Lời giải nào cho bài toán di dời 20.000 căn nhà trên kênh, rạch tại TP.HCM?

Nhàđầutư
Di dời 20.000 căn nhà trên kênh, rạch là 1 trong 5 kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị thuộc 7 chương trình đột phá được đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X giai đoạn 2015 - 2020. Kế hoạch là vậy, nhưng sau nhiều năm triển khai đến nay mọi thứ vẫn gần như giẫm chân tại chỗ.
LÝ TUẤN
03, Tháng 09, 2020 | 17:59

Nhàđầutư
Di dời 20.000 căn nhà trên kênh, rạch là 1 trong 5 kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị thuộc 7 chương trình đột phá được đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X giai đoạn 2015 - 2020. Kế hoạch là vậy, nhưng sau nhiều năm triển khai đến nay mọi thứ vẫn gần như giẫm chân tại chỗ.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)...

Trong giai đoạn 2016 – 2020, thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch. Đây cũng là 1 trong số 5 kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị (nằm trong 7 chương trình đột phá được đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X giai đoạn 2015 - 2020).

Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã phân loại 3 nhóm dự án bao gồm nhóm chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (53 dự án, kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng), nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (3 tuyến kênh rạch, chi phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng) và nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP (6 dự án, kinh phí bồi thường khoảng 19.024 tỷ đồng).

IMG_1401

Những căn nhà lụp xụp, lấn chiếm dọc bờ kênh Đôi ở khu vực quận 8 TP.HCM.

Trong đó, TP.HCM sẽ ưu tiên triển khai các dự án di dời, cải tạo bờ nam kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, hồ Song Tân, rạch Bần Đôn…

Kế hoạch đề ra là vậy, nhưng sau nhiều năm triển khai đến nay mọi thứ vẫn gần như “giẫm chân tại chỗ”.

Di dời nhà trên kênh, rạch bài toán không dễ dàng

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, việc di dời 20.000 căn nhà trên kênh, rạch tại TP.HCM là một trong những kế hoạch lớn, trong đó, việc thành phố sử dụng phương thức đối tác công – tư (PPP) để thực hiện thì rất khó để áp dụng vào dự án này. Trong khi đó, để thực hiện được dự án này nên áp dụng hình thức BT (hợp đồng Xây dựng – chuyển giao).

“Thời gian qua, HoREA vẫn luôn nỗ lực đề xuất để khôi phục hình thức BT (hợp đồng Xây dựng – chuyển giao). Chỉ nên dừng hình thức BT trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2022 để hoàn thiện lại hệ thống pháp luật, bịt kín các lỗ hổng của BT. Sau đó triển khai lại hình thức này để thực các dự án như: Nhà ven, kênh rạch, chung cư cũ… đáp ứng cho việc chỉnh trang đô thị”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, để chỉnh trang một khu phố cần phải có hình thức, phương thức hợp lý, đối với hình thức PPP thì hầu như không có nội dung nào để áp dụng được mà chỉ có BT mới thực hiện được. Tuy nhiên, hình thức BT thời gian quan vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc thất thoát tài sản cho nên Chính phủ quyết định dừng hình thức này là đúng, nhưng không thể dừng là bãi bỏ.

Việt Nam là nước đang trong quá trình phát triển, nền kinh tế quy mô chưa lớn, đời sống của nhiều người ở nhiều khu vực vẫn còn nghèo, trong khi yêu cầu người dân phải sống trong những ngôi nhà lớn, rộng rãi thì đó là “ảo tưởng”.

sua

 

Cũng có quan điểm này, chia sẻ với Nhadautu.vn, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, vấn đề di dời người dân là một vấn đề lớn, đặc biệt là di dời các hộ dân ở ven kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM. Dù biết ở những khu vực này hầu như 100% là người dân lấn chiếm để xây dựng nhà ở, nhưng những đối tượng này là người nghèo đã an cư lạc nghiệp rất lâu tại đây.

“Do là đất lấn chiếm nên những người dân ở đây để có được cơ sở đền bù thì đa số đều không có cũng không có quỹ đất để tái định cư và việc đầu tư những đề án này cần nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi đó, nếu chính quyền mạnh tay trong việc xử lý lấn chiếm hay giải tỏa thì sẽ tổn hại đến đời sống của rất nhiều người dân vì đa phần là người nghèo. Nhưng nếu đền bù theo cơ chế thông thường thì lại không có cơ sở, do đó vấn đề di dời các hộ dân ở các kênh, rạch là một vấn đề rất khó”, ông Hiển nhận định.

Bên cạnh đó, TS. Đinh Thế Hiển cũng đưa ra dẫn chứng, nhìn nhận thực tế từ việc di dời người dân, chỉnh trang lại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có thể thấy chính quyền đã phải nghiên cứu rất kỹ trong đó đảm bảo có nguồn kinh phí lớn, thực hiện trong thời gian dài xuyên suốt nhiều năm…

Lời giải nằm ở nguồn vốn 

Theo TS. Đinh Thế Hiển, để trở thành một thành phố văn minh hiện đại và tiêu chuẩn của thế giới, thì trước hết vấn đề về môi trường phải đưa lên hàng đầu. TP.HCM đang là trung tâm tài chính khu vực, thậm chí còn có tham vọng là cạnh tranh với Singapore và HongKong (Trung Quốc). Nhưng nếu không đáp ứng được những vấn đề về cảnh quan môi trường, văn minh đô thị, thì khó có thể vươn lên thành một thành phố thông minh hiện đại.

“TP.HCM không chỉ có trách nhiệm về kinh tế mà còn là một trong những thành phố kiểu mẫu, một đô thị lớn hiện đại trong khu vực thậm chí là của cả một số nước đang phát triển khác. Do đó, cần dứt khoát trong việc giải quyết các vấn đề về khơi thông kênh, rạch trả lại cảnh quan, môi trường tự nhiên… đây là những vấn đề rất lớn cần phải làm”, ông Hiển nói.

Để thực hiện những vấn đề này, thứ nhất phải phân vùng từng đối tượng, những đối tượng nào thuộc diện đền bù, đối tượng nào hỗ trợ và đối tượng nào là giải tỏa trắng... Những việc này cần phải làm công tâm, đồng bộ, dứt khoát thực hiện theo kỷ cương pháp luật không để xảy ra những bất cập không đáng có.

jdkkd

 

“Chúng ta có thể thấy nhiều vấn đề bất cập trong việc chỉnh trang đô thị điển hình là giải quyết đền bù giải tỏa ở Thủ Thiêm đến hay vẫn chưa thể giải quyết thiệt để, nhiều người dân vẫn còn khiếu kiện, nhiều lãnh đạo sai phạm… Dù vậy, để xây dựng và phát triển thì luôn luôn phải có những thứ hy sinh, không thể thỏa mãn được hết những vấn đề mong muốn... bao gồm cả việc di dời 20.000 căn hộ trên kênh, rạch sau này”, ông Hiển nói.

Thứ hai, cần phải có những nguồn vốn lớn, Theo TS. Đinh Thế Hiển, nếu không có nguồn vốn lớn thì TP.HCM rất khó để thực hiện. Những nguồn vốn lớn này sẽ được lấy từ 3 phương án: Một là nguồn vốn hỗ trợ thế giới, tranh thủ từ các nguồn vốn ODA….; hai là nguồn vốn của trung ương thông qua thành phố xin giữ lại một phần; ba là phát hành trái phiếu đô thị, đây là nguồn vốn rất quan trọng vì một thành phố lớn như TP.HCM hoàn toàn có năng lực để có thể phát hành được trái phiếu này.

“Với 3 nguồn vốn kể trên, thì TP.HCM sẽ đủ khả năng để thực hiện việc chỉnh trang đô thị, trong đó bao gồm việc di dời 20.000 căn nhà tại các kênh, rạch. Tuy nhiên, để làm được phải có trọng điểm tức là khúc nào làm trước, khúc nào làm sau đảm bảo được các yếu tố cần thiết… Đồng thời, sau khi hoàn thiện phải mang tính cốt lõi, là xương sống, bàn đạp để thực hiện các dự án sau này”, TS. Đinh Thế Hiển nói.

Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong những năm qua, nguồn vốn xã hội để tham gia phát triển đô thị của thành phố chiếm từ 28% đến 33%, vẫn còn thấp so với kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM. Theo đó, thành phố cần có chính sách để thu hút được doanh nghiệp tham gia cùng với chương trình di dời nhà ở ven kênh, rạch.

Cụ thể, thành phố nên cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác quỹ đất ven sông, kênh rạch có thời hạn, đối với những dự án mà thành phố chưa giao đất đến mép cao của bờ kênh, thì cần vận động chủ đầu tư cùng với thành phố thực hiện việc xây dựng các kè bờ cũng như xây dựng đường, thảm xanh. Trên cơ sở đó cho các doanh nghiệp khai thác theo phương thức cho thuê có thời hạn.

Ngoài ra, nói về việc các nhà đầu tư không mặn mà với những dự án chỉnh trang đô thị, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, việc các nhà đầu tư nhảy vào các dự án này vẫn đi theo lối mòn, tư duy cũ tức là “tay không bắt giặc”. Bởi, những nhà đầu tư này không đủ khả năng, tiềm lực để đeo bám thực hiện dự án trong thời gian dài, nhưng nếu muốn nhảy vào thì những nhà đầu tư này cũng phải dựa vào nguồn vốn dài hạn vay từ ngân hàng. Cũng như dựa vào chính quyền để có những khu đất giá rẻ để thực hiện.

“Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư khi nhảy vào những dư án này đều phải rút lui, do khi đi vào thực hiện kết quả lại không khả thi như đề ra, trong khi đó, chi phí và thời gian bỏ ra quá lớn, không đảm bảo được nguồn vốn, lợi nhuận…, chưa kể những vấn đề về mặt pháp lý và thực thi trong việc giải tỏa gặp nhiều khó khăn khiến họ phải rút lui”, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ