Chủ tịch Quốc hội: Nếu các chính sách không xuất phát từ hơi thở cuộc sống sẽ bị sai lệch

Nhàđầutư
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch.
N.THOAN
05, Tháng 12, 2021 | 16:34

Nhàđầutư
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững" ngày 5/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch COVID–19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chính sách vĩ mô không xuất phát từ hơi thở cuộc sống thì sẽ bị sai lệch

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước độ khoảng 4 %, thấp hơn mức bình quân của các nước trên thế giới. 

Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là một trong những nhiệm kỳ mà tất cả các cái khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế 5 năm, thậm chí là với tầm nhìn dài hạn hơn đã được Trung ương có chủ trương và Quốc hội đã ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này. 

Đồng thời, trong Nghị quyết của kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền, chương trình tổng thể đề phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 theo phương châm, thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng thời xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho 2 chương trình này phục vụ cho mục tiêu là chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét và quyết định sớm.

vuong-dinh-hue

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: PV.

Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 lần này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với quy mô, liệu lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống một cách trôi chảy và hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

"Chủ đề của diễn đàn là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ rất nặng nề trong việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách này để đạt được các mục tiêu nêu trên", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Các nội dung trọng tâm của diễn đàn này được các diễn giả, các nhà khoa học cập nhật, đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới, cập nhật những vấn đề mới nhất. Những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới trong thế giới toàn cầu hóa, nhất là Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với khu vực và thế giới. Các diễn giả trình bày về kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn được lắng nghe những ý kiến đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, những kiến nghị đề xuất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Một nội dung rất quan trọng nữa của diễn đàn là chúng ta sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi sẽ huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; chúng ta sẽ phân bổ các nguồn lực vào các nội dung mục tiêu cụ thể nào trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam; giải đáp được câu hỏi là năng lực hấp thụ với nền kinh tế, nhất là trong điều kiện chúng ta còn những điểm nghẽn, những vướng mắc... như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân đầu tư công… Làm sao giải quyết được những điểm nghẽn để tăng cường năng lực hấp thụ vốn. Đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng-chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và các giải pháp này", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung.

Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Chính phủ rất muốn nghe ý kiến cởi mở, toàn diện đến từ cả những người thực thi chính sách và cả những người có sứ mệnh quyết định chính sách. Do vậy, tính chất của Diễn đàn rất mở, diễn đàn kinh tế nhưng được kết nối rất rộng và có phạm vi rất rộng. Đây cũng là diễn đàn rất đa chiều, tương tác. Ngoài hai chữ P đó là Phục hồi và Phát triển thì Diễn đàn này thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa hai chữ C đó là Chính sách và Cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống một cách trôi chảy và hiệu quả.

TS.can-van-luc

TS. Cấn Văn Lực trình bày một số gợi ý chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia. Ảnh: PV.

Đề xuất giảm lãi suất thêm 0,5-1% năm 2022

Tại diễn đàn, đại diện Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia trình bày về một số gợi ý chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, TS. Cấn Văn Lực cho biết: Dịch bệnh COVID-19 tác động mạnh tới kinh tế thế giới, dẫn tới suy thoái sâu năm 2020 (giảm 3,1%). Tuy nhiên, các nền kinh tế cũng phục hồi khá nhanh nhưng tốc độ không đồng đều và còn nhiều rủi ro.

Riêng với kinh tế - xã hội Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm 2021 được dự báo ở mức 2% cho thấy chúng ta đang lỡ nhịp với thế giới nếu không có các gói hỗ trợ đột phá. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, tính chung năm 2020 là 2,26%; quý III/2021 là 3,98%, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các nước đều dùng cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhưng chính sách tài khoá vẫn là chủ yếu.

Tính đến hết tháng 10/2021 các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ toàn cầu đã lên tới 18.272 tỷ USD (tương trương 16,4% GDP năm 2020). Trong đó các gói tài khoá chiếm 61,7%; các gói tiền tệ chiếm 38,3%).

Quy mô các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ của Việt Nam tính đến hết tháng 10/2021 là khoảng 3,99% GDP. Trong đó, gói tài khoá khoảng 7,9 tỷ USD (tương đương 2,94% GDP), gói tiền tệ khoảng 3,3 tỷ USD (tương đương 1,05% GDP), thấp hơn cả các nước thu nhập thấp (4,28% GDP).

Nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu không có gói hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, Việt Nam sẽ lỡ mất cơ hội, khó có thể hoàn thành kế hoạch 5 năm Quốc hội đã đề ra.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, dư địa mở rộng chính sách tài khoá của Việt Nam vẫn còn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ do thu NSNN năm 2021 nhiều khả năng đạt 100% kế hoạch; thâm hụt NSNN và nợ công được kiểm soát tốt.

Về chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng hiện nay cũng khả quan hơn giai đoạn trước khi lạm phát ở mức khá thấp; đã có kinh nghiệm trong tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn trước. Tuy dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng còn nhưng không nhiều.

Gợi ý chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển thời gian tới, Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu, chính sách cần có quy mô đủ lớn, thời gian dài và có trọng tâm, trọng hiểm; cần hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, có tính khả thi, triển khai nhanh, đảm bảo đa mục tiêu.

Theo đó, Nhóm nghiên cứu đề xuất thời gian gói hỗ trợ nên kéo dài trong 2 năm (2022-2023), với một số hạng mục thì kéo dài khoảng 5-7 năm như đầu tư hạ tầng, y tế.

Năm tiêu chí quan trọng để lựa chọn đối tượng hỗ trợ gồm: Những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện tín dụng; Những doanh nghiệp còn thiếu một hoặc một số điều kiện nhưng có khả năng phục hồi; ưu tiên hàng hoá thiết yếu chưa thay được; dự án ưu tiên phát triển hướng đến bao trùm, bền vững (y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...); cơ sở hạ tầng phải khả thi và có tính lan toả, liên kết vùng; trong danh mục đầu tư công, đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư...

Chương trình hỗ trợ có thể chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý II/2022); Giai đoạn 2 là tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (hết quý III/2023); Giai đoạn 3 là kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý IV/2023).

Theo đó, Nhóm nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ có quy mô 4,79% GDP (khoảng 389.200 tỷ đồng). Trong đó, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm khoảng 150.000 tỷ đồng (1,84% GDP); giảm thuế VAT từ 1-2% (0,4-0,8% GDP); hỗ trợ lãi suất khoảng 25.000 tỷ (0,31% GDP)...

de-xuat-ho-tro

Đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế từ Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia.

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, với chính sách tiền tệ cần tiếp tục thực hiện Thông tư 14 (đến tháng 6/2022), có thể phải gia hạn, nếu cần; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trưởng mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) hỗ trợ giảm lãi suất thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân vào năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023; nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023; đề xuát phương thức luật hoá xử lý nợ xấu...

Đánh giá tác động chính sách của gói hỗ trợ nêu trên, Nhóm nghiên cứu cho rằng, GDP sẽ tăng từ 1,8-2% trong năm 2022 và tăng thêm 1,2-1,5% nếu so với không có gói hỗ trợ. Theo đó, GDP sẽ đạt tương ứng từ 6-7,8% năm 2020 và 7,5-7,7% năm 2023. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng cao hơn thì thâm hụt ngân sách cũng sẽ cao hơn, nợ công tăng.

du-tinh-GDP

 

Đề xuất một số kiến nghị trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần sự phối hợp nhịp nhàng chính sách (nhất là CSTK và CSTT); Chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ và tín dụng trong tầm kiểm soát; Tăng bảo lãnh phát hành trái phiếu của Chính phủ cho NHCSXH; có giải pháp tăng vốn cho các NHTM; Chú trọng cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ