Khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua đối với phát triển năng lượng tái tạo

Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng việc khai thác NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi.
HỒ TÁ TÍN (*)
29, Tháng 10, 2020 | 09:43

Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng việc khai thác NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi.

vi_sao_chua_khai_thac_het_tiem

Còn rất nhiều thách thức đang đặt ra đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2010 các dự án sản xuất điện từ NLTT như điện mặt trời và điện gió khi chỉ khai thác được 39,5MW, bằng việc đặt nền móng chính thức bằng việc ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với điện mặt trời và Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 (sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018) về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với điện gió của Thủ tướng Chính phủ.

Với cơ chế chính sách được ban hành trên đã tạo động lực và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với tổng công suất các dự án NLTT được bổ sung quy hoạch đến nay lên đến khoảng 11.630MW đối với điện gió và khoảng 14.693MW đối với điện mặt trời. Trong đó, đến nay có 92 dự án điện mặt trời với hơn 4.693MW và 12 dự án điện gió với công suất khoảng 448MW đã đi vào vận hành thương mại.

Tỷ lệ các dự án NLTT đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch, con số đã “nói” lên được thực trạng triển khai dự án NLTT trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

Dưới đây là những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua đối với phát triển NLTT dưới góc nhìn của Doanh nghiệp, đầu tiên là về cơ chế chính sách:

Đối với điện mặt trời: Quyết định 11 và 39, với cơ chế giá FIT hấp dẫn đã tạo cú hích mạnh mẽ thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân và nước ngoài đã khai thác tối ưu nguồn NLTT và đã lập kỷ lục về phát triển nguồn điện tại Việt Nam khi chỉ trong thời gian ngắn (hơn 2 năm) đã phát triển và đưa vào vận hành đến 4.693MW hòa lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đang đặt ra với các nhà đầu tư vào nguồn điện từ năng lượng mặt trời như giá FIT 2 theo Quyết định 13 có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 nhưng thời hạn áp dụng chỉ đến ngày 31/12/2020 và chưa có cơ chế đấu thầu rõ ràng đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020.

Do đó, việc chưa rõ cơ chế chính sách áp dụng sau năm 2020 sẽ khiến các nhà đầu tư không thể “an tâm” để đầu tư và việc triển khai đầu tư đưa khoảng 10.000MW còn lại vào vận hành là rất khó khả thi nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu ngay từ bây giờ.

Đối với điện gió: Chủ trương hỗ trợ phát triển điện gió được đặt nền móng ngay từ năm 2011 bằng việc ban hành Quyết định 11 với cơ chế giá FIT, tuy nhiên do cơ chế giá FIT chưa thật sự hấp dẫn nên đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39 tăng giá FIT lên 8,5Uscent/kWh đối với điện gió trên bờ và 9,8Uscent/kWh đối với điện gió trên biển đã thật sự tạo động lực phát triển điện gió tại Việt Nam khi quy mô công suất tăng vọt từ 37,5MW (năm 2010) lên 11.630MW (năm 2020).

Tuy nhiên, khác với phát triển điện mặt trời khi mà trong suốt thời gian từ 2010 đến nay, chỉ mới 12 dự án với khoảng 448MW/11.630MW đi vào vận hành, đạt tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu quy hoạch đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu do đặc thù phát triển điện gió rất khác so với điện mặt trời như thời gian xây dựng, thời gian đo bức xạ/gió, quy mô công suất,... Điều này đã làm tăng đáng kể thời gian đầu tư, xây dựng và hoàn thành một dự án điện gió, trung bình khoảng 2 năm đối với điện gió trên bờ và từ 3-4 năm đối với điện gió ngoài khơi nếu không gặp phải trở ngại khác quan do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng (supply chain), vận chuyển và đi lại khó khăn,... như đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, từ nay đến hết tháng 10/2021 là không đủ thời gian để nhà đầu tư triển khai các hoạt động chuẩn bị và thực hiện xây dựng dự án điện gió trong danh mục dự án được bổ sung quy hoạch và theo đánh giá cần thiết phải kéo dài giá FIT theo Quyết định 39.

Mặt khác, việc chưa có quyết định chính thức cho phép kéo dài cơ chế giá FIT sau tháng 10/2021 đối với các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch đã gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay cho dự án do các ngân hàng lo ngại tính rủi ro trong phương án tài chính và trả nợ vay không đảm bảo...

Hai là về điều kiện tiếp cận vốn vay, theo đó, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước do các ngân hàng không đủ hạn mức cho vay và lãi suất cho vay cao (từ 10% trở lên). Bên cạnh đó, việc các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ vốn tự có cao (từ 30-40%) đã gây nhiều khó khăn cho việc thu xếp tài chính cho dự án.

Việc vay vốn từ ngân hàng nước ngoài, mặc dù lãi suất thấp (khoảng 4-5%) nhưng nhà đầu tư trong nước khó tiếp cận được do yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ. Để đảm bảo hiệu quả của dự án và sớm triển khai đưa dự án vào hoạt động theo tiến độ, các nhà đầu tư trong nước thường hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng toàn bộ/một phần dự án để được tiếp cận nguồn vốn vay từ nước ngoài với lãi suất thấp..

“Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho nhà đầu tư và xã hội”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Đề xuất giải pháp khắc phục

Về cơ chế, chính sách: Sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư đưa các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Đề xuất lựa chọn áp dụng chomột số dự án phù hợp, thuận lợi cho việc triển khai đầu tư nhanh trong các dự án đã được bổ sung quy hoạch để bổ sung nhanh nguồn điện trước nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025.

Về điều kiện tiếp cận vốn vay: Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng được giảm yêu cầu về vốn tự hiện là 30-40% giảm xuống còn 15-20%, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay dưới 8% và ưu tiên nguồn vốn dành riêng cho đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió để nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

(*) Ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch Tập đoàn HBRE

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ