Doanh nghiệp niêm yết nào sẽ chịu ảnh hưởng khi đồng Euro tăng giá so với USD?

Nhàđầutư
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi đồng Euro tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh.
THÙY LINH - CHU TOÀN
09, Tháng 08, 2017 | 17:16

Nhàđầutư
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi đồng Euro tăng giá mạnh so với đồng bạc xanh.

Thuy san Hung Vuong

 Thủy sản Hùng Vương được hưởng lợi từ việc đồng EUR tăng giá so với đồng USD

Từ đầu năm đến nay đồng USD đã mất giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Đáng chú ý nhất trong số đó là việc USD giảm giá 11,7% so với đồng EUR và 6,2% so với JPY.

Sự suy yếu của đồng USD trong nửa đầu năm nay được cho chủ yếu là do các nguyên nhân chính trị khi chính quyền Mỹ có xu hướng thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại và Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thể thực hiện các kế hoạch của mình về cải cách thuế. Trong khi đó, thị trường mong chờ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn (4 lần thay vì 3 lần như kế hoạch của Fed) trong năm nay.

Exchange rate

 Nguồn: Bloomberg & VPBS

Đồng EUR dẫn đầu các đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong đà tăng so với USD. Kinh tế khu vực đồng EUR tăng trưởng tương đương Mỹ trong quý II vừa qua (2,1% so với cùng kỳ năm trước), khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tiến gần hơn tới quyết định thu hẹp gói nới lỏng định lượng trong năm nay do nền kinh tế đã mạnh lên. Ngoài ra, các rủi ro chính trị liên quan đến các cuộc bầu cử tại Hà Lan và Pháp đã qua đi.

Tại Việt Nam, do nhiều nỗ lực kìm giữ, tỷ giá VND/USD trong nhiều tháng qua đã không quá biến động khiến VND đang là đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á khi so với đồng USD. Tính đến ngày 9/8/2017, so với đầu năm tỷ giá USD/VND chỉ giảm 0,12%, biên độ dao động lớn nhất cho tới nay là giảm 0,92% tại thời điểm ngày 23/1. Chính vì sự bám sát với diễn biến của USD nên VND cũng mất giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt. Cụ thể, VND giảm giá 11,79% so với EUR, giảm 6,42% so với JPY và một số đồng tiền khác như bảng dưới đây.

Anh ty gia

Nguồn: Bloomberg & VPBS 

Trong nhiều năm qua, đồng VND đã tăng giá thực so với USD và nhiều ngoại tệ khác. Do vậy, việc VND gần đây giảm giá so với một số đồng tiền chủ chốt sẽ giúp VND trở về đúng hơn với giá trị thực. Điều này sẽ nâng cao sức cạnh trạnh của hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đẩy mạnh sản xuất trong nước, có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tài sản và nguồn thu bằng EUR và JPY của nhiều doanh nghiệp cũng gia tăng khi qui đổi sang VND. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chi phí tài chính khi vay nợ bằng các đồng tiền này gia tăng và làm tăng chi phí của hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu bằng các đồng tiền này.

Các doanh nghiệp chịu tác động từ diễn biến của đồng EUR

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các sản phẩm dệt may, da giày, cà phê, hải sản, sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ. Đồng EUR tăng giá giúp cho các sản phẩm của Việt Nam xuất qua châu Âu, vốn thường được niêm yết bằng đồng USD, trở nên rẻ hơn so với các sản phẩm nội địa, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản nhập khẩu tại thị trường khó tính này.

CTCP Hùng Vương (HVG): Châu Âu là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp này, chiếm 40% tổng doanh thu xuất khẩu cá tra, tương đương 41 triệu USD mỗi năm.

CTCP Vĩnh Hoàn (VHC): Thị trường châu Âu chiếm 16% doanh thu xuất khẩu cá tra của công ty này. Trong năm 2016, giá trị xuất khẩu cá tra của VHC sang thị trường này đạt 39 triệu USD, chiếm thị phần 14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đang xuất khẩu tôm sang thị trường EU với giá trị khoảng 490 tỷ đồng/năm, chiếm 17% tổng doanh thu xuất khẩu tôm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của FMC vẫn là Nhật và Mỹ, chiếm lần lượt 37,7% và 37,6% tổng doanh thu xuất khẩu tôm của công ty.

Những doanh nghiệp niêm yết sẽ chịu bất lợi từ việc đồng EUR tăng giá so với VND bao gồm:

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2): Tính đến cuối tháng 6/2017, doanh nghiệp đang có dư nợ 91,4 triệu EUR. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2017 giảm 34,8% so với nửa đầu năm 2016 chủ yếu do khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. 6 tháng năm 2017 doanh nghiệp này lỗ tỷ giá 165,5 tỷ đồng.

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1): Theo BCTC kiểm toán năm 2016, HT1 có 2 khoản vay có giá trị lớn bằng đồng EUR giá trị 1.329 tỷ đồng, tương đương 49,5 triệu euro. Lỗ chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm 2017 là 90,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 8,7 tỷ đồng. Nếu đồng euro tăng giá 1%, công ty sẽ lỗ từ chênh lệch tỷ giá khoảng 13,3 tỷ đồng.

CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) dự kiến cũng bị bất lợi khi công ty này có khoản nợ tính đến cuối quý II/2017 là 9,8 triệu EUR. Như vậy, đồng EUR cứ tăng giá 1% thì BCC sẽ lỗ từ chênh lệch tỷ giá khoảng 2,6 tỷ đồng.

Lỗ chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm 2017 của công ty khoảng 18,5 tỷ đồng. Trong quý II, doanh thu tài chính của BCC giảm mạnh, còn chưa tới 50 triệu đồng do không còn lãi chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh 29% lên 36,7 tỷ đồng (chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá).

Các doanh nghiệp chịu tác động từ diễn biến của đồng JPY

Một số công ty được kỳ vọng có thêm doanh thu từ việc đồng JPY tăng giá so với đồng USD do các giao dịch qui định đồng tiền thanh toán là đồng JPY bao gồm: CTCP FPT và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC).

CTCP FPT (FPT) năm 2017 ước tính xuất khẩu khoảng 115 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật Bản, cho nên nếu đồng JPY cứ tăng giá 1% là doanh số xuất khẩu sang thị trường này của công ty có thể tăng thêm khoảng 1,15 triệu USD.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dự kiến bị tác động bất lợi từ việc JPY tăng giá so với VND. PPC hiện có khoản vay bằng đồng JPY vào khoảng 21,35 tỷ JPY. Nếu đồng JPY cứ tăng giá 1%, công ty có thể ghi nhận mức lỗ 43,8 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Triển vọng tỷ giá trong 6 tháng cuối năm 2017

Hiện nay thị trường dự báo Fed sẽ trì hoãn tăng lãi suất đến lần họp tháng 12 tới. Và thị trường ngoại hối sẽ chú ý vào việc khi nào Fed sẽ bắt đầu thu hẹp bảng tài sản của mình. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có thể chương trình này sẽ bắt đầu vào tháng 9 này. Điều này sẽ khiến đồng USD tăng giá trở lại, đồng nghĩa với việc đồng EUR và JPY sẽ điều chỉnh giảm giá so với USD.

Tại Việt Nam, tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm 2017 có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép gia tăng vì nhập siêu tăng cao. Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã ở mức 3,1 tỷ USD, tương đương 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến cả năm, nhập siêu ở mức 5 tỷ USD.

Trong khi đó, mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vào nhiều, dòng thu nhập chuyển ra nước ngoài và phần mục lỗi và sai sót ròng cũng rất lớn, khiến cán cân thanh toán thặng dư không đủ lớn để gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức tương xứng với quy mô nền kinh tế.

Do vậy, một số chuyên gia dự báo tỷ giá VND/USD sẽ tăng thêm 2-3% đến cuối năm 2017, lên mức 22.880-23.104 VND/USD. Trong quý III/2017, tỷ giá trung tâm có thể đạt mức cao nhất 22.603 VND/USD.

Ngân hàng ECB đã cam kết tiếp tục mua vào 60 tỷ EUR trái phiếu chính phủ mỗi tháng cho tới cuối năm 2017. Có hai yếu tố ECB sẽ cân nhắc để quyết định thu hẹp dần gói nới lỏng tiền tệ này. Thứ nhất, tỷ lệ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền này cần tiếp tục duy trì phía trên đường xu hướng sang năm 2018. Thứ hai, đến cuối năm 2017, lạm phát lõi cần tăng bền vững lên trên 1% so với cùng kỳ năm 2016 và duy trì xu hướng tăng. Nếu cả hai yếu tố này cùng đạt được thì có thể ECB sẽ dừng mua vào trái phiếu chính phủ từ giữa năm 2018 và tăng lãi suất vào cuối năm sau. Trong 6 tháng cuối năm 2017, đồng EUR dự báo sẽ giảm giá nhẹ so với USD. Tuy nhiên, do USD lại tăng giá so với VND nên EUR sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ so với VND đến cuối năm nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ