Doanh nghiệp 'khát' lao động thời vụ, nhiều người vẫn 'ngồi không'

Nhàđầutư
Dù nhu cầu tuyển dụng người lao động thời vụ tăng mạnh vào dịp cuối năm, nhưng nhiều lao động tự do cho biết vẫn không thể tìm được công việc phù hợp, nhiều người chỉ “ngồi không” cả ngày rồi trở về.
NGUYỄN HƯƠNG
05, Tháng 01, 2022 | 11:31

Nhàđầutư
Dù nhu cầu tuyển dụng người lao động thời vụ tăng mạnh vào dịp cuối năm, nhưng nhiều lao động tự do cho biết vẫn không thể tìm được công việc phù hợp, nhiều người chỉ “ngồi không” cả ngày rồi trở về.

Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức rất cao, cung - cầu lao động mất cân bằng ở hầu hết các địa bàn, ngành nghề. Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm mạnh so với trước đại dịch.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tình hình lao động, việc làm khởi sắc hơn so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước, trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong qúy IV/2021 ước tính là 50,7 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với quý trước và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người, giảm 0,8 triệu người so với năm trước; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%.

Doanh nghiệp "khát" lao động

Thực tế, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn và đã xuất hiện tình trạng người dân, lao động thiếu, mất việc làm do dịch, lao động nghèo, lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu trong ngắn hạn khi nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi.

lao-dong-thoi-vu

Lao động tự do ở cuối đường Hoàng Quốc Việt thiếu việc làm dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Hương.

Một năm "quay cuồng" vì đại dịch, thế nên dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán, thị trường lao động lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết, kèm theo đó là nhu cầu sử dụng lao động ngắn ngày của nhiều doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt đối với các việc làm thời vụ.

Theo thống kê, tại địa bàn Hà Nội có 35 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 1.210 chỉ tiêu trong đó có hơn 500 chỉ tiêu là việc làm thời vụ dịp Tết Nguyên đán, chiếm tới 40%.

Nhiều doanh nghiệp thông báo cần hàng trăm lao động cho vụ Tết tiếp tục kéo dài thời gian tuyển dụng đến đầu năm 2022, như hệ thống siêu thị Big C Thăng Long tuyển gần 500 nhân viên dịp Tết, bắt đầu làm từ ngày 2/1-30/1/2022 với nhiều vị trí như: Nhân viên thu ngân, nhân viên quầy hàng, nhân viên kho, gói giỏ quà Tết, giao nhận hàng, nhân viên chốt đơn hàng online; Hệ thống siêu thị Mẹ và bé tuyển dụng 100 nhân viên bán hàng…

Lao động tự do thiếu việc làm

Nhu cầu là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Nhadautu.vn, tại một số "chợ lao động" như cuối đường Hoàng Quốc Việt, hay ngã tư Mai Dịch (Hà Nội)... nhiều lao động vẫn không tìm được việc làm. 

Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Tân (42 tuổi, quê Thanh Hóa, làm nghề xây dựng) cho biết dịp gần Tết, việc làm thời vụ mặc dù có nhưng so với những năm trước thì nhu cầu cũng ít đi hẳn, không phù hợp với nhiều người.

"Ai có nghề gì làm việc theo nghề đấy, ngày nào không có việc thì đành ai thuê gì làm nấy", ông Tân nói và cho biết mức thu nhập trung bình đối với những người làm nghề xây dựng lâu năm như ông sẽ giao động khoảng 700.000- 800.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, một tuần chỉ 2-3 ngày là có việc.

Cùng cảnh ngộ này, ông Huân (50 tuổi, quê Thái Bình, làm nghề bốc vác) cho biết do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên việc làm của các lao động tự do như ông cũng giảm hẳn.

"Tết cận kề, nhưng lao động thì đông nên không có việc làm, thu nhập không ổn định. Kiếm việc làm thời vụ nhưng cũng ngày có việc, ngày không, có lúc cả tuần lại ngồi không", ông Huân nói.

Cũng ngồi tại đường Hoàng Quốc Việt để chờ người thuê lao động, ông Hồng (45 tuổi, quê Hưng Yên, công nhân bốc vác) thì cho biết các công việc thời vụ cuối năm như nhân viên bán hàng, thu ngân, gói quà, tiếp thị, giao hàng, giúp việc theo giờ… dù dụng nhiều, nhưng đối với người lao động chân tay lại không phù hợp.

"So với các năm, năm nay nguồn lao động ghi nhận cung lớn hơn cầu. Nhiều người là trụ cột của gia đình, thế nhưng lại không kiếm đủ tiền trang trải, nhiều gia đình phải gửi tiền lên để hỗ trợ trong những ngày không có việc", ông Hồng tâm sự.

Tương tự tại Hà Nội, khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết từ nay đến cận Tết, các doanh nghiệp cần tuyển 33.000 - 42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông để hoàn thành đơn hàng thời vụ. Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 7-15 triệu đồng.

Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp đã phải tính toán lại phương án sản xuất, giảm bớt các khâu không cần thiết, dừng sản xuất các mặt hàng không thiết yếu hay các mặt hàng được dự đoán sức mua giảm dịp Tết, để tập trung cho các đơn hàng có sức mua lớn và đơn hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp phải tiến hành thương lượng tăng ca với người lao động, đồng thời gia tăng chính sách lương thưởng để tăng năng suất lao động.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ