Nhà yến vướng quy hoạch, thanh long sang Nhật phải có bản quyền

Đó là nội dung thông tin tại 2 cuộc họp hôm qua 16/2 do các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức với 2 mặt hàng: tổ yến và thanh long.
QUANG THUẦN - CHÍ NHÂN
17, Tháng 02, 2023 | 07:37

Đó là nội dung thông tin tại 2 cuộc họp hôm qua 16/2 do các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức với 2 mặt hàng: tổ yến và thanh long.

Lúng túng kiếm tỉ USD từ tổ yến

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện sản lượng tổ yến (yến sào) của VN khoảng 150 - 200 tấn/năm, trong đó có trên 3 tấn yến đảo. Thời gian qua, tổ yến chủ yếu được xuất khẩu tiểu ngạch, thu về khoảng 200 - 300 triệu USD/năm.

Thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Với dân số 1,4 tỉ người, chỉ cần 3% dân số Trung Quốc sử dụng 1 lạng yến sào thì con số tiêu thụ đã lên đến hàng ngàn tấn.

Theo Cục Chăn nuôi, trong 2 năm qua khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng yến sào tại Trung Quốc đã tăng mạnh khiến cung không đủ cầu, đẩy giá yến sào lên rất cao. Đến năm 2030, sản lượng yến VN dự kiến đạt 350 - 400 tấn/năm, với giá trị khoảng trên 1 tỉ USD. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi. 

2-yensao03-7372-16765567543691189733830

Yến sào của VN tiềm năng rất lớn nhưng hiện tại chỉ được xuất khẩu tiểu ngạch. Quang Thuần

 
Hiện nay các cơ quan quản lý mới triển khai việc cấp mã số nhà yến, thực tế chưa có một lô hàng nào xuất khẩu chính ngạch cả. Để đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của thị trường Trung Quốc sẽ còn mất rất nhiều thời gian, phải xong các quy trình đăng ký mới có thể xuất khẩu được. Tôi cũng đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu được chính ngạch sớm nhất thôi chứ không dám khẳng định thời điểm nào trong năm nay.

Ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Phát triển tổ yến VN

Tiềm năng lớn như vậy, nhưng từ khi ký kết Nghị định thư với Trung Quốc năm 2022 đến nay, việc triển khai công tác chuẩn bị để xuất khẩu tổ yến vẫn còn đang hết sức lúng túng.

Tại tỉnh Kiên Giang, nơi có số lượng nhà yến lớn nhất cả nước, thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư trên 90%, nhiều nhà yến nằm trong khu vực nội thành, khu dân cư tập trung; gần 1/2 số nhà yến sử dụng không đúng công năng, được cải tạo, cơi nới từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến...

Trong khi đó, yêu cầu của thị trường Trung Quốc là các chỉ dẫn địa lý phải hợp pháp, nghĩa là phù hợp với quy hoạch. 

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: "Tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà yến xây dựng tự phát nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, không có hồ sơ xin phép…

Người dân lại có ý kiến so bì với việc xây dựng nhà yến trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư trước và sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Các quy định của pháp luật về thủ tục xây dựng nhà yến chưa có hướng dẫn cụ thể, biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở nuôi chim yến chưa quy định đầy đủ dẫn đến tình trạng các nhà yến xây dựng tự phát không tuân theo quy định, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý".

Ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Phát triển tổ yến VN, chia sẻ: "Qua các đợt khảo sát thị trường, làm việc với các chủ shop kinh doanh yến, khách hàng trực tiếp... tại Mỹ, Úc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga..., các sản phẩm từ tổ yến VN hầu như ai cũng biết, giá bán có thể lên đến 2.500 USD/kg.

Tuy nhiên hiện nay các cơ quan quản lý mới triển khai việc cấp mã số nhà yến, thực tế chưa có một lô hàng nào xuất khẩu chính ngạch cả.

Để đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của thị trường Trung Quốc sẽ còn mất rất nhiều thời gian, phải xong các quy trình đăng ký mới có thể xuất khẩu được. Tôi cũng đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu được chính ngạch sớm nhất thôi chứ không dám khẳng định thời điểm nào trong năm nay". 

1-xuat-khau-thanh-long-o-tien-giang-anh-cong-han-16765567543311577000479

Hoạt động xuất khẩu thanh long không bị ảnh hưởng về bản quyền thanh long ruột đỏ. Công Hân

Bản quyền không ảnh hưởng xuất khẩu thanh long

Từ giữa tháng 1 vừa qua, nhiều công ty xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản kêu cứu vì bị vướng bản quyền và không thể tiếp tục thực hiện đơn hàng.

Theo các doanh nghiệp, từ khi Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu trái thanh long ruột trắng vào năm 2009 và thanh long ruột đỏ năm 2017 thì hai loại trái cây này xuất khẩu qua Nhật Bản mà không cần mã số vùng trồng. Có nhiều giống thanh long ruột đỏ nhưng phía Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1.

Nhưng trước đó, Công ty Hoàng Phát Fruit đã mua bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LĐ1 của Viện Cây ăn quả miền Nam với thời hạn lên đến 20 năm.

Do vậy, doanh nghiệp khác muốn được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit để có chứng nhận nguồn gốc giống theo luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Việc vướng mắc về bản quyền đã gây ra tranh cãi trong vài ngày gần đây. 

Tại cuộc họp do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 16/2, bà Thoa Nguyễn, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, chia sẻ: "Vấn đề bản quyền giống LĐ1, ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nội địa, công ty sẵn sàng hỗ trợ bản quyền để xác nhận mã số vùng trồng miễn phí 5 năm. Những vùng trồng thanh long giống LĐ1 cung cấp cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc thì công ty sẽ ký bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, cao hơn thị trường từ 20 - 30%. Còn với hợp tác xã nào có sử dụng giống LĐ1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản thì Hoàng Phát sẽ hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường này, công ty sẽ thu phí bản quyền".

Sau những tranh luận, mức phí bản quyền giống được đại diện Hoàng Phát Fruit đưa ra cụ thể như sau: Sản lượng từ 5.000 - 15.000 tấn, mức phí là 30 đồng/kg; từ 20.000 - 25.000 tấn, mức phí là 20 đồng/kg; trên 25.000 tấn thì mức phí là 10 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, kết luận: "Thực hiện bản quyền là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Tôi đánh giá rất cao tinh thần xây dựng của Công ty Hoàng Phát Fruit trong việc công bố chỉ bảo hộ và thu phí ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, không thu phí ở các thị trường khác; trong khi đó thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến 90% sản lượng thanh long VN. Mức phí trên tôi thấy cũng phù hợp, có tinh thần hợp tác và có trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật, như vậy có thể gỡ vướng mắc đối với trái thanh long VN xuất sang Nhật Bản".

(Theo Thanh niên) 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ