Đồng bằng sông Cửu Long nên mạnh dạn chuyển đổi sang các hệ thống canh tác carbon thấp

Nhàđầutư
Trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất? Đó không chỉ là câu hỏi khó đối với người nông dân mà cũng là nỗi trăn trở của người làm công tác quản lý nhà nước, của các chuyên gia nông nghiệp trong nhiều thập niên qua.
AN HÒA
25, Tháng 10, 2022 | 06:25

Nhàđầutư
Trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất? Đó không chỉ là câu hỏi khó đối với người nông dân mà cũng là nỗi trăn trở của người làm công tác quản lý nhà nước, của các chuyên gia nông nghiệp trong nhiều thập niên qua.

ca tra 1

Thủy sản là thế mạnh của ngành nông nghiệp ĐBSCL, tuy nhiên đây cũng là ngành có tính rủi ro cao trong sản xuất. Ảnh An Hòa

Sản xuất ít hơn nhưng được nhiều hơn?

Theo ông Dina Umali-Deininger, Giám đốc Ban Nông nghiệp và Thực phẩm toàn cầu, khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới, sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đóng góp lớn cho an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Sản xuất lúa gạo cũng góp phần tăng việc làm và thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, ngành sản xuất này cũng là ngành có hàm lượng phát thải khí carbon cao nhất.

"Trong thời gian tới, Việt Nam nên mạnh dạn chuyển đổi 530.000ha diện tích đất trồng lúa (ở ĐBSCL) sang các hệ thống canh tác carbon thấp như phát triển cây ăn quả và cây trồng lâu năm để tăng cường hấp thụ khí carbon. Đối với diện tích lúa còn lại cần được sản xuất theo quy trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm nước tưới nhằm tiết kiệm nguồn nước ngọt đang ngày càng ít đi", ông Dina Umali-Deininger nói.

Quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng xác định đến năm 2030, mỗi năm chỉ gieo trồng khoảng 3 triệu ha lúa (giảm 1 triệu ha); sản lượng lúa dự kiến giảm còn hơn 17 triệu tấn/năm (giảm khoảng 6,3 triệu tấn). Việc giảm đất lúa nhằm đẩy mạnh phát triển cây ăn trái để phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, dự kiến đến 2030, diện tích cây ăn trái tại ĐBSCL sẽ được mở rộng lên khoảng 650.000ha. Tuy nhiên, sản xuất trái cây còn rất nhiều hạn chế như diện tích manh mún, chất lượng chưa đồng đều, khó truy suất nguồn gốc.

"Giải pháp để phát triển cây ăn trái ĐBSCL là phải thay đổi tận gốc, tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh lớn trái cây đặc sản với diện tích tập trung và lớn, ít nhất cũng 5.000 - 7.000 ha cho một loại cây và có sự hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ, nhằm tăng số lượng cung cấp, ổn định về chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chỉ có chuyên canh thì mới tăng được năng suất, kiểm soát được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm", TS Hòa nhấn mạnh.

Cùng quan điểm đó, ông  Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho rằng, trái cây khu vực ĐBSCL là đặc sản trái cây nhiệt đới, thị trường xuất khẩu rất tốt. Tuy nhiên, do khâu tổ chức sản xuất hiện nay chưa tốt; yếu trong khâu bảo quản, tỷ lệ chế biến đạt rất thấp. Chính vì những hạn chế đó nên mặt hàng rau củ quả đang được xem có sức cạnh tranh yếu, rủi ro cao nhất.

Ông Tùng cho biết, để phát huy thế mạnh ngành hàng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-TTg với mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2030 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 8-10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến phải đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần hai lần so với năm 2020.

Đến năm 2030, thu hút đầu tư mới từ 50 đến 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Mũi nhọn đột phá là gì?

ĐBSCL nơi đóng góp đến 90% gạo, 70% thủy sản, cây ăn quả cho xuất khẩu, đây là vùng đất màu mỡ nhất, là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Có thể nói ĐBSCL là nơi đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và là nơi đóng góp quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Về sản xuất lúa, gạo, ĐBSCL có hơn 1,5 triệu ha canh tác lúa với tổng diện tích gieo trồng hàng năm lên đến gần 4 triệu ha, tổng sản lượng lúa khoảng 25 triệu tấn. Mặc dù ĐBSCL chỉ đóng góp khoảng 60% sản lượng lúa cho quốc gia nhưng lại đóng góp đến hơn 90% sản lượng gạo (khoảng 6 triệu tấn) cho xuất khẩu với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD.

Về nuôi trồng thủy sản, vùng ĐBSCL có khoảng 700.000ha nuôi tôm các loại, 6.000ha nuôi cá tra với mức đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước (khoảng 7 tỷ USD).

ĐBSCL cũng nổi tiếng là vùng sản xuất trái cây nhiệt đới với diện tích gần 400.000ha, chiếm khoảng 35%, nhưng đóng góp đến 70% sản lượng trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng trái cây được tiêu thụ trong nước là chủ yếu, tỷ trọng xuất khẩu chỉ khoảng 10-15% sản lượng.

Quyết định số 417/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 với giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt từ 8-10 tỷ USD, trong đó mặt hàng trái cây chiếm khoảng 70%. Như vậy, theo định hướng tại Quyết định 417 thì ngành sản xuất trái cây khu vực ĐBSCL được giao nhiệm vụ xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD vào năm 2030.

buoi

Nếu tổ chức sản xuất tốt thì mặt hàng rau quả sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân ĐBSCL. Ảnh TL

Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên là Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ NN&PTNT), qua so sánh về hiệu quả sản xuất thì sản xuất lúa gạo là ngành sử dụng tài nguyên nhiều nhất nhưng cho giá trị kinh tế thấp nhất trong các ngành sản xuất. Do đó, định hướng của ngành nông nghiệp là giảm diện tích trồng lúa hàng năm là hướng đi đúng.

Theo chiến lược phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới thì thủy sản được xác định là mũi nhọn đột phá, sau đó đến sản xuất rau quả và cuối cùng mới đến lúa gạo. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản mặc dù được xem là có thế mạnh áp đảo, nhưng ngành sản xuất này cũng tiềm ẩn rủi ro lớn về môi trường nuôi, dịch bệnh.

"Do đó, theo ý kiến cá nhân tôi thì chúng ta nên cân nhắc việc đưa ngành sản xuất rau quả là thế mạnh hàng đầu thay cho lĩnh vực thủy sản", TS Sơn nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ