Làm thế nào để gia tăng giá trị hạt hồ tiêu xuất khẩu?

Nhàđầutư
"Bên cạnh việc giữ vị thế là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất, Việt Nam cần tăng giá trị của hạt tiêu xuất khẩu. Muốn tăng giá trị thì bản thân hạt tiêu phải sạch, tăng hàm lượng chế biến sâu. Cần gia tăng sản lượng tiêu xay, tiêu nghiền xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao như EU, Mỹ", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây Gia vị Việt Nam (VPA) nhận định.
THIÊN KỲ
09, Tháng 08, 2023 | 14:08

Nhàđầutư
"Bên cạnh việc giữ vị thế là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất, Việt Nam cần tăng giá trị của hạt tiêu xuất khẩu. Muốn tăng giá trị thì bản thân hạt tiêu phải sạch, tăng hàm lượng chế biến sâu. Cần gia tăng sản lượng tiêu xay, tiêu nghiền xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao như EU, Mỹ", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây Gia vị Việt Nam (VPA) nhận định.

xuat-khau-hat-tieu-1

Gia tăng tỷ lệ chế biến sâu là hướng đi bền vững cho ngành hồ tiêu. Ảnh: VnComex

Sản lượng tăng nhưng giá giảm

Theo báo cáo của Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA), tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 485,9 triệu USD, tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu tăng 21,8% nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 14,6%.

Nguyên nhân do giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm, chỉ 3.484 USD/tấn với tiêu đen, giảm 879 USD/tấn; 5.011 USD/tấn tiêu trắng, giảm 1.070 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện VPA cho biết trong các tháng đầu năm 2023, giá tiêu (đen) tăng dần từ mức 57.000 đồng/kg hồi tháng 1 lên tới 73.000 đồng vào tháng 5 - mức giá gần bằng năm 2022 và cao hơn năm 2021 đến 8.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bước sang tháng 6 - 7, giá bắt đầu giảm chỉ còn 68.000 đồng/kg do một số nước sản xuất hồ tiêu lớn trên thế giới như Indonesia và Brazil bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Điểm sáng của xuất khẩu tiêu trong nửa đầu năm 2023 là việc Trung Quốc tăng thu mua tiêu từ Việt Nam. 

Theo ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng VPA cho biết, trong các năm 2021-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc đều sụt giảm nghiêm trọng.

Sau khi mở cửa trở lại, 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã thu mua hơn 50 ngàn tấn hồ tiêu giúp thúc đẩy giá tiêu tăng từ tháng 3 đến tháng 5, mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu.

Điều này đã đưa Trung Quốc vươn lên thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 32,9% thị phần xuất khẩu và tăng trưởng tới 798% so với cùng kỳ năm 2022. 

"Lượng hàng Trung Quốc mua có thể đã đủ dùng trong nước trong ngắn hạn nên việc mua hàng trong thời gian tới có thể sẽ bị giảm, làm cho giá hồ tiêu khó tăng trở lại, cộng thêm việc Indonesia và Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch", vị này đánh giá.

Bà Liên dự báo đến hết năm 2023 ngành hồ tiêu vẫn giữ vị thế xuất khẩu hàng đầu thế giới và sản lượng xuất khẩu sẽ tương đương cùng kỳ năm 2022.

"Với lượng xuất khẩu như vậy theo tôi đánh giá là ổn định. Vấn đề bây giờ làm sao giữ vững sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị trong số lượng xuất khẩu như vậy để giá trị phải tăng gấp rưỡi, gấp đôi cho tương xứng tiềm năng", bà Liên nói.

Lấy lại vị thế "vàng đen"

Là người có tâm huyết hàng chục năm với ngành hồ tiêu, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cho biết đang cố gắng lấy lại vị thế cho hạt tiêu Việt Nam.

Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San là hợp tác xã đầu tiên và duy nhất ở nước ta xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu (trong 3 năm qua, mỗi năm xuất khẩu khoảng 600 tấn) vào các nước châu Âu như Đức, Hà Lan.

Hồ tiêu của Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ sẽ mở ra những cơ hội mới trong xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. 

"Trên thực tế EU là thị trường có nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn về vùng trồng, nguồn gốc, dư lượng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên HTX của tôi đã và đang đáp ứng rất tốt các tiêu chuẩn từ thị trường này", ông Luân cho biết.

Cũng còn nhiều trăn trở với cây tiêu, ông Luân chia sẻ, hiện tại giá tiêu quá thấp dẫn đến diện tích trồng tiêu giảm.

Cụ thể với Đồng Nai – địa phương có diện tích trồng tiêu lớn trong cả nước hiện nay đã giảm diện tích vùng trồng khi những tháng đầu năm 2023 địa phương này đã có 5.600 ha diện tích hồ tiêu bị phá bỏ.

"Giá tiêu cực thấp, dẫn đến thu nhập của người nông dân thấp nên việc giảm diện tích vùng trồng là điều đương nhiên", ông Luân cho hay.

Cũng theo ông Luân, hiện HTX Lâm San trả cho nhân công thu hoạch tiêu trung bình mỗi ngày khoảng 28.000 đồng /kg tiêu khô. Công hái đã ở mức 1.2-1.3 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu sang tới EU cũng chỉ được 3.7 USD/kg tiêu.

Đó là chưa tính các chi phí khác như cây giống, phân thuốc, công chăm sóc, tưới tiêu…, cây tiêu phải được đầu tư trong 3 năm mới được thu hoạch.

Dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành hồ tiêu vẫn có những kỳ vọng lấy lại vị thế "vàng đen" bởi nhiều lý do.

Theo VPA, với lượng xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng vừa qua cho thấy lượng hàng năm nay không còn nhiều, dự kiến hết tháng 8 có thể sẽ xuất khẩu hết sản lượng năm 2023, vì vậy có thể hy vọng có tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, dự báo của Ngân hàng Thế giới đối với một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm nên sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường này sẽ khởi sắc trở lại. 

Với vị thế đầu ngành, Chủ tịch VPA cho hay, hiện nay tỷ lệ chế biến sâu của ngành hồ tiêu chỉ đạt trên dưới 20%.

"Bản chất ngành tiêu trồng ra hái xuống phơi nắng 3 ngày là ăn được rồi. Muốn tăng giá trị thì bản thân hạt tiêu phải sạch, tăng hàm lượng chế biến sâu. Cần gia tăng sản lượng tiêu xay, tiêu nghiền xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao như EU, Mỹ", bà Liên khuyến nghị.

Hiện nay thị với nhiều ưu đãi từ EVFTA, ngành hồ tiêu đang hướng đến các thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong khối EU. Tuy nhiên, đây là thị trường có quy định khá cao khi ban hàng hơn 500 tiêu chí về MRL và tiếp tục có thêm nhiều tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu cho ngành tiêu.

Đại diện VPA khuyến nghị, bà con nông dân trồng tiêu ý thức được các quy định này và phải có sự kết hợp liên ngành giữa bà con nông dân, hiệp hội, các cơ quan ban ngành.

Phải để ngành gia vị Việt Nam luôn giữ vững vị thế đứng đầu về cung cấp nguồn nguyên liệu gia vị trên thế giới, bằng cách đáp ứng các tiêu chí của thị trường nhập khẩu nhằm hợp tác bền vững, đa dạng.

"Trong 3 năm nữa bài toán bền vững MRL (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành hồ tiêu sẽ có lời giải nếu liên ngành cùng nhau hỗ trợ để phát triển. Cần khuyến khích nông dân giữ vườn giữ đất và phát triển chất lượng để 5 năm tới ngành hồ tiêu đạt được mục tiêu đa dạng hóa và bền vững", Chủ tịch VPA khẳng định.

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ