Khảo sát Davos: Các lãnh đạo trên toàn cầu bi quan về 2022

Nhàđầutư
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và học giả trên thế giới bi quan về triển vọng 2022 do đại dịch và sự chia rẽ vì phục hồi kinh tế không đồng đều, theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
KIM NGÂN
12, Tháng 01, 2022 | 18:33

Nhàđầutư
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và học giả trên thế giới bi quan về triển vọng 2022 do đại dịch và sự chia rẽ vì phục hồi kinh tế không đồng đều, theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

chung khoan

Hình ảnh những người qua đường đeo khẩu trang tránh lây nhiễm virus Corona phản chiếu trên màn hình hiển thị giá cổ phiếu, bên ngoài một công ty chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/3/2020. Ảnh: Reuters

Đại dịch vẫn là mối quan ngại rất lớn dù đã bước sang năm thứ ba. Họ cũng lo lắng phục hồi kinh tế không đồng đều có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong xã hội và giữa các quốc gia.

Hơn 84% trong số 1,000 nhà lãnh đạo và chuyên gia được khảo sát "lo lắng" hoặc "quan ngại" về triển vọng thế giới, theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của diễn đàn Davos, được công bố hôm thứ Ba. Chỉ 12% có quan điểm tích cực, và chỉ 4% cho biết cảm thấy lạc quan.

"Hầu hết những người được khảo sát...dự báo đặc điểm của ba năm tới là sự bất định kéo dài và nhiều bất ngờ hoặc 'quỹ đạo' bị đứt gãy sẽ phân tách người thắng và người thua", WEF cho biết.

Do chỉ 1/2 dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, WEF nói bất bình đẳng về vaccine đang tạo ra các mức phục hồi kinh tế khác nhau, "có nguy cơ làm gia tăng sự phân chia xã hội vốn đã tồn tại và căng thẳng địa chính trị tồi tệ hơn".

Chỉ 11% dự báo phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc trong ba năm tới. Khảo sát cho thấy các nước đang phát triển, trừ Trung Quốc, sẽ tụt lại xa hơn phía sau các nền kinh tế tiên tiến.

Hơn 40% người được khảo sát đến từ giới kinh doanh, 16% đại diện cho các chính phủ và 17% thuộc giới học thuật. Khoảng 45% sống ở châu Âu, 15% từ Bắc Mỹ và 13% ở châu Á.

"Tác động kinh tế của đại dịch, cùng với sự mất cân bằng của thị trường lao động, chủ nghĩa bảo hộ và khoảng cách kỹ thuật số, giáo dục và kỹ năng ngày càng doãng rộng có nguy cơ chia cắt thế giới thành những quỹ đạo khác nhau", WEF bình luận. Tổ chức này tháng trước tuyên bố trì hoãn hội nghị thượng đỉnh 2022 ở Davos, Thụy sĩ.

Nhìn xa hơn, các lãnh đạo và chuyên gia chỉ ra rằng không hành động đối với khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất trong thập kỷ tới, tiếp theo là thời tiết cực đoan, mất đa dạng sinh học, xói mòn liên kết xã hội, khủng hoảng sinh kế và các bệnh truyền nhiễm. Các cuộc khủng hoảng nợ cũng được xếp trong top 10 rủi ro toàn cầu.

"Khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lâu dài lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt", Peter Giger, giám đốc rủi ro của tập đoàn Zurich Insurance Group, đơn vị hợp tác với WEF thực hiện báo cáo, cho biết.

"Không quá muộn để các chính phủ và doanh nghiệp hành động trước những rủi ro mà họ phải đối mặt và thúc đẩy một quá trình chuyển đổi bao trùm, quyết tâm và sáng tạo nhằm bảo vệ các nền kinh tế và con người".

Theo WEF, rủi ro cũng đang xuất hiện nhiều dặm phía trên trái đất (1 dặm tương đương hơn 1,6 km), không gian ngày càng bị quân sự hóa, trong khi có các hoạt động kinh tế mới trong không gian làm lệch sự cân bằng quyền lực ở một vùng chưa được kiểm soát.

"Một hậu quả của hoạt động không gian tăng tốc là nguy cơ va chạm cao hơn có thể dẫn đến sự gia tăng của các mảnh vỡ không gian và tác động đến quỹ đạo lưu trữ cơ sở hạ tầng cho các hệ thống quan trọng trên trái đất, làm hỏng các thiết bị không gian có giá trị hoặc gây căng thẳng quốc tế".

WEF không phải là tổ chức duy nhất cảnh báo những rủi ro lớn trong năm 2022.

Eurasia Group, công ty tư vấn về rủi ro chính trị có trụ sở ở New York, đầu tháng này cho biết Trung Quốc và Mỹ đều đang hướng nội, làm giảm khả năng lãnh đạo toàn cầu và khả năng ứng phó với các thách thức. Các nhà phân tích của hãng này cũng cảnh báo những rủi ro từ quản trị kỹ thuật số kém, sự "hung hăng" của Nga, căng thẳng gia tăng do tham vọng hạt nhân của Iran và quá trình chuyển đổi chậm chạp sang năng lượng sạch hơn.

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm thứ Ba giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc, đồng thời cảnh báo mức nợ cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và các biến thể Corona mới đe dọa sự phục hồi ở các nền kinh tế đang phát triển.

WB cho biết tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ giảm tốc "rõ rệt" xuống còn 4,1% trong năm 2022, từ mức 5,5% của năm ngoái, và giảm xuống còn 3,2% năm 2023 khi nhu cầu bị dồn nén "tan đi" và các chính phủ rút hỗ trợ tiền tệ và tài khóa khổng lồ cung cấp từ đầu đại dịch.

Con số dự báo cho 2022 thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6 của WB và có thể bị hạ thấp hơn nữa nếu biến thể Omicron vẫn tồn tại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng được cho là sẽ hạ dự báo tăng trưởng trong bản cập nhật vào ngày 25 tháng 1.

Dự báo mới nhất của WB cho biết có sự phục hồi lớn trong hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển vào năm 2021 sau khi giảm trong năm 2020, nhưng cảnh báo lạm phát kéo dài hơn, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lực lượng lao động đang diễn ra và các biến thể Corona mới có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

"Các nước đang phát triển đang phải đối mặt với các vấn đề dài hạn nghiêm trọng liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, các chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ", Chủ tịch WB David Malpass nói với báo chí, nhắc đến sự đảo ngược đáng lo ngại về tỷ lệ đói nghèo, dữ liệu dinh dưỡng và sức khỏe và những tác động vĩnh viễn từ việc đóng cửa trường học.

Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Thụy Sĩ UBP, đầu tuần này cảnh báo các nước châu Á sẽ đối mặt với ba cản trở lớn trong năm 2022. 

"Số ca nhiễn Omicron tăng lên. Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn, quanh mức 5%. Và biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Mỹ mới đây cho thấy tốc độ giảm lượng trái phiếu mua vào sẽ nhanh hơn dự kiến (tức thắt chặt chính sách tiền tệ). Những yếu tố này sẽ là mối đe dọa cho toàn châu Á", ông Casanova nói. 

(Theo CNN, Nikkei Asia, CNBC)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ