Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu: Cần nhưng chưa đủ

Nhàđầutư
Sáng 21/6, Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV. Tuy nhiên, với các quy định khá khắt khe trong Nghị quyết, giới chuyên gia cho rằng nó mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để giải quyết nợ xấu.
NGUYỄN THOAN
22, Tháng 06, 2017 | 07:59

Nhàđầutư
Sáng 21/6, Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV. Tuy nhiên, với các quy định khá khắt khe trong Nghị quyết, giới chuyên gia cho rằng nó mới chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ để giải quyết nợ xấu.

vu-hong-thanh--2fc6b

 Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Nghị quyết

Hôm qua Quốc hội đã chính thức nhấn nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV, với số phiếu tán thành 424 phiếu, chiếm 86,35%.

Tuy nhiên, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được thông qua đã có nhiều điểm sửa đổi lớn so với bản dự thảo ban đầu của Ngân hàng nhà Nước và Chính phủ trình lên Quốc hội sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận.

Điểm khác biệt của Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với Dự thảo ban đầu

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết được thông qua có bổ sung nguyên tắc "Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu" và nguyên tắc "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật".

Đây đều là những nguyên tắc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu từ ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý cho dự thảo để làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng với việc xử lý nợ xấu.

Về phạm vi nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết này được quy định là các khoản nợ xấu hình thành trước 15/8/2017 (cùng thời điểm Nghị quyết có hiệu lực). Theo phụ lục về xác định nợ xấu: nợ xấu quy định tại Nghị quyết này bao gồm các khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Cùng với đó là quy định "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chịu trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này".

Theo đó, Nghị quyết đã lựa chọn thời điểm được cho là hợp lý nhất để đưa vào Nghị quyết sau khi tham khảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhằm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, phấn đấu đến năm 2020 đưa nợ xấu các TCTD về dưới 3%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các TCTD có thể lạm dụng các quy định của Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15/8/2017. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin Quốc hội chấp thuận cho phương án này.

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, tại điều 7 Nghị quyết quy định rõ ràng: Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu vẫn được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định.

Nghị quyết đã được thông qua, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, với những quy định "khắt khe" như trên, Nghị quyết khó có thể giải quyết được căn cơ các vấn đề của nợ xấu.

Cần nhưng chưa đủ

nguyentrihieu-ldo-pine-ghlz-1482218521669

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng 

Nhận xét về Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Nghị quyết là một bước tiến tiếp theo để giải quyết vấn đề nợ xấu, tuy nhiên nó không được như kỳ vọng và sẽ khó giải quyết rốt ráo vấn đề này.

Theo đó, ông Hiếu phân tích: Nghị quyết đã đưa được ra vấn đề rất quan trọng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu là quyền thu giữ tài sản bảo đảm, là bước tốt để cấn trừ nợ.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, những quy định như giới hạn thời gian nợ xấu được áp dụng theo Nghị định trước 15/8/2017 và nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu là bất hợp lý. 

Cụ thể, nếu giới hạn nợ xấu ở ngày 15/8/2017 thì nợ xấu ở những thời điểm tiếp theo sẽ xử lý ra sao? Trong khi nợ xấu là một phần "sinh học" tất yếu sinh ra trong quá trình hoạt động của hệ thống ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, ông Hiếu đề xuất là trong khoảng thời gian 5 năm Nghị quyết có hiệu lực, Quốc hội cần tiếp tục thông qua một luật riêng về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng.

Cùng với đó, nguyên tắc không xử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu đề cập trong Nghị quyết được ông HIếu miêu tả là: "làm tiêu cực hóa" và "quá khắt khe". Ông Hiếu phân tích: "Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập VAMC để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại cũng đồng nghĩa với việc dùng vốn ngân sách rồi. Hay việc mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng cũng là dùng vốn ngân sách để duy trì hoạt động của các ngân hàng này khi ký gửi vào các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank. Vì thế, về bản chất từ trước đến nay chỉ có thể dùng ngân sách mới giải quyết được những vấn đề lớn như nợ xấu.

"Bây giờ nói không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là phi lý. Nếu không dùng ngân sách bây giờ thì các NHTM lấy đâu tiền để xử lý nợ xấu? Nếu có thì họ đã làm từ lâu rồi, đâu đợi đến bây giờ", ông Hiếu đặt câu hỏi.

Cùng với đó, ông Hiếu cũng cho rằng, Quốc hội nên nhìn rộng hơn vấn đề sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Ở đây dùng ngân sách không phải là Chính phủ đứng ra cứu ngân hàng nào, mà là Chính phủ dùng một khoản ngân sách cụ thể để cho VAMC vay, sau đó mua nợ xấu với giá trị thực trên thị trường, sau đó khi VAMC bán lại được các khoản nợ xấu đó sẽ mang tiền về trả lại cho ngân sách.

Cùng với đó, các ngân hàng cũng được lợi vì họ được một khoản tiền tươi thóc thật để đưa vào sử dụng. Với những khoản tài sản đảm bảo bán được với giá thấp hơn giá trị của khoản cho vay thì khách hàng sẽ tiếp tục hoàn thành nốt nghĩa vụ nợ, ngân hàng hạch toán lãi lỗ vào sổ sách.

Để minh chứng cho điều này, ông Hiếu dẫn ra ví dụ về trường hợp của Mỹ những năm 2008. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, bong bóng bất động sản vỡ, kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng lớn, Chính phủ Mỹ đã bỏ ra rất nhiều tiền ra để cho các NHTM xử lý nợ xấu. Sau đó đến khoảng năm 2012 Chính phủ đã thu hồi được toàn bộ số tiền hỗ trợ cho các NHTM lúc bấy giờ.

Cùng chung quan điểm này với ông Hiếu, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN cho biết: Xử lý nợ xấu - đạt đến bước Quốc hội thông qua Nghị quyết - là một bước tiến lớn nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc pháp lý và thể chế đang cản trở tiến trình này. Song nếu không giải quyết được vấn đề “tiền đâu” thì không khéo sẽ quay lại từ đầu - vấn đề “đầu tiên”.

Một số người kiến nghị nên mạnh dạn đi vay nước ngoài, thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc các định chế tài chính khác, như các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đã làm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1998 để có nguồn xử lý nợ xấu . 

Rõ ràng, nếu không có ngân sách tham gia vào vấn đề xử lý nợ xấu thì Nghị quyết khó mà giải quyết được vấn đề lớn là nợ xấu.

Thời gian qua, khối u nợ xấu đã làm tắc nghẽn dòng chảy thị trường vốn. Một lượng vốn lớn (ước tính khoảng 600 nghìn tỷ) không thể đưa vào sử dụng. 

Cũng chính vì khối nợ xấu này mà mặc dù Chính phủ, NHNN yêu cầu các NHTM hạ lãi suất để hỗ trợ sản xuất  kinh doanh nhưng các NHTM không thể giảm lãi suất sâu hơn nữa.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu mới là điều kiện cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ để xử lý rốt ráo nợ xấu đang tồn đọng trong nền kinh tế.

""Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn và cần nhận được sự góp sức, chung tay của toàn nền kinh tế vào vấn đề được coi là sống còn của mạch máu kinh tế", ông Hiếu khuyến nghị 

Theo vị chuyên gia này, để giải quyết tốt câu chuyện nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, cần giải quyết những những vấn đề sau: Cần 1 luật về xử lý nợ xấu dài hạn; Không hạn chế nợ xấu ở 1 thời điểm nào cả; Phải có sự hỗ trợ của ngân sách trong mua nợ và cần mở rộng thị trường mua bán nợ.

Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/8/2017.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ