Ngân hàng năm 2020 - 'học cách hít thở qua một lớp khẩu trang'

Nhàđầutư
Việt Nam vừa trải qua một năm 2020 rất khác biệt với dịch bệnh COVID-19. Cũng như cả nền kinh tế, ngành ngân hàng buộc phải "học cách hít thở qua một lớp khẩu trang" - thích ứng với trạng thái bình thường mới.
ĐÌNH VŨ
28, Tháng 12, 2020 | 15:33

Nhàđầutư
Việt Nam vừa trải qua một năm 2020 rất khác biệt với dịch bệnh COVID-19. Cũng như cả nền kinh tế, ngành ngân hàng buộc phải "học cách hít thở qua một lớp khẩu trang" - thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung vừa trải qua một năm thật khác biệt, quá nhiều thách thức từ nguyên nhân khách quan đưa tới. Như một vị chuyên gia ví von rằng, ngành ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung vừa trải qua một năm "học cách hít thở qua một lớp khẩu trang" - có vẻ hơi khó chịu nhưng vẫn an toàn trong trạng thái bình thường mới. Ít ra dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt ở nước ta và nếu sớm thích nghi thì đó là trạng thái bình thường mới tốt. 

Cùng Nhadautu.vn điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng trong năm 2020.

1. Ngân hàng Nhà nước có Tư lệnh mới 

Sự kiện nổi bật đầu tiên của ngành ngân hàng năm 2020 chắc chắn là sự thay đổi vị trí tư lệnh ngành. Ngày 12/11, với 467 phiếu đồng ý (chiếm 97,08%), bà Nguyễn Thị Hồng đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay thế người tiền nhiệm Lê Minh Hưng.

Tan-thong-doc

Bà Nguyễn Thị Hồng, tân Thống đốc NHNN. Ảnh: sbv.gov.vn

Trở thành nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên vừa là vinh dự nhưng đồng thời bà Nguyễn Thị Hồng cũng sẽ gánh trên vai những trọng trách rất lớn lao khi đứng đầu một cơ quan nhà nước có vai trò vận hành mạch máu của cả nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng lớn từ yêu tố khách quan là dịch bệnh COVID-19 và lũ lụt miền Trung. Sự thay đổi vị trí đứng đầu được kỳ vọng sẽ mang lại những luồng gió mới cho ngành ngân hàng trong vòng 5 năm tới.

2. Tăng trưởng tín dụng thấp, thanh khoản ngân hàng dồi dào

Tính đến thời điểm 21/12/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2013 tới nay (sau một giai đoạn tăng trưởng liên tục và nóng trước đó).

Tăng trưởng tín dụng thấp được cho là do nhiều nguyên nhân. Về phía khách quan là tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể, ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, sức cầu yếu. Về phía chủ quan, ngành ngân hàng buộc phải "thắt lưng buộc bụng" - siết lại các điều kiện cho vay, chú trọng cơ cấu lại các khoản nợ trước lo ngại nợ xấu tăng cao. Tăng trưởng tín dụng thấp là tất yếu trong năm 2020 và có thể tiếp diễn trong năm 2021.

Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề lớn nhất mà ngành ngân hàng và nền kinh tế đang gặp phải là chưa tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Thực tế, nhu cầu vốn từ ngân hàng của doanh nghiệp vẫn là rất lớn. Tuy nhiên, các điều kiện tiếp cận vốn vẫn rất ngặt nghèo nên doanh nghiệp khó mở rộng hoạt động dù lo ngại nợ xấu của ngành ngân hàng là có cơ sở.

3. Lãi suất giảm mạnh

Để đồng hành cùng nền kinh tế, một trong những động thái quan trọng của NHNN là giảm lãi suất điều hành. Trong năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, những diễn biến chưa có tiền lệ. 

Cụ thể, ngày 16/3, NHNN ra quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành với mức giảm khoảng 0,6%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế xuống còn 5,5%/năm. Tiếp đến, ngày 1/8, NHNN tiếp tục hạ một loạt các lãi suất điều hành lần 2 với mức giảm khoảng 0,5%/năm.

Đến ngày 30/9, NHNN có quyết định giảm lãi suất điều hành lần 3. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

NHNN cho biết, với 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành, tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019.

Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành vừa cho thấy sự đồng hành của ngành ngân hàng với nền kinh tế nhưng cũng phản ánh thực tế cung cầu vốn, thanh khoản dồi dào của ngành trong năm 2020. Xu hướng lãi suất thấp được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2021.

4. Nợ xấu tăng

Ngày 13/3/2020, trước lo ngại về nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng của ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tháng 5/2020, NHNN tiếp tục đưa dự thảo thông tư lấy ý kiến, bổ sung quy định cho phép các TCTD được áp dụng quy định tại Thông tư 01 cho các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 cho đến trước ngày 25/4/2020 và có lịch trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020.

Có thể thấy, Thông tư 01 là một nhân tố đột biến, thể hiện sự đồng hành của ngành ngân hàng với nền kinh tế nhưng cũng là phương thuốc cứu lấy lợi nhuận của hệ thống ngân hàng vì nỗi lo nợ xấu tăng cao, hoạt động cho vay phải chững lại.

Mới đây, NHNN cho biết, dù nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu hồi nợ đã được các TCTD nỗ lực thực hiện với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%. Đây được nhìn nhận là diễn biến tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.

Theo thống kê từ phía các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2020 tăng trung bình khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nợ xấu tăng một phần là do tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng thực tế tiến trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng cũng đang chậm lại và nợ xấu mới phát sinh tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Xu thế nợ xấu tăng cao sẽ thể hiện rõ hơn vào năm 2021 khi Thông tư 01 hết thời hiệu, ngành ngân hàng sẽ buộc phải ghi nhận nợ xấu thực chất và trích lập dự phòng, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận.

5. Lợi nhuận vẫn là điểm sáng

Mặc dù tình hình kinh doanh qua các con số chung có chiều hướng giảm sút mạnh như tín dụng tăng thấp - phần đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà băng báo lãi lớn trong 11 tháng đầu năm, đặc biệt là những ngân hàng nỗ lực lên sàn và chuyển sàn.

Đơn cử, ACB lợi nhuận trước thuế đến hết tháng 11 vượt kế hoạch cả năm 14%, đạt 8.723 tỷ đồng; MSB báo lãi 2.302 tỷ đồng 11 tháng, vượt 60% kế hoạch năm 2020; ABBank 11 tháng báo lãi 1.378 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch năm...

Theo dự báo của nhiều tổ chức, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2019. Mức tăng này dù giảm đáng kể so với các năm trước nhưng vẫn được coi là điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh.

6. Ngân hàng ồ ạt niêm yết, chuyển sàn

ngan-hang-len-san

Có 9 ngân hàng đã lên sàn/chuyển sàn trong năm 2020. Ảnh: Internet.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018, đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Năm 2020, đã chứng kiến đợt sóng hàng loạt các ngân hàng lên sàn, chuyển sàn thành công. Cho đến ngày 28/12, đã có 9 ngân hàng lên sàn/chuyển sàn.

Những tân binh mới lên sàn UPCoM, HoSE gồm: VietCapitalBank, NamABank, Saigonbank, PGBank, ABBank, MSB. ACB chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE, LienVietPostBank và VIB chuyển từ UPCoM lên niêm yết HoSE. 

Ba ngân hàng khác là SHB, OCB và SeABank cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE nhưng chưa có thông báo mới.

Việc bắt buộc các nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán là nỗ lực của cơ quan quản lý để tăng tính minh bạch và hiệu quả của nhóm ngân hàng - được coi là nhóm ngành đi đầu, dẫn dắt thị trường và nền kinh tế.

7. Dự trữ ngoại hối lên mức kỉ lục

Năm 2020 tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục về dự trữ ngoại hối. Theo thông tin mới nhất được cập nhật, đến cuối tháng 8/2020, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 92 tỷ USD và có thể cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, việc NHNN liên tục mua vào ngoại tệ là một trong những lý do để Bộ Tài chính Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ thương mại, đầu tư giữa 2 quốc gia. 

Trước động thái trên của Mỹ, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có thông báo khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước là trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc mua ngoại tệ thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước (vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực) để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

8. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định

Cuối cùng, thành tích lớn và được đánh giá là quan trọng nhất mà NHNN đã làm được trong năm 2020 là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định, vừa nhằm hỗ trợ tăng trưởng nhưng cũng giúp kinh tế vĩ mô ổn định, được thế giới đánh giá cao.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2020 ước tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 2,91%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% của Quốc hội đề ra đã đạt được.

Năm 2020, Việt Nam là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới khi duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Có được kết quả này ngoài yếu tố phòng chống dịch thành công, còn là nhờ tính ổn định của kinh tế vĩ mô, làm cho đầu tư, thương mại không bị tác động quá lớn. Chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định, đồng hành cùng doanh nghiệp được nhìn nhận là yếu tố nền tảng hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ