HoREA: Cảnh báo rủi ro tín dụng phân khúc nghỉ dưỡng và Condotel

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa phát đi cảnh báo rủi ro thị trường bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng và condotel. Khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm soát chặt dư nợ bất động sản, chứng khoán sau khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho từng đơn vị trong năm 2018.
17, Tháng 03, 2018 | 09:27

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa phát đi cảnh báo rủi ro thị trường bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng và condotel. Khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm soát chặt dư nợ bất động sản, chứng khoán sau khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho từng đơn vị trong năm 2018.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản (số 36/CV-HoRea, ngày 14/3/2018), ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoRea) cho biết, đang có sự bất bình thường về cung cầu đối với thị trường các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự, nhà phố trong các khu du lịch nghỉ dưỡng (condotel).

bds

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cảnh báo rủi ro tín dụng phân khúc nghỉ dưỡng và Condotel

Các dự án bất động sản thu hút nguồn vốn tín dụng

Theo đó, từ khoảng năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới ở nước ta, đó là các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự, nhà phố trong các khu du lịch nghỉ dưỡng (sau đây gọi là condotel), tập trung phát triển tại các khu vực ven biển, hải đảo như Vân Đồn, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc, và tại Lâm Đồng, Đồng Nai...

Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển nóng. Theo số liệu thống kê của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì chỉ riêng các khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn (từ 50 ha trở lên) đã có 77 dự án, với tổng diện tích 18.019 ha; 16.537 phòng khách sạn, 12.056 căn hộ condotel, 11.174 biệt thự nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, còn có hơn 120 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ, có diện tích dưới 50 ha/khu. Từ năm 2015 đến tháng 09/2017, cả nước đã có 71 dự án condotel, officetel được cấp phép với tổng số 25.639 căn. Trong đó, có 15.010 căn hộ condotel (Hà Nội: 4.114 căn; thành phố Hồ Chí Minh: 208 căn; Đà Nẵng: 4.565 căn và các tỉnh khác: 5.823 căn); và có 10.629 căn officetel (Hà Nội: 3.726 căn; thành phố Hồ Chí Minh: 6.424 căn; và các tỉnh khác: 479 căn).

Hiện nay, cũng đang có một nghịch lý là tỷ lệ căn hộ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong lúc tỷ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44% là không bình thường, vì ở các nước khác tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ condotel, nên cần phải có giải pháp định hướng phát triển phù hợp, bền vững.

Năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong hai năm 2018, 2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán, với diện tích căn hộ khoảng trên dưới 45 m2.

Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, sự phát triển "bùng nổ" các dự án căn hộ condotel đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, đáp ứng được một phần nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và nước ngoài. 

"Các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cùng với các dự án bất động sản nhà ở cao cấp cũng đã thu hút nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn đầu tư rất lớn của xã hội, của các nhà đầu tư thứ cấp, dẫn đến hiện tượng lệch pha dòng tiền đầu tư một cách đáng quan ngại mà chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần", đại diện HoRea cho biết.

Ngân hàng siết chặt vì những rủi ro tiềm ẩn

Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW "về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" đã định hướng chiến lược, tạo mọi điều kiện để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

nghi duong - nhadautu

 Ngân hàng nhà nước siết chặt tín dụng vì những rủi ro tiềm ẩn khi cho vay vốn tại các dự án bất động sản

Theo đó, những xu hướng phục hồi và bùng nổ của thị trường bất động sản bắt đầu từ quý II/2017 kéo dài đến nay. 

Nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn dù các khoản vay mới chưa đến kỳ kết thúc nhưng cuối tháng 1/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 563/NHNN-TTGSNH. Trong đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh. 

Cùng đó, để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách cơ quan quản lý. 

Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc nhở các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.

Theo một báo cáo phát hành đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2017, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng chiếm 15,8% trong tổng tín dụng (xây dựng khoảng 9,9%, kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,9%). Quy mô tín dụng toàn hệ thống tính đến cuối 2017 ước 6 triệu tỷ đồng.

Ngoài việc cảnh báo nêu trên, cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. 

Theo đó, các tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình, sau đây: từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45%; từ ngày 01/01/2019 là 40%; đồng thời, vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản như Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Như vậy, các chốt chặn đã được Ngân hàng Nhà nước thiết lập nhưng vấn đề là ý thức quản trị rủi ro từ chính các ngân hàng khi mà khối nợ xấu tồn tích từ các năm trước vẫn đang tiếp tục xử lý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ