Giấc mơ công nghiệp

Mục tiêu “Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vừa phải hoãn thêm 10 năm nữa, từ 2020 lên thành 2030.
NGUYỄN ĐĂNG ANH THI - CHUYÊN GIA NĂNG LƯỢNG VÀ MÔI TRƯỜNG
16, Tháng 01, 2020 | 10:51

Mục tiêu “Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vừa phải hoãn thêm 10 năm nữa, từ 2020 lên thành 2030.

Anh tôi là một trong những chứng nhân điển hình tham gia vào hiện thực hóa mục tiêu "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đất nước. Ngày các bạn cùng trang lứa háo hức thi đại học, anh tôi lặng lẽ đạp xe vào Tây Lộc, Thừa Thiên Huế xin học nghề may.

Dù tiếc nuối đường học vấn, anh muốn nhanh chóng gánh vác trách nhiệm con trai trưởng để phụ giúp gia đình. Rồi cơn sốt may xuất khẩu áo gió tràn vào Sài Gòn đã kéo nhiều thanh niên xứ Huế xuôi Nam tìm cơ hội. Nhảy vội lên chuyến xe đò mù mịt khói với chiếc cặp học trò nhẹ hều trên vai, anh còn không kịp nhìn ba mẹ và các em nhòe nước mắt chia tay. Đó là một ngày xuân của 30 năm trước.

cong-nghiep-o-to-van-la-giac-mo_1

 

Tôi đỗ đại học, anh em tôi tái ngộ tại Sài Gòn sau đó 3 năm. Tôi còn nhớ lần đầu đạp xe lên thăm xưởng anh làm việc và ở lại tại Hòa Hưng. Đó là cái xưởng may nóng hừng hực, vải vóc chất đầy các phòng và lối đi. Người anh ốm nhom và xanh xao vì phải thường xuyên làm việc đến khuya, gần như không có ngày nghỉ. Mồ hôi nhễ nhại, anh dặn không được nói cho ba mẹ biết về điều kiện làm việc và sinh hoạt của anh.

Lúc còn ở Huế, tôi vẫn hình dung một cuộc sống rạng ngời của anh nơi Sài Gòn đô hội. Hình ảnh của anh làm tôi ngỡ ngàng với những gì được học qua môn Giáo dục Công dân. Những người như anh trong sách là "lực lượng sản xuất tiên phong tạo ra các giá trị thặng dư và sự giàu có cho xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Lẽ nào?

Sau 30 năm đặt chân vào Sài Gòn, hiện nay vợ chồng anh cũng chỉ tạm ổn định với nghề may. So với bạn bè, anh được coi là người "có thăng tiến trong sự nghiệp" khi được cân nhắc lên làm quản lý kỹ thuật từ rất sớm. Tuy vậy, việc sở hữu một ngôi nhà đàng hoàng với chiếc ô tô, tạm gọi là chuẩn mực của sự khá giả ở Việt Nam, đối với anh là giấc mơ rất xa vời.

Đến năm 2030, đất nước được kỳ vọng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%.

Suốt chiều dài lịch sử, công nghiệp (không tính xây dựng) chưa bao giờ đóng góp đến một phần ba GDP của Việt Nam. Trong 30 năm qua, dù được ưu tiên nhiều nguồn lực, công nghiệp vẫn không đáp ứng vai trò đầu tàu như kỳ vọng. Tỷ trọng công nghiệp đóng góp vào GDP chỉ tăng được từ mức gần 20% năm 1990 đến mức 28,5% năm 2019, nghĩa là chỉ tăng 8,5 điểm phần trăm trong suốt 30 năm. Với những gì ta đã thấy, tôi không dám chắc công nghiệp Việt Nam sẽ có bước đại nhảy vọt trên 11,5 điểm phần trăm để chạm mốc trên 40% trong GDP chỉ trong 10 năm tới.

Tuy thừa nhận rằng, công nghiệp đã cùng với xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước thời gian qua. Nhưng với những mặt được và mất, lợi ích và chi phí, có lẽ các nhà quản lý Việt Nam nên tư duy lại về việc phát triển công nghiệp.

Điểm chung của nền công nghiệp Việt Nam sau vài chục năm công nghiệp hóa là sa lầy vào gia công - lắp ráp, khai thác - xuất khẩu tài nguyên thô và sự mở rộng không thể kiểm soát của những ngành thâm dụng năng lượng. Một mâu thuẫn có tính cốt lõi, khi mục tiêu tối hậu mà quốc gia hướng tới là "dân giàu, nước mạnh" thì công nghiệp lại đi theo những ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Nói cách khác, tăng trưởng công nghiệp lâu nay chỉ dựa trên khai thác vốn tài nguyên và cơ bắp, thay vì chất xám, nên dân chưa giàu là lẽ tự nhiên. Liệu có cách nào để giàu mạnh mà không nhất thiết phải công nghiệp hóa như con đường đã, đang và đi?

Ta đặt mục tiêu công nghiệp hóa nhưng không định lượng được cái giá phải trả cho sự mất đi của những cánh đồng, dòng sông, bờ biển, khu rừng, ngọn núi và cả bầu trời trong xanh. Trong mọi hoạt động kinh tế, công nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây cạn kiệt, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường hơn thập kỷ qua tại Việt Nam.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam ước tính ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 5% GDP. Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm nước gây tổn thất cho Việt Nam khoảng 3,5% GDP. Tức chỉ riêng ô nhiễm không khí và nước đã lấy đi của Việt Nam hàng năm gần 23 tỷ USD, và con số này gia tăng tịnh tiến theo tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Đó là chưa kể những thiệt hại do suy thoái đất, nước ngầm, rừng, tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học... Hay chưa tính đến những thiệt hại kinh tế khi giới đầu tư và khách du lịch quay lưng lại với Việt Nam vì ô nhiễm, những cuộc tị nạn môi trường và bất ổn xã hội như là hệ quả gián tiếp.

"Bắt chước Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa giá rẻ là điều Việt Nam hoàn toàn không nên làm", khuyến cáo này được giáo sư Michael Porter, cha đẻ thuyết cạnh tranh, người tiên phong đưa ra lý thuyết "Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia", phát biểu trước 700 đại biểu là lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam 10 năm trước. Ông nêu ra hai cái bẫy làm giảm năng lực cạnh tranh: chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà xem nhẹ khả năng sinh lời, và tư duy rập khuôn, bắt chước. Ông cũng gợi ý, để giành lợi thế cạnh tranh, phải tạo ra sự khác biệt.

Một thập kỷ đã trôi qua, lời nói ngày nào của Michael Porter vẫn còn nguyên giá trị. Tôi chưa thấy sự khác biệt nào để hy vọng công nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trong khu vực, chưa nói trên toàn cầu.

Suốt hơn 4.000 năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn nỗ lực và khao khát vươn lên để có đời sống ấm no cho  nhân dân và thịnh vượng cho tổ quốc. Từ những ngày đầu dựng nước, Việt Nam từng là một trong những nền văn minh nông nghiệp và thương mại ở Đông Á. Đầu thế kỷ 19, nền kinh tế Việt Nam lớn thứ năm trong khu vực, có quy mô lớn hơn Philippines và Myanmar cộng lại, và gấp Thái Lan hơn 1,3 lần. Điều đó cho thấy dân tộc Việt Nam có một nền tảng đủ tốt để trở nên hùng cường. Nhưng trong mấy chục năm qua, chúng ta đã sao chép máy móc mô hình kinh tế của Liên Xô và Trung Quốc, bỏ qua sở trường là một quốc gia nông nghiệp hàng ngàn đời nay để chạy theo sở đoản công nghiệp xa lạ. Hậu quả, ta đã bị bỏ lại quá xa trên con đường kiếm tìm thịnh vượng.

Nếu việc tổ chức và vận hành nhà nước như một doanh nghiệp lớn thì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp này đang ở đâu? Với nền tảng là một quốc gia nông nghiệp, tôi ủng hộ chọn nông nghiệp và dịch vụ làm trụ cột cho nền kinh tế, với một hệ sinh thái hỗ trợ vận hành hai ngành này để đạt hiệu quả cao nhất. Tôi cũng ủng hộ công nghiệp hóa, nhưng là công nghiệp hóa nông nghiệp, và ưu tiên những ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ; đồng thời hạn chế, hướng đến loại bỏ dần những ngành thâm dụng năng lượng, sức người và ô nhiễm môi trường.

Không quốc gia nào có thể cạnh tranh ở tất cả các ngành, theo giáo sư Michael Porter, các quốc gia chỉ có thể thành công khi có lợi thế cạnh tranh bền vững trong một số ngành nào đó. Sự khác biệt của Việt Nam là nguồn vốn con người cùng các giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ song song đó để tạo nên ưu thế quyết định sự thành công của Việt Nam là một thể chế ưu việt.

Giấc mơ công nghiệp theo kiểu "phát triển trước mắt, trả giá về sau" bởi nó chưa bao giờ đem lại thịnh vượng bền vững cho quốc gia nào.

(Theo VnExpress)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ