Du lịch Quảng Nam thiệt hại 15.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, thiệt hại về du lịch của tỉnh khoảng 15.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
THÀNH VÂN
21, Tháng 10, 2021 | 14:39

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, thiệt hại về du lịch của tỉnh khoảng 15.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Sáng 21/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế. 

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam đã trải qua gần 2 năm chịu tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh du lịch gần như tạm dừng toàn bộ, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực  tài chính của các doanh nghiệp đã cạn kiệt, khó khăn trong việc trang trải các chi phí như giữ người lao động, duy tu bảo dưỡng, trả các khoản nợ và phí lệ phí…

“Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm; trong 9 tháng đầu năm, thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoản nợ: ngân hàng, thuế, bảo hiểm... có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... và đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản”, ông Hồng thông tin.

Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, năm 2020, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 1.477.700 lượt khách, giảm 81,03% so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập xã hội từ tham quan, lưu trú du lịch đạt 2.526 tỷ, giảm 82,66 % so với cùng kỳ 2019.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 326.300 lượt khách, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 94,5% so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập xã hội từ du lịch đạt 660 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 93,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

khach-quoc-te-0858-1155

Du lịch Quảng Nam thiệt hại 15.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021.

Ông Hồng cho biết, đến nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như: Chính sách giảm thuế thu nhập 30% và gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Các doanh nghiệp lữ hành không được hưởng lợi nhiều từ chính sách này vì hầu hết doanh nghiệp không có doanh thu do đóng cửa hoặc không có khách. 

Hay đối với chính sách giảm tiền thuê đất; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất, năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách về tiền thuê đất nhưng chưa có ưu đãi trực tiếp về giảm tiền thuê đất. Các doanh nghiệp du lịch đã giảm lao động từ các đợt dịch bùng phát trong năm 2020 nên khó đáp ứng điều kiện được quy định tại chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất.

Ngoài ra, các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, các khoản vay từ sau 10/6/2020 đến nay vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch nhưng lại không đủ điều kiện để nhận chính sách hỗ trợ; chính sách giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp thành lập mới, không có ý nghĩa nhiều đối với doanh nghiệp đã thành lập và đang hoạt động mà chịu thiệt hại từ đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, khó khăn là hiện hơn 14.000 lao động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nghỉ việc hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác, do đó để mở cửa hoạt động thì cần có chính sách thu hút, đào tạo và bồi dưỡng lao động trở lại làm việc.  

Giải pháp mở cửa đón khách du lịch

Ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Phó Chủ Tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, để phục vụ cho phương án khôi phục lại du lịch Quảng Nam trong thời gian đến. Hiệp hội đề xuất cần ưu tiên tiêm vaccine cho người dân tại điểm đến du lịch. Hiện tiến độ triển khai vaccine tại Quảng Nam là còn ít, tỷ lệ phủ vaccine tại các điểm đến du lịch chưa cao, cụ thể như Hội An, Mỹ Sơn, Duy Xuyên.

Đồng thời, cần thống nhất tiêu chí an toàn trong phục vụ dịch từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp du lịch. Cụ thể, Nghị quyết 128 của Chính Phủ ra đời, có vài tiêu chí an toàn lạc hậu, vì vậy đề nghị Bộ VH-TT&DL và Bộ Y tế nên rà soát và điều chỉnh một lần nữa các quy định, tiêu chí an toàn trong phục vụ khách du lịch phù hợp trong tình hình mới. Hướng dẫn cho doanh nghiệp và địa phương triển khai đồng loạt và nhất quán.

Bên cạnh đó, ông Thuỷ đề xuất thống nhất duy nhất một cổng thông tin khai báo, nằm hạn chế sự phiền phức cho khách hàng, dễ dàng cho đơn vị cung cấp dịch vụ, thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

"Các doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Cần sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước để cho doanh nghiệp mở cửa trở lại, góp phần phục hồi nhanh ngành du lịch. Nhà nước cần hỗ trợ gói tín dụng vay mới, lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia phục hồi du lịch giai đoạn đầu, như doanh nghiệp lữ hành thuê chuyến bay charter, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, các cá nhân khởi nghiệp trong du lịch. Doanh nghiệp lưu trú cần vay để cải tạo, bảo trì, tái đầu tư khách sạn, khu nghĩ dưỡng, tuyển dụng mới nhân viên, đào tạo nhân viên, vận hành hệ thống và cơ sở vật chất", ông Thuỷ cho hay. 

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, việc khôi phục du lịch nội địa là bước đệm để mở cửa đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Để có thể thành công trong việc mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng.

Theo ông Bình, doanh nghiệp du lịch là chủ lực trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nơi, để mở cửa đón khách du lịch cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch an toàn, đáp ứng được những tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 của Trung ương và địa phương. Điểm nhấn trong các sản phẩm du lịch an toàn là các điểm đến an toàn, hành trình an toàn cùng với các dịch vụ an toàn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch xây dựng các dịch vụ du lịch an toàn, trong đó cốt lõi là đội ngũ nhân lực du lịch an toàn khi mở đón khách, các doanh nghiệp du lịch là những đơn vị thuộc tuyến đầu, có những bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch, vì vậy, việc đảm bảo an toàn, thuận lợi cho khách du lịch và người lao động tham gia phục vụ khách cũng được đặt lên hàng đầu.

"Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị giải pháp ứng phó khi xảy ra các tình huống của dịch bệnh COVID-19, như: Tập huấn cho nhân viên của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của địa phương; chuẩn bị các phương tiện, thiết bị, khu vực cách lý… để giải quyết sự cố trước khi chuyển giao cho cơ quan y tế", ông Bình thông tin. 

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, để chuẩn bị đón khách nội địa và quốc tế trở lại địa phương, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị rất tích cực trong việc đón bà con từ các nước trên thế giới về cách ly ở Quảng Nam. Đến nay, tỉnh đã đón hơn 21.600 công dân nước ngoài nhập cảnh về nước. Có thể nói đây là cơ hội cũng là một bài học thực tiễn rất phong phú để Quảng Nam có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. 

"Hiện nay chúng tôi đã rất sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để mở cửa đón khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế theo phương châm an toàn để đón khách và đón khách phải an toàn đúng chủ trương đề ra", ông Tân thông tin. 

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp, cụ thể: thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và lao động du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo tiêu chí du lịch xanh; đảm bảo môi trường an ninh, an toàn trong du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và giải quyết công ăn việc làm cho lao động du lịch; triển khai nhiều gói kích cầu du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch giữa các vùng trong nội tỉnh và giữa tỉnh Quảng Nam với các địa phương khác; tạo cơ chế, chính sách để phục hồi du lịch.   

Kế hoạch mở cửa đón khách theo 4 giai đoạn của Quảng Nam

Giai đoạn 1: Cuối tháng 10 khi tất cả lao động ngành du lịch được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày. Trước mắt tập trung đón nguồn khách du lịch (cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam) trong tỉnh là người dân địa phương, người đang sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành phố gần kề gắn với quy trình kiểm soát phòng chống dịch an toàn nhằm tái khởi động cơ bản được các hoạt động du lịch để chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch dịp Noel, Tết, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón khách từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Giai đoạn 2: Đầu tháng 12/2021 khi tất cả lao động ngành du lịch được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sau 14 ngày. Thí điểm đón khách du lịch (cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam) tại các tỉnh, thành phố trên cả nước theo mô hình "bong bóng du lịch" – khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.

Giai đoạn 3: Đầu tháng 1/2022, mở rộng đón khách (cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam) tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… Khách có thể lựa chọn hình thức đi theo tour trọn gói, khép kín của các Công ty lữ hành tổ chức hoặc khách đi lẻ tự chọn dịch vụ gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch. Triển khai chương trình tour/combo, hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi giải trí dành cho khách nội địa các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Giai đoạn 4: Ngay khi Quảng Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép đón khách quốc tế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ