Dự án trọng điểm quốc gia: Cấp bách thực thi, đau đầu tìm vốn

Nhàđầutư
Hàng loạt dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng cần được gấp rút triển khai, tuy nhiên bài toán tìm vốn vẫn đang khiến các nhà quản lý đau đầu.
XUÂN HẢI
21, Tháng 06, 2017 | 18:50

Nhàđầutư
Hàng loạt dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng cần được gấp rút triển khai, tuy nhiên bài toán tìm vốn vẫn đang khiến các nhà quản lý đau đầu.

cao toc

Hàng loạt dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng cần được gấp rút triển khai, tuy nhiên bài toán tìm vốn vẫn đang khiến các nhà quản lý đau đầu

 Một loạt dự án trọng điểm chưa thu xếp được vốn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, cả nước vẫn còn một số dự án quan trọng cấp bách chưa cân đối được nguồn vốn bố trí. Có thể kể đến như: Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho công tác giải phóng mặt bằng); Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1 (tỉnh Bình Định); Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13.

 Bên cạnh đó là một loạt dự án BT phải thanh toán từ ngân sách trung ương như: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 20 – Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2, Dự án Đầu tư xây dựng ngã ba Huế…

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chưa bố trí được nguồn vốn cho các dự án trên là do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc sử dụng các khoản dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng chưa được Quốc hội cho phép.

Dù cho biết Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu chính phủ để giải quyết trước một số dự án cấp bách (Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn để ngỏ khả năng cấp vốn cho các dự án trên.

“Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nêu trên”, báo cáo của Bộ trình Quốc hội viết.

Long Thành thiếu vốn lớn, cao tốc Bắc - Nam chờ vào BOT

Đối với 2 dự án trọng điểm quốc gia là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cao tốc Bắc – Nam, tình trạng “đói vốn” vẫn đang diễn ra hết sức trầm trọng. Cụ thể, tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai cho biết nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, tái định cư lên đến 23.019 tỉ đồng (theo đơn giá năm 2017). Trong khi đó, Quốc hội mới chỉ cho phép sử dụng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

antd-_cao_toc

Hàng loạt dự án lớn chờ vốn 

Số vốn còn thiếu lên tới hơn 18.000 tỷ đồng vẫn chưa biết phải lấy ở đâu ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đấy là trong trường hợp “nếu có điều kiện”.

Một số đại biểu quốc hội cho rằng có thể tạo lập một cơ chế sử dung đất tại dự án để có tiền thực hiện giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trong 5.000 ha dự án sân bay quốc tế Long Thành, chỉ có 2.780ha xây cơ sở hạ tầng cho sân bay, 1.050ha cho quỹ quốc phòng, còn 1.200 ha làm cơ sở dịch vụ. Nếu có cơ chế cho sử dụng 1.200ha đó thì có thể thu được một khoản tiền rất lớn. Hoặc nếu có thể tiết kiệm chi thường xuyên 1% trong hai năm 2017 và 2018 và thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ dôi ra hơn 20.000 tỷ đồng. Cộng với số tiền 5.000 tỷ đồng đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn thì “thừa” tiền giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, cho đến nay dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn chưa có Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội thông qua. Do đó, nhiều khả năng dự án sẽ bị giãn tiến độ kéo dài. Còn đối với dự án cao tốc Bắc – Nam, hiện vốn Nhà nước chỉ có 55.000 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư giai đoạn I đã lên tới 243.312 tỷ đồng (toàn dự án là hơn 312 nghìn tỷ đồng).

Vốn Nhà nước có quá ít nên Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra phương án 17/20 dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Dù có nhiều ưu điểm nhưng BOT rõ ràng không phải là chiếc đũa thần, nhất là trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi thông điệp kiểm soát tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông. Chính vì vậy, khi đưa ra phương án 17/20 dự án thành phần là BOT, Bộ Giao thông vận tải đã phải kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có “giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn triển khai dự án, đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vay vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á”. Như vậy ở dự án cao tốc Bắc – Nam có thể thấy một mâu thuẫn không nhỏ giữa tìm kiếm vốn thực hiện và đảm bảo an ninh nguồn vốn, kiểm soát rủi ro tín dụng.

Huy động vốn đầu tư như thế nào?

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, cơ cấu vốn đầu tư sẽ thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Cụ thể, vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% (giai đoạn 2011-2015) xuống còn khoảng 31-34% (giai đoạn 2016-2020). Trong khi đó, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn, giải pháp tổng thể được đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó kích thích khu vực kinh tế tư nhân tham gia mở rộng đầu tư làm tăng tổng vốn đầu tư lên.

Để huy động vốn từ khu vực kinh tế tư nhân, giải pháp cơ bản là cần thực hiện đúng và đầy đủ các giải pháp theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân, đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; đảm bảo quyền tự do kinh doanh, sở hữu tài sản; xoá bỏ các rào cản, chính sách và các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh; xóa bỏ bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh…

Ngoài ra, báo cáo của Bộ cũng nhấn mạnh đến các giải pháp huy động vốn FDI (xóa bỏ sự khác biệt về gia nhập thị trường giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các quy định về M&A; đẩy mạnh tiến độ giải ngân…). Đặc biệt, Bộ nhấn mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể mang lại nguồn lực đầu tư đáng kể, đặc biệt từ việc đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu từ 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Toàn bộ số tiền thu được từ thoái vốn sẽ dùng cho đầu tư phát triển và không dùng để bổ sung cho chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ