Dù BCTC quý II/2018 không lỗ 'khủng', nhiều cổ phiếu vẫn khiến nhiều nhà đầu tư ‘dở khóc, dở cười'

Nhàđầutư
Bán không được, dù với mức giá thấp như thế nào, đó là tình cảnh của nhiều nhà đầu tư ‘trót’ mua các cổ phiếu này.
HÓA KHOA
08, Tháng 08, 2018 | 09:58

Nhàđầutư
Bán không được, dù với mức giá thấp như thế nào, đó là tình cảnh của nhiều nhà đầu tư ‘trót’ mua các cổ phiếu này.

nhadautu - do khoc do cuoi voi co phieu toi te

Dù BCTC quý II/2018 không lỗ 'khủng', nhiều cổ phiếu vẫn khiến nhiều nhà đầu tư ‘dở khóc, dở cười'

Mùa BCTC quý II/2018 vừa qua ghi nhận những cái tên yếu kém quen thuộc.  

Lỗ lớn nhất trên sàn HOSE vừa qua là mã TTF của Công ty CP Tập đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành. 6 tháng đầu năm 2018, TTF lỗ đến gần 568 tỷ đồng, chỉ riêng quý II/2018 vừa rồi TTF lỗ hợp nhất đến hơn 565 tỷ đồng.  

Một cái tên ‘lỗ’ lớn quen thuộc khác là Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – Mã PVD). Quán quân ‘lỗ’ này ghi nhận lỗ đến 332 tỷ đồng sau nửa năm 2018.

Ngoài ra, cũng phải kể đến mã VIS của Công ty CP Thép Việt Ý khi lỗ hơn 66 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2018, đáng chú ý quý II/2018 của VIS lỗ 68 tỷ đồng – mức lỗ kỷ lục kể từ khi VIS lên sàn.

Một cái tên khác lỗ nặng quen thuộc dự phần là VOS của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam khi lỗ đến 22,2 tỷ đồng trong quý II/2018 và lỗ 52,2 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2018.

Song vậy, triển vọng của các cái tên này vẫn được giới đầu tư để tâm. Có thể kể đến hai cái tên lỗ nặng nhất là TTF và PVD vẫn được dự báo với nhiều triển vọng. Nếu với TTF, Ban lãnh đạo và HĐQT đang liên tục nỗ lực tái cơ cấu công ty, thì PVD mức lỗ trong quý II/2018 đã thu hẹp rất nhiều so với quý I/2018, ngoài ra, với việc PVN chuẩn bị ký loạt hợp đồng triển khai mỏ mới, giới đầu tư, phân tích rất hy vọng các doanh nghiệp trong dịch vụ Dầu khí như PVD (và cả PVS) sẽ có việc làm và ghi nhận lợi nhuận tốt.

BCTC quý II/2018 ghi nhận nhiều cái tên dù không lọt vào top mã lỗ mạnh, nhưng lại khiến nhiều nhà đầu tư ‘dở khóc, dở cười’.

Cái tên đầu tiên phải kể đến là KSA của Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận. Kết quả kinh doanh quý II/2018 với doanh thu hơn chỉ vỏn vẹn 4,03 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm hơn 411 triệu đồng. Tính trong 6 tháng đầu năm 2018, KSA vẫn lãi 984 triệu đồng.

Song vậy, KQKD lại chẳng hề quan trọng với những ai nắm cổ phiếu KSA. Theo đó, KSA đã bị hủy niêm yết từ ngày 2/8/2018. Nguyên nhân được HOSE đưa ra do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và xét thấy phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Trước đó HoSE đã đưa cổ phiếu KSA vào diện bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/5/2018 do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, và đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Sau khi hủy niêm yết, KSA đã đăng ký niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCom. Song vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo cổ phiếu này sẽ tiếp tục trong diện bị đình chỉ giao dịch.

Thoái bằng mọi giá, dù là thấp nhất cũng không thể, những ai lỡ ‘lên tàu’ KSA không khác gì ngồi trên đống lửa.

CDO của Công ty Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô Thị là cái tên thứ hai khiến nhà đầu tư ‘khóc ròng’, dù không lỗ đến mức trăm tỷ đồng như TTF, PVD, nhưng tương lai của CDO ‘tối như hũ nút’.

Doanh nghiệp này trong quý II/2018 thậm chí không ghi nhận doanh thu hoạt động và qua đó lỗ đến gần 400 triệu đồng. Lý giải từ CDO cho rằng, do năm 2018 tập trung thực hiện Dự án tại Lào, do đó trong năm nay sẽ gần như … không phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù giải trình cho rằng chi phí việc quản lý, kiểm toán và chuẩn bị họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 khiến BCTC quý II/2018 lỗ nhẹ, nhưng đến giờ CDO vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 lần 2 do không đủ cổ đông dự họp.

CDO đã nhận ‘trát’ hủy niêm yết từ ngày 6/8/2018 do Công ty đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Trước đó, Cổ phiếu CDO đã bị tạm ngừng giao dịch trên HoSE từ ngày 4/6/2018.

Dù chưa công bố kế hoạch đăng ký niêm yết trên sàn UpCom, nhưng kể có thể, CDO khả năng cao sẽ vào diện đình chỉ giao dịch như KSA.

Một cái tên khác là VHG của Công ty CP Đầu tư Cao su Quảng Nam cũng khiến nhà đầu tư ‘sống dở, chết dở’. Giống CDO, dù không ghi nhận lỗ quá nặng, nhưng VHG không hề có … doanh thu trong BCTC quý II/2018. VHG giải thích lý do không có doanh thu sau 6 tháng đầu năm đến từ việc tái cấu trúc hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh. VHG cho hay trong giải trình, doanh nghiệp dự kiến có doanh thu từ mảng nhựa và ống nhựa từ quý III/2018.

Cái tên khác là ‘người cũ’ của HOSE, Công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã STT). Cụ thể STT đã bị hủy niêm yết do kết quả kinh doanh thua lỗ 03 năm liên tiếp, căn cứ trên BCTC kiểm toán 2015, 2016 và 2017.

Chuyển nhà sang UpCom, song vậy, tình hình vẫn chẳng khá khẩm hơn với STT khi thanh khoản cổ phiếu này gần như không có. Những phiên giao dịch có thanh khoản của STT chỉ diễn ra ở những phiên đầu tiên mã này mới chào sàn và chỉ dao động từ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu, còn đa phần các giao dịch của STT đều trong trạng thái chết thanh khoản. Thậm chí, STT vẫn chưa công bố BCTC quý II/2018.

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ