Đà Nẵng muốn trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm và làm đám cưới cho giới siêu giàu Ấn Độ

Nhàđầutư
Khi thị trường tiềm năng nhất với du lịch Đà Nẵng vẫn đang “đóng cửa” vì chính sách Zero COVID, thành phố đang tích cực tìm kiếm thị trường mới để tạo đòn bẩy phát triển sau dịch, nổi bật trong đó là Ấn Độ.
NGUYỄN TRI
08, Tháng 06, 2022 | 18:25

Nhàđầutư
Khi thị trường tiềm năng nhất với du lịch Đà Nẵng vẫn đang “đóng cửa” vì chính sách Zero COVID, thành phố đang tích cực tìm kiếm thị trường mới để tạo đòn bẩy phát triển sau dịch, nổi bật trong đó là Ấn Độ.

Tìm sức bật từ thị trường mới

Với hơn 500 đại biểu quốc tế và hơn 100 đại biểu trong nước đến giao dịch và tìm kiếm cơ hội mở các đường bay mới, Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022) tại Đà Nẵng có thể coi là cơ hội vàng để du lịch tìm kiếm, mở rộng thị trường, kết nối các đường bay mới.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trong định hướng phát triển đường bay của Đà Nẵng đến năm 2024, lãnh đạo ngành du lịch thành phố xác định phải đạt mục tiêu khôi phục lại số lượng, tần suất các chuyến bay quốc tế về thời điểm trước dịch bệnh.

Để đạt mục tiêu trên, một mặt, thành phố tập trung khôi phục thị trường truyền thống vùng ở Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vì đây là những thị trường đông khách, có tương đồng với Đà Nẵng về văn hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, để đa dạng hóa nguồn khách, từ diễn đàn Routes Asia 2022, thành phố thu hút các thị trường khác thông qua việc kết nối với các Cảng hàng không quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại, du lịch với các nước Đông Nam Á và đặc biệt hướng đến thị trường tiềm năng Ấn Độ - thị trường hàng không lớn thứ 3 thế giới hiện nay.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, Ấn Độ có thị hiếu khá phù hợp với thị trường Đà Nẵng như: nghỉ dưỡng biển, mua sắm, cũng như du lịch cưới…, đặc biệt là trào lưu đám cưới xa hoa của giới siêu giàu.

Da-Nang-An-Do-1

Ấn Độ là thị trường giàu tiềm năng đối với du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Tri.

"Quốc gia này là nơi gửi khách rất đông, chỉ sau Trung Quốc. Khi thị trường “xứ tỷ dân” vẫn đang đóng cửa do chính sách Zero COVID, Ấn Độ là lựa chọn giàu tiềm năng nhất trong chính sách đa dạng hóa thị trường khách quốc tế của Đà Nẵng. Trước dịch, Đà Nẵng đã có một số hoạt động xúc tiến tới Ấn Độ. Qua Routes Asia 2022 chúng tôi kỳ vọng đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến Ấn Độ sẽ mở sớm nhất”, bà An nói.

Theo đánh giá từ các đại biểu, Ấn Độ đang có chính sách mở cửa tích cực, có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam, hứa hẹn tiềm năng kết nối đường bay, trao đổi thương mại, du lịch.

Các các hãng hàng không tại Ấn Độ dành sự quan tâm quan tâm lớn với thị trường Việt Nam, trong đó, mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển tại Đà Nẵng, nhất là tiềm năng phát triển du lịch MICE, du lịch đám cưới dành cho các tỷ phú Ấn Độ trong bối cảnh hậu dịch bệnh.

Bà Usha Padhee, quan chức cấp cao của Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ nhìn nhận, Ấn Độ là thị trường hàng không lớn thứ 3 trên thế giới, nước này có nhu cầu rất lớn về cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, nhu cầu đi lại của người dân đang tăng trở lại, nhiều hãng hàng không của Ấn Độ cũng có mặt ở Routes Asia 2022 với mong muốn kết nối và mở rộng thị trường.

Da-Nang-An-Do-2

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có buổi làm việc với đoàn của hãng hàng không Indigo (Ấn Độ). Ảnh: Nguyễn Tri.

“Hiện, các hãng hàng không của Ấn Độ đang lên kế hoạch kết nối các đường bay đến Việt Nam cả bay nối chuyến và bay thẳng. Tiềm năng của thị trường rất lớn, Ấn Độ có rất nhiều thành phố có thể thiết lập kết nối đường bay với Đà Nẵng. Tôi hi vọng với những cam kết tại sự kiện này, chúng ta có thể kết nối cả về hàng không và con người”, bà Usha Padhee nói.

Nâng cấp sân bay, mở rộng đường bay

Để khôi phục và mở rộng đường bay quốc tế, trong đó, hướng tới thị trường lớn như Ấn Độ, Đà Nẵng cũng lên kế hoạch mở rộng, nâng cấp các nhà ga tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với mục tiêu, đưa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trở thành một trong những cảng lớn nhất Việt Nam, một trong những sân bay và điểm đến hấp dẫn tại châu Á vào năm 2030.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt trước thời điểm dịch bệnh.

Năm 2019, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã có sự quá tải, nhà ga nội địa đón 8-9 triệu khách, nhà ga quốc tế 6 triệu khách. Để chuẩn bị cho sự hồi phục của thị trường hàng không và du lịch, việc mở rộng nhà ga đón khách rất quan trọng, đặc biệt sau Routes Asia 2022 khi nhiều đường bay sẽ được nối lại và mở mới.

“Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng nhà ga T3 của Đà Nẵng để có thể cung ứng thêm 18 triệu khách, ngoài ra, mở rộng kho hàng hóa nâng công suất từ 18 ngàn tấn lên hơn 100 ngàn tấn/năm”, ông Phương thông tin.

Da-Nang-An-Do-3

Routes Asia 2022 là cơ hội vàng để ngành du lịch Đà Nẵng tìm kiếm, mở rộng thị trường, kết nối các đường bay mới. Ảnh: Nguyễn Tri.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, tại Routes Asia 2022, ngành du lịch Đà Nẵng đã tiếp xúc với Bộ Hàng không dân dụng của Ấn Độ, hãng hàng không Indigo (hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ) cũng như hãng hàng không Qantas của Úc. Đây là hai thị trường tiềm năng mà ngành du lịch Đà Nẵng đang hướng tới.

“Từ diễn đàn lần này, thông tin, hình ảnh về Đà Nẵng được lan tỏa, các đối tác có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ để mở đường bay mới đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ triển khai nhiều hoạt động để kết nối sâu rộng hơn nữa với hy vọng mở được đường bay tới Ấn Độ và Úc”, ông Bình thông tin.

Tại các cuộc gặp song phương, đa phương, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cung cấp thông tin về các điểm đến của Đà Nẵng và các vùng lân cận như Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng… Bên cạnh đó, các đơn vị nhà ga đã làm việc, cung cấp thông tin, chính sách; các đơn vị lữ hành để kết nối và sớm mở các đường bay mới.

“Đà Nẵng sẽ triển khai các nhóm giải pháp trong thời gian tới gồm: cơ cấu lại nguồn lực đầu tư và hạ tầng; tạo sản phẩm du lịch có chiều sâu; tạo sản phẩm đẳng cấp khác biệt; tiếp tục giữ gìn môi trường an toàn, thân thiện, mến khách. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và Đông Nam Á”, ông Bình chia sẻ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ