Nhập khẩu thịt lợn: Người chăn nuôi lo nhập ồ ạt, mất cơ hội gỡ gạc

Sau khi biết thông tin Chính phủ có chủ trương cho nhập khẩu thịt lợn để bù lượng thịt bị thiếu hụt trong nước do dịch tả lợn châu Phi, nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn ở các tỉnh thành vô cùng lo lắng.
TRẦN QUANG
27, Tháng 11, 2019 | 12:15

Sau khi biết thông tin Chính phủ có chủ trương cho nhập khẩu thịt lợn để bù lượng thịt bị thiếu hụt trong nước do dịch tả lợn châu Phi, nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn ở các tỉnh thành vô cùng lo lắng.

Bà con cho rằng, nếu nhập khẩu thêm thịt lợn vào lúc này sẽ khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, lo nhất là các doanh nghiệp sẽ nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tới thị trường.

Lo nhập khẩu ồ ạt, không tính tới người chăn nuôi trong nước

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ ở Ứng Hòa (Hà Nội) tỏ ra rất lo lắng khi biết được thông tin Chính phủ mới đây đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu phương án cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để bù lại sự thiếu hụt mặt hàng này do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

"Suốt 3 năm qua, người chăn nuôi lợn trong nước đã phải trải qua 3-4 đợt khủng hoảng cả về giá cả lẫn dịch bệnh. Thất bại liên tiếp khiến nhiều người bị thua lỗ nặng nề, phá sản. Giờ giá lợn hơi tăng cao, một số hộ còn cầm cự được mới có cơ hội vực dậy, thu hồi vốn thì nhà nước lại cho nhập thịt. Nếu nhập về ồ ạt, chắc chắn giá sẽ giảm mạnh, người chăn nuôi mất cơ hội gỡ gạc", ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết thêm, theo các thông tin từ cơ quan chuyên môn, hiện giá heo hơi hôm nay đang tăng cao, xấp xỉ 80.000 đồng/kg nhưng thực tế không như vậy, đó chỉ là giá heo hơi "ảo", do thương lái đẩy giá và nếu có cũng chỉ cá biệt ở một số nơi chứ không phải giá phổ biến. 

"Là một trong số ít trang trại ở địa phương còn cầm cự được cho đến thời điểm này, hiện chuồng trại của tôi đang nuôi hơn 2.000 heo nái và 18.000 con heo thương phẩm, vừa rồi có đàn được xuất chuồng, gọi thương lái vào mua giá 68.000 đồng/kg lợn hơi mà họ còn từ chối, nói gì đến việc bán được giá cao hơn", ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, dù có đơn vị, hay cơ quan chuyên môn nào đó dự đoán từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ thiếu thịt lợn nghiêm trọng, dẫn đến giá mặt hàng này sẽ tăng cao và tình trạng này sẽ kéo dài, tuy nhiên ông tin rằng thời gian tới, giá heo hơi sẽ ổn định dần. 

"HIện nay dịch tả lợn châu Phi đã giảm dần, đàn lợn trong dân bị thiệt hại chủ yếu ở các nông hộ nhỏ lẻ; còn các trang trại lớn vẫn còn nhiều do chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, ở một số nơi, bà con đã tái đàn trở lại nên sắp tới sẽ không có tình trạng khan hiếm thịt lợn như dự báo và chúng ta sẽ vẫn đảm bảo được lượng thịt cung cấp cho bà con tiêu dùng từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020", ông Thanh khẳng định.

Viet-Nam-cho-nhap-thit-lon-nhieu-chu-trang-trai-phan-doi-quyet-liet-2-1574776081-width800height533

Công nhân kiểm tra sức khỏe đàn lợn nái thông qua các tờ nhật ký chăn nuôi treo trên các ô chuồng trong trang trại của HTX Hòa Mỹ. Ảnh: Trần Quang

Tích cực hỗ trợ người chăn nuôi

Hiến kế cho Chính phủ bình ổn thị trường thịt lợn và giúp người dân chăn nuôi sớm vực dậy, ông Thanh cho rằng: "Cần tính toán lượng nhập khẩu chặt chẽ và phù hợp, bên cạnh đó, Chính phủ cần tích cực hơn trong việc xử lý và ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn nhanh ở những nơi hết dịch để bà con khôi phục sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho thị trường".

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các ngân hàng có giải pháp khoanh, giãn nợ cho người chăn nuôi và tiếp tục cho các đối tượng này vay vốn để tái đầu tư. Có như vậy, bà con mới có cơ hội làm lại, thu hồi vốn và trả được nợ cũ.

Theo ông Thanh, sau 3 năm trải qua liên tiếp các "đại nạn", đến giờ ở huyện Ứng Hòa ước tính có đến 90% số trang trại chăn nuôi lợn bị phá sản, số hộ thua lỗ, nợ nần tiền tỷ, hàng trăm triệu đồng nhiều vô kể. "Nếu các ngân hàng không tiếp tục hỗ trợ vốn thì bà con sẽ mãi mãi không có cơ hội thu hồi vốn, trả nợ. Và các đối tượng này sẽ lâm vào đường cùng, không lối thoát", ông Thanh nói thêm.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về thực trạng nhập lậu lợn gây ảnh hưởng đến thị trường, người chăn nuôi trong nước, ông Thanh cho biết, hiện có tình trạng nhập lậu (có ngày hàng trăm xe chở lợn vào Việt Nam từ biên giới Campuchia) và các thương lái cho biết, lượng xe bị các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý rất ít, không đúng thực tế.

Viet-Nam-cho-nhap-thit-lon-nhieu-chu-trang-trai-phan-doi-quyet-liet-3-1574776081-width800height533

Hiện HTX Hòa Mỹ đang duy trì đàn lợn nái trên 2.000 con và 18.000 con lợn thương phẩm

"Hiện nay các nước này cũng đang bị dịch bệnh rất nghiêm trọng, nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm sẽ khiến cho việc kiểm soát, ngăn chặn dịch tả trong nước ngày càng khó khăn hơn", ông Thanh tiết lộ.

Đồng quan điểm với ông Thanh, nhiều chủ trang trại khác cũng tỏ ra lo lắng khi Chính phủ cho nhập khẩu thịt lợn.

"Việc giá lợn hơi và giá thịt lợn tăng cao lúc này cũng chưa chắc sẽ giữ được lâu mà dù có giữ được khoảng 1 tháng tới thì người chăn nuôi trong nước cũng chưa chắc đã thu hồi được vốn. Vậy nên rất mong Chính phủ, các bộ, ngành, người tiêu dùng chia sẻ gánh nặng với người chăn nuôi, để chúng tôi có cơ hội làm lại từ đầu", ông Phạm Văn Minh, chủ một trang trại lợn quy mô lớn ở Hà Nam nói.

Ông Phạm Văn Minh cũng cho biết, ông rất mong người dân, người tiêu dùng thịt lợn tại các tỉnh, thành cùng chia sẻ và hiểu cho nỗi khổ của người chăn nuôi trong suốt 3 năm qua để có sự ứng biến phù hợp. 

"Giờ giá thịt lợn tăng cao, bà con có thể ăn ít đi và tăng sử dụng cá, thịt gà, thịt bò... Chúng ta là người Việt nên ưu tiên dùng hàng Việt. Chúng tôi nghĩ trong thời gian tới khi dịch bệnh giảm dần, việc tái đàn thuận lợi thì giá thịt lợn sẽ giảm xuống ở mức phù hợp", ông Minh khẳng định.

(Theo Dân Việt)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ