Một góc nhìn về giá xăng dầu

Giá dầu thế giới đã tăng liên tục trong những tháng đầu năm, kéo theo giá dầu trong nước tăng nhanh, tác động tiêu cực đến vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không, làm tăng giá một số nguyên liệu, vật tư, hàng tiêu dùng, giảm thu nhập thực tế của người dân, giảm sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường thế giới.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI
03, Tháng 09, 2022 | 07:00

Giá dầu thế giới đã tăng liên tục trong những tháng đầu năm, kéo theo giá dầu trong nước tăng nhanh, tác động tiêu cực đến vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không, làm tăng giá một số nguyên liệu, vật tư, hàng tiêu dùng, giảm thu nhập thực tế của người dân, giảm sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường thế giới.

Empty

Nhiều vấn đề đặt ra với chính sách quản lý thị trường xăng dầu. Ảnh: Trọng Hiếu

Giá dầu là vấn đề toàn cầu, của cả các nước xuất khẩu và các nước nhập khẩu, do đó lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Nga, OPEC đang tìm tiếng nói chung để vừa bảo đảm lợi ích của từng nước, vừa góp phần phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch.

Trên thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm nay giá dầu đã được điều chỉnh 16 lần có 3 lần giảm và 13 lần tăng giá. Sau lần điều chỉnh ngày 21/6 giá xăng RON 95 đã tăng lên 32.870 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng lên 31300 đồng/lít, dầu hỏa lên 25.340 đồng/lít, dầu diesel lên 26.390 đồng/lít, dầu mazut lên 20.900 đồng/kg. So với ngày 11 tháng giêng, mỗi lít xăng RON 95-III đã tăng 9.000 đồng, E5RON 92 thêm 8.150 đồng, dầu diesel - loại nhiên liệu dùng nhiều trong vận tải tăng gần 11.800 đồng.

Tại nghị trường Quốc hội khóa XV ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, gây áp lực lên sự ổn định kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định, không chỉ giá xăng dầu, khí đốt tăng cao mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dẫn số liệu thống kê, Bà Yến cho biết, bình quân bốn tháng đầu năm nay giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%, riêng tháng tư tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.     

Bà phát biểu: "Tôi kính đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ".

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, taxi, xe chở hành khách vừa mới phục hồi chưa bao lâu đã phải đối phó với thách thức to lớn, kinh doanh thua lỗ, buộc phải tạm ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ, thậm chí bán bớt phương tiện, sa thải nhân công để cầm cự qua ngày.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, doanh nghiệp vận tải giờ không chạy thì “chết” ngay lập tức, còn chạy thì “chết" từ từ.. Công ty của Ông đang sở hữu khoảng 200 đầu xe, nhưng hiện chỉ hoạt động chưa đến 50% Ông than thở: "Cả trăm con xe của chúng tôi đang nằm bãi vì không có khách hoặc không có hàng hóa vận chuyển, trong khi chi phí ngân hàng, bến bãi, duy tu bảo dưỡng… hàng ngày vẫn phải gồng gánh”.

Từ đầu tháng 7 giá dầu liên tục được diều chỉnh giảm, ngày 21/07 giá xăng RON 95 giảm còn 26.070 đồng/lít, xăng E5RON 92 25.073 đồng/lít, dầu diesel 24.868 đồng/lit, dầu mazut 16.548 đồng/lít, gần như trở lại trạng thái bình thường, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi.

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, trong báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan này dự báo: giá xăng dầu trong nước quý IV/2022 sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít xăng và 20.000 đồng/lít dầu.

Bộ Tài chính có chức năng bảo đảm cân đối ngân sách quốc gia, điều tiết giá cả thị trường, bình ổn vật giá, khi giá xăng dầu lên đỉnh đã kiến nghị điều chỉnh giảm phí môi trường 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng lít dầù, một thời gian sau đó đã tăng lên 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu.

Bộ Công Thương quyết định: Thực hiện tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước).

Thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (như kỳ trước) và tăng chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít).

Một số chuyên gia kinh tế nhận định các giải pháp của Bộ Tài chính và Bộ Công thương chưa đủ để ứng phó với biến động giá dầu thế giới, nên cần tính đến giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT mới có thể ổn định giá dầu trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp giao thông, vận tải trong một thời gian khoảng ba tháng để ổn định kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.

Bởi vì mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng RON 95, 8% với xăng sinh học E5RON 92, thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 2.000 – 3.000 đồng. Có nghĩa là ngoài giá nhập khẩu về cảng, ước tính tỷ trọng thuế trong cơ cấu tính giá xăng dầu khoảng 30%; ngoài ra, còn  khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... khoảng 4-5%. Trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có hiện tượng tính thuế chồng thuế như thuế VAT được đánh 10% trên giá bán ra, mà giá bán đã gồm các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, cộng các loại chi phí định mức, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế và phí trong mỗi lít xăng khoảng 35%.

Khi giá xăng dầu tăng, là nước xuất khẩu dầu thô, nước ta thu được khoản lợi nhuận cao hơn. 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu của PVN ước đạt 372.200 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch năm, tăng 58%; nộp ngân sách ước đạt 52.800 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh nghiệm của quá trình hình thành và điều chỉnh giá cả của nước ta từ khi hội nhập sâu rộng với thế giới cho thấy rằng, không nên chỉ tính toán các số liệu kinh tế đơn thuần, mà cần tính đến tác động của việc giảm giá đối với kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi và tăng trưởng kinh tế, từ đó nguồn thu của ngân sách sẽ gia tăng, không những bù đắp được khoản hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp thông qua biên pháp giá, mà còn tăng thêm nguồn thu do tăng sản lượng hàng hóa, tăng kim ngạch và giá trị gia tăng hàng xuất khẩu.

Từ việc điều hành giá xăng dầu trong những tháng vừa qua nảy sinh ba vấn đề liên quan đến tình trạng khẩn cấp về giá cả thị trường:

Cơ chế điều hành khẩn cấp

Giá xăng dầu thế giới tăng nhanh từ đầu tháng 6/2022 dẫn đến giá xăng dầu trong nước liên tục tăng đạt đỉnh vào ngày 21/06. Thời gian từ khi giá xăng dầu đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người dân khoảng ba tuần lễ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương mới đề ra một số giải pháp để lấy ý kiến các bộ, trình Chính phủ. 11 ngày sau đó, ngày 03/07 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 04/07 về Dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp.

Ngày 6/7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như đề nghị của Chính phủ: mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/1 lít xuống mức sàn 1.000 đồng/ lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/1 lít xuống mức sàn là 1000 đồng/1 lít, dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn 300 đồng/1 lít, dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/1lít là mức giá sàn trong khung thuế suất.

Thời gian từ đầu tháng sáu, khi giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh lên cao cho đến khi có Nghị quyết của UBTVQH gần 5 tuần lễ, khi đó giá xăng dầu bắt đầu giảm liên tục, không kịp thời ứng phó với cú sốc của doanh nghiệp nhất là ngành vận tải hàng hóa và hành khách.

Trong thế giới biến động khó lường trước, giá cả một số hàng hóa, dịch vụ như giá xăng dầu, lương thực, một số nguyên liệu, vật tư lên xuống thất thường nên Chính phủ các nước được quyền áp dụng các giải pháp đặc biệt để kịp thời ứng phó.

Từ việc điều hành giá xăng dầu, Chính phủ cần có cơ chế điều hành khẩn cấp đề ra các giải pháp khả thi ứng phó với tình huống đột biến.

Các loại thuế xăng dầu

Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính sớm báo cáo phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế xăng dầu.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng đã kiến nghị Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT xăng dầu.

Việc giảm một số thuế xăng dầu rất cần đối với nước ta về lâu dài, do đó phải có cách tiếp cận khoa học, hệ thống, đúc rút từ chính sách, cơ chế giá xăng dầu đang áp dụng, nên tham khảo ý kiến một số chuyên gia có kinh nghiệm để hình thành chính sách, cơ chế thích ứng với kinh tế thị trường, trong đó xác định các loại thuế và mức thuế hợp lý, tránh tình trạng thuế chồng thuế.

Dự trữ xăng dầu quốc gia

Trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/03, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Theo báo cáo, Việt Nam không có dự trữ quốc gia về xăng dầu, đây có phải là nguyên nhân gây bất ổn về giá xăng dầu hiện nay hay không?”.

Ông Nguyễn Hồng Diên trả lời “Nói không có dự trữ xăng dầu quốc gia là không phải. Chúng ta có dự trữ, nhưng rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5-7 ngày. Quỹ này chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt chứ không phải là tung ra trong hoàn cảnh như hiện nay”.

Ông cho biết, trong tương lai, Bộ Công Thương cùng các các Bộ ngành có liên quan sẽ tham mưu để nâng mức dự trữ này lên. Mục tiêu là phải đáp ứng được 1-2 tháng. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu người đứng đầu ngành Công Thương giải trình thêm về vấn đề dự trữ xăng dầu. Ông nói: “Quốc gia có dự trữ quốc gia về xăng dầu theo Nghị định 83 trước đây và theo Nghị định 95 hiện nay, lúc nào các đầu mối xăng dầu cũng phải có dự trữ ít nhất là 20 ngày lưu thông. Các thương nhân đầu mối có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định về tình trạng dự trử xăng dầu quốc gia gửi tại kho của doanh nghiệp là bất hợp lý. “Bộ đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét để thiết kế lại mô hình quản lý quỹ này. Đồng thời xem xét nâng cao hơn nữa mức dự trữ”.

Tình trạng dự trử quốc gia xăng dầu chỉ đủ cung ứng 5-7 ngày, lại gửi nhờ vào kho doanh nghiệp đã gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia kinh tế khi luôn cho rằng, an ninh năng lượng, bao gồm xăng dầu là tối quan trọng đối với quốc gia, không hiểu vì sao lại để tình trạng đáng tiếc xảy ra như Bộ trưởng Công thương thông báo.

Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, giá xăng dầu thế giới có thể tăng lên trên 130 USD/barel; nhưng cũng có thể giảm nhiều so với hiện nay. Do đó, với tầm quan trọng của đất nước, với dự trử ngoại tệ trên 100 tỷ USD, vấn đề không chỉ là cần xây dựng nhanh một số cụm kho dự trử xăng dầu quốc gia tại các trung tâm kinh tế lớn đủ bảo đảm cung ứng ra thị trường trong vài tháng khi gặp tình trạng khẩn cấp, mà cần tranh thủ khi giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp, nhập khẩu một lượng đủ nhiều để tăng dự trử phòng khi có biến động giá cả, đảm bảo ổn đinh giá cả xăng dầu trên thị trường trong nước..

Kết luận

Việc điều hành giá dầu trong những tháng gần đây cần được Chính phủ và các bộ có liên quan nhìn lại để từ đó không để xảy ra tình trạng chậm trễ khi đề ra giải pháp xử lý tình huống khẩn cấp, khi Việt Nam đã ứng phó sáng tạo, linh hoạt phòng chống Dịch Covid 19 được nhiều tổ chức quốc tế coi là hình mẫu để các nước đang phát triển với hệ thống y tế chưa hiện đại tham khảo.

Người dân và doanh nghiệp mong Chính phủ có cơ chế điều hành tình trạng khẩn cấp, xử lý đúng đắn khi sửa đổi hệ thống thuế xăng dầu và có biện pháp tăng dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ