Để hàng hóa Việt dễ dàng 'lên kệ' nước ngoài

Nhàđầutư
Nhằm đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã lựa chọn Việt Nam làm điểm cung ứng hàng hóa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đưa hàng hóa ra nước ngoài nhiều hơn.
LIÊN THƯỢNG - THIÊN KỲ
14, Tháng 09, 2023 | 06:45

Nhàđầutư
Nhằm đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã lựa chọn Việt Nam làm điểm cung ứng hàng hóa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đưa hàng hóa ra nước ngoài nhiều hơn.

sieuthi.dk

Để hàng hoá Việt hiện diện trên kệ siêu thị nước ngoài, còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh: LT

Yêu cầu gì từ các "ông lớn" đến Việt Nam tìm nguồn hàng

Từ ngày 13 đến ngày 15/9, Bộ Công Thương và UBND TP.HCM đồng chủ trì tổ chức Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023). Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM đã thu hút sự quan tâm tham dự lớn chưa từng có của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thuỵ Điển), LuLu (UAE)… cùng hàng trăm doanh nghiệp, nhà thu mua quốc tế tới từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

"Chuỗi sự kiện không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Ban tổ chức hy vọng nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các Diễn đàn, hội thảo,... để Viet Nam International Sourcing 2023 trở thành điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Hiện nay hàng hóa thương hiệu Việt Nam mặc dù đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, nhưng thị phần còn khá khiêm tốn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: chưa đap ứng tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, chưa thu hút về bao bì, nhãn mác…

Là doanh nghiệp tư nhân bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới và có mặt tại Việt Nam hơn 30 thông qua hoạt động thu mua, cung ứng, tập đoàn IKEA nhận định Việt Nam là một thị trường cung ứng gỗ quan trọng cho các nhà cung cấp của IKEA. Nơi đây cung cấp một lượng lớn gỗ keo (gỗ Acacia) - loại gỗ sẫm màu có nguồn gốc được chứng nhận bởi Hội Đồng Quản Lý Rừng (FSC), phù hợp với các sản phẩm bàn ghế ngoài trời của thương hiệu này.

"Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu thu mua gỗ cao su với nhiều ứng dụng trong việc sản xuất đồ nội thất", ông Giafar Safaverdi - Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam thông tin.

Đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các kênh bán lẻ quốc tế, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho rằng, với sự thay đổi xu hướng tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon thì các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa Việt Nam cần có sự đổi mới theo xu hướng này mới có nhiều cơ hội cạnh tranh.

"Là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với hơn 18.000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Aeon muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon không chỉ ở Việt Nam và khắp hệ thống ở 14 quốc gia", đại diện Aeon cho hay. 

Chia sẻ về nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng hàng hóa tại Việt Nam, ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách tìm nguồn cung ứng hàng hóa và trang phục tổng hợp cho Tập đoàn Walmart nói: "Walmart luôn thành công trong việc tìm được sản phẩm phù hợp với mức giá hợp lý. Nhằm cung cấp cho khách hàng một cách nhất quán, chúng tôi cần tìm nguồn hàng theo cách tối đa hóa cơ hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với nguồn cung. Mục tiêu nhằm đảm bảo sự sẵn có của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nó có nghĩa là tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa các mối quan hệ với cả các doanh nghiệp đã và tìm mới nhà cung cấp để đa dạng nguồn cung trong quá trình phát triển.

Về lĩnh vực may mặc, ông Lionel Adenot, Giám đốc Decathlon Việt Nam cho biết thương hiệu này đang tìm kiếm những nhà cung cấp có tính tự chủ. Đặc biệt, doanh nghiệp phải có sự chuyển biến, chuyển đổi số trong sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng tham gia vào chuỗi

Thực tế để hàng hóa thương hiệu Việt Nam tham gia vào hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải đáp ứng được các quy định, tiêu chí mà nhà bán lẻ đặt ra cũng như dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và của cơ quan quản lý nhà nước.

Nắm được các nhu cầu này, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm tham gia nhanh và sâu vào các chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới như đã phân tích.

Chia sẻ về quá trình tích cực chuyển đổi để thích ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bên vững trong nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn dệt may Đức Giang cho biết, doanh nghiệp này đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%, hạn chế tối đa sử dụng tài liệu bằng giấy trong các cuộc họp, không sử dụng chai và bao bì nhựa,…

Đồng thời, Đức Giang còn tự chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất nhờ sử dụng năng lượng tái tạo bằng lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời.

"Đức Giang hiện đang tập trung tìm kiếm và ưu tiên sử dụng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững, ví dụ như sử dụng các vải có nguồn gốc tự nhiên, tự hoại hoặc tái chế", ông Dũng nói thêm về những thay đổi trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu các thị trường khó tính như Mỹ, EU trong quá trình xuất khẩu.

Với nhận diện tương tự về nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu về sản phẩm xanh, sạch, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết đơn vị này luôn có chiến lược sản xuất, xuất khẩu lúa gạo bền vững.

"Thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP – các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của chúng tôi. Số hóa các hoạt động, nâng cao chất lượng nhân lực là những vấn đề Lộc Trời hướng đến trong nâng cao chất lượng để tham gia vào chuỗi cũng ứng", ông Thuận nói.

Bên cạnh các doanh nghiệp có quy mô lớn, nhằm nâng cao hiệu quả, đa dạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia đầu ngành kiến nghị cần đẩy mạnh các chương trình kết nối giao thương nhất là với các thị trường tiềm năng và có nhiều ưu đãi trong các FTA, CPTPP…đồng thời đánh giá hiệu quả chương trình đạt được.

Thêm vào đó cần chú trọng tổ chức các lớp huấn luyện đào tạo nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tư do để mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện chuyển đổi số trong quản trị sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và tiêu dùng bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ