh nghiệp còn lại: Đóng 0,5%.

Điều chỉnh lại mức thu của hàng loạt phí, lệ phí

Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định về mức thu của một số khoản phí, lệ phí áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

Thông tư này đã tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, đồng thời gia hạn thời gian được giảm mức thu của 34 khoản phí khác, nâng tổng số khoản phí, lệ phí được giảm từ 34 lên 37.

Điển hình có thể kể đến các khoản sau: Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, lệ phí cấp hộ chiếu, phí sử dụng đường bộ, phí cấp giấy đăng kiểm,…

Các khoản lệ phí này được giảm từ 10 - 50% so với quy trước đó, áp dụng đến hết ngày 30/6/2022. Sang đến ngày 1/7/2022, 37 khoản phí, lệ phí này sẽ trở lại mức thu theo quy định trước đó.

Quy định về xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái

thaco-1418-1023-0822

Chính phủ khuyến khích đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp. Ảnh: Nhadautu.

Đây là nội dung tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Cụ thể, Chính phủ khuyến khích đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Đồng thời, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái:

+ Đăng ký ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp;

+ Dự kiến mức phát thải cho từng ngành, nghề;

+ Dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh tại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp;

+ Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong vòng 8 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện.

- Được cấp có thẩm quyền quy định loại hình KCN sinh thái trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để làm căn cứ kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018.

Cập nhật chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử

Thông tư 10/2022/TT-BCT ban hành ngày 1/6/2022 sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, C/O mẫu D điện tử (mẫu mới) được ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT.

Còn C/O mẫu D theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT (mẫu cũ) được cấp đến hết ngày 31/10/2022 và được cơ quan hải quan chấp nhận trong thời hạn quy định tại Điều 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 19/2020/TT-BCT.

Như vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến hết ngày 31/10/2022, cơ quan hải quan chấp nhận đồng thời C/O mẫu D mẫu cũ và C/O mẫu D mới.

Từ ngày 1/11/2022, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận C/O mẫu D (mẫu mới).

Ngoài ra, Thông tư 10/2022/TT-BCT cũng hướng dẫn cụ thể về chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tại Điều 12 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2022/TT-BCT) sau thời gian thực hiện thí điểm theo Thông tư 22/2016/TT-BCT.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/7/2022

Giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ học phí đến 25.000 USD/năm

112-1939

Giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ học phí đến 25.000 USD/năm là cơ chế theo quy định của Thông tư 30/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 20/7/2022. Ảnh: Trọng Hiếu.

Từ 20/7/2022 Thông tư 30/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ giáo dục đại học chính thức có hiệu lực.

Cụ thể, người được cử đi học tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ các khoản sau:

- Học phí và các khoản liên quan đến học phí tối đa không quá 25.000 USD/năm học

- Chi phí làm hộ chiếu, visa

- Sinh hoạt phí gồm: Tiền ăn, ở, đi lại, tiền tài liệu và đồ dùng học tập theo thời gian học thực tế.

- Bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của nước sở tại nhưng tối đa không quá 1.000 USD/năm.

- Tiền vé máy bay đi và về, chí phí đi đường...

Người được cử đi học tiến sĩ toàn thời gian ở trong nước sẽ được hỗ trợ:

- Học phí.

- Kinh phí thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước với mức hỗ trợ từ 13 - 20 triệu đồng/năm...

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ