Kịch bản phục hồi, kích thích kinh tế: Đòi hỏi đi cùng tốc độ của thế giới

Nhàđầutư
Nếu không có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, phù hợp, cả doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể sẽ tụt xa hơn tốc độ phục hồi của thế giới.
TUYẾT ÁNH
27, Tháng 09, 2021 | 10:25

Nhàđầutư
Nếu không có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, phù hợp, cả doanh nghiệp và cả nền kinh tế có thể sẽ tụt xa hơn tốc độ phục hồi của thế giới.

Doanh nghiệp như có lửa đốt dưới chân

Vấn đề không chỉ là sức kiệt. Có những doanh nghiệp buộc phải duy trì hoạt động, cố gắng sẽ duy trì, nhưng mọi việc đang quá khó.

“Lúc này, có lẽ phá sản, ngủ đông là giải pháp dễ nhất, May 10 đã có 1 lịch sử lâu đời, là 1 trong những mắt xích quan trọng với hơn 66 nhà nhập khẩu trên toàn cầu, không thể chọn giải pháp dễ được”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thẳng thắn.

Tuy nhiên, chọn hoạt động, áp dụng mô hình 3 tại chỗ, đồng nghĩa với việc May 10 sẽ chịu chi phí sản xuất tăng gấp 4 - 5 lần, rủi ro lây nhiễm cao, nhưng năng suất chỉ đạt 50% như thông thường. Thêm nữa, đặc thù của May 10 là sử dụng nhiều lao động, chủ yếu là nữ và phân tán ở nhiều địa phương, như Quảng Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội… Dịch bệnh mỗi địa phưng mỗi khác, nên các điều kiện, yêu cầu kiểm soát cũng khác nhau nhưng đều gắn vào trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp.

“Thú thật, chúng tôi chuẩn bị rất nhiều phương án chống dịch, sẵn sàng ký cam kết với địa phương, nhưng thực sự thì với sự lây lan như vậy nếu có cam kết, trách nhiệm chúng tôi phải chịu ra sao vì vaccine cho người lao động chưa đủ, đồng đều ở các địa phương?”, ông Việt chia sẻ lo ngại.

Thực ra, với những doanh nghiệp đã xác định duy trì, cố gắng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, các chi phí tăng thêm đều đã được lường trước, từ chi phí xét nghiệm, chi phí cho thiết bị phòng dịch, chi phi vận chuyển, logistics... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn, nhanh để chuyển đổi số, đưa khoa học – công nghệ vào ứng dụng, thay đổi bộ máy quản lý, mô hình tổ chức sản xuất đảm bảo yêu cầu chống dịch lâu dài. Đầu tháng 8/2021, nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, như dệt may, da giày, điện tử, thủy sản... đã cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu, đề xuất mô hình sản xuất an toàn gửi Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ thực hiện.

Nhưng mối lo mà họ không thể kiểm soát được là có thể sẽ phải ngừng lại bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty CP Thành Thành Công (Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng, doanh nghiệp không thể cứ hoạt động theo cách hôm nay làm, mai không biết đóng cửa không, vì nếu có F0 hay F1, doanh nghiệp sẽ phải dừng sản xuất.

“Doanh nghiệp làm việc theo kế hoạch trước 1 năm, 18 tháng hay chiến lược dài hơi, tất cả những hợp đồng ký kết đều trên tinh thần này. Do vậy, nếu nền kinh tế cứ bật - tắt liên tục, lưu thông hàng hóa tắc nghẽn, thì doanh nghiệp không thể giải thích được với đối tác, bạn hàng, không thể giữ được thị trường”, ông Ngữ nói.

May khau trang 2

Kịch bản phục hồi, kích thích kinh tế đòi hỏi đi cùng tốc độ của thế giới. Ảnh minh họa, nguồn: Trọng Hiếu

Kế hoạch trở lại cùng tốc độ của thế giới

Thực tế, đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam đang khiến cả doanh nghiệp và nền kinh tế đi chậm lại, thậm chí có thể tụt lại so với tốc độ phục hồi của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cảm thấy rất rõ tình thế này.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN kể, khi Việt Nam rất thành công trong việc chống 3 đợt dịch đầu tiên, thì phần lớn thế giới chìm trong dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI phải nếm trải những hệ lụy rất khủng khiếp.

“Nhưng chính vì khó khăn, các doanh nghiệp này buộc phải tự phát triển ra những quy trình để đảm bảo duy trì sản xuất phù hợp với tình trạng kiểm soát dịch của mỗi quốc gia. Quy trình đó đã giúp họ thích nghi được rất là tốt với điều kiện dịch vẫn đang tiếp diễn. Đó là lí do giải thích vì sao, từ góc độ kinh tế, các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh đã ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế tương đối ấn tượng. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp FDI cũng  tốt hơn các doanh nghiệp trong nước”, ông Thành chia sẻ.

Tất nhiên, doanh nghiệp FDI không thể đơn độc hoạt động, mà phụ thuộc rất lớn vào địa phương nơi đặt cơ sở sản xuất, nên khi TP.HCM, Bình Dương bùng dịch, đóng cửa, doanh nghiệp FDI cũng bị ảnh hưởng lớn. Song năng lực thích ứng của các doanh nghiệp này đang là kinh nghiệm cho kế hoạch mở cửa trở lại một cách an toàn của các doanh nghiệp, địa phương và cả Chính phủ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã chỉ đạo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, hạn chế tối đa việc giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống.

Nhưng ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đang nhìn thấy thách thức rất lớn trong thực hiện yêu cầu này.

Ví dụ trong ngành dệt may, nếu các doanh nghiệp Việt Nam vì các quy định giãn cách, vì ách tắc trong lưu thông hàng hóa.... mà giao chậm hàng không kịp mùa Noel của năm nay hoặc vụ xuân hè của sang năm, không đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi cung ứng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thì thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác cũng không thể đợi được, sẽ phải tìm nguồn thay thế hiệu quả hơn.

Nếu Việt Nam không đảm bảo được kỳ vọng của các thị trường trọng yếu như Mỹ, không đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi cung ứng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thì Chính phủ Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác cũng không thể duy trì mãi được, không thể hỗ trợ một thị trường không thấy hiệu quả.

“Chúng tôi cũng đã dự báo và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khó khăn về hợp đồng kinh tế xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở quý IV/2021, mà có thể kéo sang quý I/2022. Nếu chúng ta có 150 triệu liều vaccine từ nay đến hết tháng 12/2021, thì đến hết quý I mới hết khó khăn. Nếu chúng ta không có vắc-xin như các nhà chuyên môn y tế đã nói, thì chi phí việc tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế rất lớn, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp”, ông Kiên thừa nhận thực tế.

Đáng nói là khi đó, sức khỏe doanh nghiệp trong nước đang ở thế suy kiệt. Trong báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đầu tháng 9/2021, mức tranh doanh nghiệp rất xấu.

Trong tổng số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, số doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp cố gắng “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” mặc dù phần lớn không thể hoạt động toàn công suất chỉ chiếm 16% (tương đương với 3.355 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp “Giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15% (tương đương với 3.272 doanh nghiệp).

Đặc biệt, dòng tiền dự trữ cho hoạt động của các doanh nghiệp còn lại quá mỏng, trong đó: có tới 63,7% các doanh nghiệp trả lời khảo sát thuộc nhóm “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” chỉ còn dòng tiền dự trữ cho dưới 3 tháng hoạt động. Tỷ lệ này ở nhóm “tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” lên tới 86,4%. Đi cùng với tình trạng trên là hàng triệu người lao động mất việc, mất thu nhập...

Đây là cơ sở để ông Kiên lo ngại, nếu không có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi và kích thích kinh tế phù hợp, yêu cầu của Chính phủ về việc đến cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ tiến cùng nhịp với kinh tế thế giới, hồi phục trở lại thời kỳ như tháng 12/2019 sẽ không đạt được.

Những đòi hỏi của kịch bản phục hồi kinh tế

Mặc dù Nghị quyết 105/NQ-CP hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngay vào ngày ký. 9/9/2021, nhưng giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là những giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ để mở cửa trở lại doanh nghiệp.

“Đây là điều kiện tiên quyết trước khi nói về phục hồi kinh tế, cần phải làm ngay, sớm nhất có thể để giữ mạch lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí kinh doanh, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Nhưng một kịch bản phục hồi kinh tế thận trọng nhưng bài bản cần được nghiên cứu, hoàn thiện sớm để nguồn lực hỗ trợ vốn không dồi dào của chúng ta đến đúng chỗ”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Theo ông Thiên, có 4 vấn đề cần được đề cập trong kịch bản này. Một là, xác định tọa độ ưu tiên với nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có tác dộng lan tỏa, giữ chuỗi cung ứng, nhóm doanh nghiệp phục hồi nhanh; hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế tạo ra năng lực sản xuất mới. Hai là, kích hoạt đầu tư công, bơm máu cho nền kinh tế, thông qua giải quyết các ách tắc quy trình, thủ tục đầu tư. Ba là, giữ sức mua cho nền kinh tế. Bốn là, hỗ trợ lao động trở lại...

“Lúc này, nhận diện đúng thực trạng rất quan trọng, để doanh nghiệp, từng ngành, lĩnh vực có kịch bản phục hồi riêng, nhưng gắn kết và phù hợp với kịch bản tổng thể. Đây là lúc các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải vào cuộc cùng với các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ. Quan điểm của tôi là hỗ trợ doanh nghiệp để nền kinh tế đứng dậy với năng lực sản xuất mới, chứ không phải cứu doanh nghiệp để nền kinh tế dậm chân tại chỗ”, ông Thiên đề xuất.

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn “Vượt qua COVID”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ