GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt 2.590 USD

Năm 2018, GDP bình quân đầu người nước ta tăng lên 2.590 USD/người (hơn 201,6 USD/người so với năm trước). Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 vẫn giữ được xu thế tích cực nhưng vẫn gặp không ít khó khăn...
THỤC ANH
26, Tháng 04, 2019 | 08:38

Năm 2018, GDP bình quân đầu người nước ta tăng lên 2.590 USD/người (hơn 201,6 USD/người so với năm trước). Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 vẫn giữ được xu thế tích cực nhưng vẫn gặp không ít khó khăn...

Ngày 25/4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế -  xã hội 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019.

Nền kinh tế đối diện với nhiều thách thức

Ông Lê Quang Mạnh cho biết, đến nay, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018 được đánh giá bổ sung là đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Tổng kim ngạch xuất, nhập khấu hàng hóa đạt cao, trên 480 tỷ USD, tăng hơn 52 tỷ USD (12,2%) so với năm 2017, vượt mục tìêu đề ra. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 6,8 tỉ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm gần 2,8% kim ngạch xuất khẩu.

Quy mô GDP tăng thêm hơn 536.000 tỷ đồng so với năm 2017 và gấp 1,32 lần so với năm 2015, tốc độ tăng đạt 7,08%, vượt số đã báo cáo là 6,7% và mục tiêu Quốc hội giao là 6,5-6,7%. GDP bình quân đầu người tăng lên 2.590 USD/người, tăng thêm khoảng 201,6 USD/người so với năm 2017 và gấp 1,23 lần so với năm 2015.

le-quang-manh-1831

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong ba năm gần đây.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019.

Bộ KH&ĐT dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ từ nội tại của nền kinh tế. Đặc biệt là các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn với mức tăng trưởng âm, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế...

Dù nhiều thách thức, song báo cáo cho biết Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu đề ra đầu năm, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định mặc dù các chuyên gia kinh tế nói rằng năm nay kiểm soát lạm phát dưới 4%. Nhưng, những dấu hiệu của diễn biến thị trường trong nước, diễn biến thị trường thế giới, giá điện, giá xăng...sẽ gây sức ép lạm phát.

"Các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chúng ta phải điều hành như thế nào để linh hoạt, để kiềm chế vấn đề này? Như thế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tiếp theo của năm 2019", ông Thanh phân tích.

Khó khăn của 4 ngân hàng là vấn đề tăng vốn

Về việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay cơ bản được thực hiện đúng theo lộ trình. Bà cho rằng vấn đề tăng vốn là rất khó khăn đối với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV), vốn đã được phê duyệt phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 -2020.

nguyen-thi-hong

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp.

Theo bà, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi, các ngân hàng này nếu không được tăng vốn thì sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. IMF cũng khuyến nghị việc tăng vốn cho các ngân hàng này là cần làm ngay, không thể trì hoãn, bà Hồng nói.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích, khó khăn nằm ở chỗ nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn.

Ngoài ra, tại nghị định 91 đã được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 32 của Chính phủ thì phạm vi bổ sung đầu tư vốn của nhà nước cũng không bao gồm đầu tư bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

"Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn nói trên cho bốn ngân hàng thương mại nhà nước", nữ Phó thống đốc khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ