Họa vô đơn chí, virus Corona tiếp tục là đòn giáng mạnh tới việc kinh doanh của ngành rượu bia

Nhàđầutư
Người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài do dịch cúm Corona, điều này đang gây thêm khó khăn cho việc kinh doanh của các nhà hàng, vốn đang chịu tác động từ Nghị định 100 về việc hạn chế tác hại của rượu bia.
QUANG DÂN
08, Tháng 02, 2020 | 14:35

Nhàđầutư
Người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài do dịch cúm Corona, điều này đang gây thêm khó khăn cho việc kinh doanh của các nhà hàng, vốn đang chịu tác động từ Nghị định 100 về việc hạn chế tác hại của rượu bia.

Trao đổi với Nhadautu.vn, anh Nguyễn Sơn, quản lý chuỗi nhà hàng Nhất Nướng (Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ trước Tết, nhà hàng đã bị tác động rất mạnh bởi Nghị định 100, ngay sau Tết lại xảy ra đại dịch do virus Corona nên hiện nay tình hình kinh doanh của nhà hàng đang gặp rất nhiều khó khăn. 

"Trước tiên, là học sinh, sinh viên được nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân viên phục vụ, chưa kể, một số nhân viên còn lại cũng được gia đình gọi về quê để tránh dịch bệnh, rồi giá nguyên vật liệu như thịt lợn và rau tăng cao ảnh hưởng đến ngân sách thu chi của quán", anh Sơn cho hay.

Cũng kinh doanh quán nhậu, chủ nhà hàng Hải Sản Tươi Sống trên trục đường Lê Đức Thọ chia sẻ, nghị định 100 đã khiến khách đến nhà hàng giảm đi đáng kể, giờ dịch bệnh tiếp tục khiến khách không còn đến quán nhiều như trước nữa.

"Doanh thu quán giảm đi hơn 50% so với bình thường, bây giờ em ra ngoài đường có còn thấy tắc đường nữa đâu, người dân chọn lựa ở nhà, tránh tới mấy tụ điểm đông người. Mấy ngày nay lượng khách hơn một nửa, số lượng bia bán ra giảm đáng kể, bình thường một ngày hơn 10 thùng, nay 3, 4 ngày chưa bán hết 10 thùng", chủ nhà hàng nói.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chủ nhà hàng, quán nhậu cho biết, thời điểm này doanh thu tại các cơ sở kinh doanh lỗ khoảng 2-3 triệu đồng/ngày. Trong đó, ngoài tiền thuê địa điểm mỗi tháng gần 50 triệu, lương nhân viên phục vụ, thực phẩm ế hằng ngày cũng tốn khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, đa số vẫn phải cầm cự vì toàn bộ vốn liếng đã đổ dồn vào đây, chưa kể, vì chưa hết hợp đồng thuê mặt bằng nên cố gắng thêm một thời gian chờ dịch tiêu tan mong tình hình khởi sắc hơn.

81545651-2492486624327835-2600461895815135232-n-1578432086-width1300height797

Sau nghị định 100, dịch bệnh virus Corona khiến cho nhiều nhà hàng quán nhậu thêm phần khó khăn. Ảnh Q.D

Tương tự, các đại lý bia rượu cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng hóa. Theo một chủ đại lý bia trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, sau Tết là dịp nhiều cơ quan, công ty tổ chức mừng năm mới, khai xuân nên lượng bia tiêu thụ rất lớn. Thời điểm này những năm trước, mỗi ngày cơ sở của anh xuất bán trên 1000 két bia các loại cho các cửa hàng và quán bia trên địa bàn TP. Hà Nội. Nhưng hiện tại, lượng bia bán ra chỉ bằng 40-50%, tức là khoảng 400-500 két bia/ngày.

"Trước Tết, lượng bia các đại lý nhập cũng đã giảm, có thể mùa Tết năm nay vì ảnh hưởng của nghị định 100 nên khách hàng mua bia cũng ít, đại lý nhỏ còn tồn bia. Thêm vào đợt dịch virus Corona mới đây nữa nên số lượng két bia xuất bán rất ít. So với cùng kỳ năm trước, hiện tại nhà tôi bị giảm khoảng 60% doanh số nếu tính riêng mặt hàng bia", chủ cơ sở này cho hay.

Đại diện Trung tâm phân phối đồ uống ĐẠI NAM DRINK cũng cho biết, hiện vì mới ra Tết nên vẫn chưa tổng hợp được số liệu chính xác, nhưng doanh số bán ra của trung tâm mấy ngày qua cũng đã giảm sút đi rất nhiều.

Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, dịch bệnh là đòn giáng nặng nề vào ngành bia, vốn đang chịu ảnh hưởng lớn từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020).

Cổ phiếu của Sabeco (HOSE: SAB) rớt khỏi mốc giá 200,000 đồng/cp lần đầu tiên sau một năm rưỡi (tính từ đầu tháng 8/2018), bất chấp nhà sản xuất Bia Sài Gòn vừa trải qua một năm với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.

Hãng bia lớn ở miền Bắc, Habeco (HOSE: BHN) cũng có cổ phiếu sụt giảm đến gần 16% kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại (30/1) sau Tết Nguyên đán. Habeco vốn đã phải lo lắng về việc mất thị phần vào tay Sabeco và Heineken, thì nay lại phải đối diện nhu cầu tiêu thụ suy giảm vì người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh. SSI Research từng đánh giá hiệu quả hoạt động của Habeco trong thời gian gần đây là khá mờ nhạt, dù rằng hãng này cũng vừa thay đổi thương hiệu sản phẩm và thực hiện các chương trình quảng bá đa dạng.

Nhiều cổ phiếu ngành bia khác, đa phần là các công ty con thuộc Sabeco, cũng sụt giảm mạnh dưới sức ép của Nghị định 100 và virus corona.

Sau khi Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 100/2019, hãng tin Bloomberg cho rằng, nghị định này sẽ thổi bay 25% doanh số ngành bia trong thời gian tới. "Những ngày này, tất cả điểm kinh doanh rượu bia đều vắng khách. Chúng tôi chưa có thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán bia rượu, nhưng chắc chắn là đã giảm rất nhiều", Bloomberg dẫn lời ông Lương Xuân Dũng thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam.

Ngày 30/12/2019, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.

Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy Nghị định cũng tăng mức phạt tương tự.

Hàng nghìn trường hợp vi phạm bị phạt nặng, tước bằng lái xe đến gần 2 năm được các phương tiện truyền thông đưa tin, khiến nhiều dân nhậu răm rắp tuân thủ theo khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng nghĩa với đó là các nhà hàng, quán nhậu lâm vào cảnh điêu đứng vì mất khách.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ