Đề xuất lùi thời hạn lắp camera lên xe kinh doanh vận tải: Đừng làm chậm mục tiêu minh bạch hóa

Nhàđầutư
Kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT đã đặt ra nhiều băn khoăn như: Làm chậm mục tiêu minh bạch hóa, hay an ninh trật tự...
THỤC ANH
22, Tháng 06, 2021 | 12:00

Nhàđầutư
Kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT đã đặt ra nhiều băn khoăn như: Làm chậm mục tiêu minh bạch hóa, hay an ninh trật tự...

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn đề xuất Chính phủ về việc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Đề xuất bất ngờ của Bộ GTVT

Công văn do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký, Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải (theo quy định của Nghị định 10).

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo. Từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên.

Bộ GTVT cho biết đã nhận được phản ánh từ nhiều Hiệp hội doanh nghiệp vận tải, theo đó các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19, dẫn đến doanh thu vận tải bị giảm sút, sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng.

camera

Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải. Ảnh: Vietnamplus.

Theo Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể từ ngày 1/7/2021, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Việc quy định lắp camera đã được chính Bộ GTVT đưa vào Nghị định 10 từ ba năm trước khi tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định 10 và đã nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, giới chuyên gia cũng như chính các doanh nghiệp vận tải. Tinh thần chung của quy định này là để tăng cường chức năng quản lý, giám sát của nhà nước đối với hoạt động vận tải nói riêng, các hoạt động kinh tế xã hội khác nói chung.

Đặc biệt, việc lắp camera sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và người lái xe trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như hỗ trợ các hoạt động về đảm bảo an ninh trật tự. Để thực hiện quy định này, doanh nghiệp vận tải sẽ chịu một khoản chi phí lắp đặt. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, mặc dù vận tải hành khách có sự sụt giảm nhưng vận tải hàng hóa thậm chí lại còn… tăng trưởng trong dịch. Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vận tải hàng hóa tháng 5/2021 ước tính đạt 139,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,8% so với tháng trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 2,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 739 triệu tấn hàng hóa vậnchuyển, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 8%) và luân chuyển 146,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước giảm 7,5%).

Trao đổi với Nhadautu.vn, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội khá bất ngờ với kiến nghị của Bộ GTVT. Vị này bày tỏ, khi Nghị định 10 ra đời, dù khó khăn do dịch COVID-19, doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp vận tải khác rất ủng hộ đã lắp hệ thống camera cho toàn bộ xe của mình. "Nếu dừng thì có công bằng với chúng tôi không?", đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi.

Như vậy, có thể thấy, tình hình chung không khó khăn như lập luận của các doanh nghiệp và sau đó là Bộ Giao thông Vận tải. Chưa kể, với các nỗ lực phòng chống dịch, đặc biệt là việc triển khai tiêm vắc xin, nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu đang được dự báo là sẽ có sự hồi phục dần trong thời gian từ nay đến cuối năm, đưa đến triển vọng hồi phục cho ngành vận tải.

Khó khăn của một số ngành kinh tế do đại dịch là có thật và Chính phủ đã và đang có các biện pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đặc biệt này. Tuy nhiên, khó khăn thực sự đến đâu để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng, nhóm ngành cụ thể cần được cân nhắc kỹ càng.

Làm chậm mục tiêu minh bạch hóa của Chính phủ?

Các chỉ đạo điều hành của Chính phủ gần đây với tinh thần chung là chống dịch quyết liệt nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế. Do đó, các chính sách hỗ trợ cần đến được đúng người đúng việc.

Đối với các nhóm ngành không ảnh hưởng thậm chí tăng trưởng tốt trong đại dịch lẽ ra cần phải tăng cường trách nhiệm với nhà nước và cộng đồng. Nhìn rộng ra, việc áp dụng lắp camera cũng là để hỗ trợ minh bạch hóa các hoạt động xã hội nói chung, qua đó hỗ trợ cho chính hoạt động chống dịch của Chính phủ.

Đáng chú ý là nỗ lực minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước bằng camera vẫn đang được Chính phủ liên tục thúc đẩy trong thời gian qua. Gần đây nhất, ngày 3/2/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký quyết định phê duyệt đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụan ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”.

Theo đề án này, Việt Nam sẽ đầu tư đồng bộ, hiện đại để kết nối, chia sẻ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về an ninh, trật tự, đồng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung giữa ngành công an và ngành giao thông vận tải (dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, giấy phép lái xe, mã số định danh cánhân...)

Mục tiêu tổng quát sẽ nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy giao thông, xây dựng hệ thống quản lý điều hành, kết nối các hệ thống camera giám sát phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; trong đó có loại thông tin, dữ liệu thu thập, khả năng kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dùng chung...; xây dựng hành lang pháp lý trong việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ qua hình ảnh.

Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.150 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên), nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Công an đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án. Bộ GTVT có nhiệm vụ đưa hệ thống camera giám sát là thành phần bắt buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm kết nối, liên thông đồng bộ với hệ thống do ngành công an quản lý để phục vụ việc theo dõi, bảo trì của cơ quan quản lý đường bộ và nhiệm vụ phát hiện vi phạm, tội phạm trên tuyến của lực lượng công an.

Theo ghi nhận, ngay sau khi đề án được phê duyệt, ngành công an đã và đang tích cực vào cuộc để triển khai thực hiện. Trong tương lai, chính dữ liệu được camera ghi nhận từ các xe vận tải cũng sẽ được gửi về cho trung tâm thông tin chỉ huy giao thông này để đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước.

"Cùng một mục tiêu minh bạch hóa và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, việc tiếp tục trì hoãn trách nhiệm lắp camera của doanh nghiệp vận tải liệu có đang đi ngược tinh thần của bản đề án quan trọng này? Vì sao Bộ GTVT lại ủng hộ cho việc trì hoãn trong khi tăng cường quản lý nhà nước bằng camera không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích công vụ cho chính Bộ? Sẽ chỉ còn một tuần để Chính phủ quyết định có chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT hay không", một chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải băn khoăn.

Nếu không có sự phân tích đầy đủ về số liệu và thực trạng của từng ngành, đại dịch COVID-19 có thể là một kẽ hở cho những vận động chính sách gây bất lợi hoặc đi ngược lại với sự phát triển chung của xã hội.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ